Ứng phó với những nguy cơ Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt

Ngày 26/9 tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì phiên thảo luận về phát triển nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên thảo luận.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo 13 tỉnh thành trong khu vực cùng các nhà khoa học, các chuyên gia, trong nước và quốc tế dự phiên thảo luận.

Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các đại biểu cùng đánh giá tác động cả bên trong và bên ngoài như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khai thác các tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó đưa ra các biện pháp, không chỉ giúp thích ứng mà trước hết phải ứng phó với các nguy cơ mà Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt.

Buổi thảo luận đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận chất lượng từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các địa phương. Các ý kiến đóng góp đã miêu tả bức tranh vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh đầy thách thức cùng các giải pháp được đề xuất, kiến nghị.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long đang bị tác động nhiều hướng, nhiều chiều từ khách quan đến chủ quan. Trong tổn thương chung đó, nông nghiệp, nông thôn và nông dân là nhóm đối tượng bị tổn thương lớn nhất. Giải quyết câu chuyện phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu không thể một sớm một chiều mà là liên tục, lâu dài, ở đó, tiên quyết phải có sự vào cuộc của cả cộng động xã hội với những giải pháp phù hợp. Trong đó, việc liên kết vùng là rất cần thiết để đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Ông Hermen Borst, Phó Cao ủy Đồng bằng Hà Lan, Đại sứ quán Hà Lan cho biết, cũng như tại Đồng bằng sông Cửu Long, ở Hà Lan có chủ trương đẩy mạnh việc phối hợp liên vùng giữa Chính phủ và các tổ chức chính quyền quản lý tại địa phương để lập ra những kế hoạch hành động dài hạn.

Theo ông Hermen Borst, đây chính là yếu tố quan trọng bởi Việt Nam cần một tầm nhìn dài hạn để có thể xây dựng những giải pháp hiệu quả; đặc biệt là đối với tình trạng ngập lụt và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Ông Hermen Borst cho rằng, tất cả những dự án, đề án đang tiến hành hiện nay cần phải dựa trên kế hoạch dài hạn này.

“Tại Hà Lan, chúng tôi có Ủy ban chuyên trách cụ thể về vấn đề đồng bằng, có vai trò rất hữu ích trong việc kêu gọi hợp tác giữa các bên có liên quan”, ông Hermen Borst cho biết.

Đóng góp tại buổi thảo luận, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề xuất: Khi tiến hành liên kết vùng thì các vùng sản xuất lúa ổn định như Đồng Tháp, An Giang…là vùng đầu nguồn có nước ngọt, có lợi thế thì nên ổn định sản xuất lúa và xác định đây là vùng trọng điểm cho cả quốc gia, giữ vai trò an ninh lương thực.

Bên cạnh đó, đối với những vùng mặn, ngọt xen canh như Cà Mau, Bạc Liêu hay một phần của Kiên Giang thì nên chuyển đổi sang cây trồng thích hợp khác hoặc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, có làm được như vậy thì mới có thể phát triển bền vững được.

Cũng theo ông Trung, từng tỉnh đều có những tiểu vùng riêng, tiểu vùng rất nhỏ của mình mà giữ những tiểu vùng này rất tốn kém. Do đó nên giữ những vùng lớn thì sẽ ít tốn kém, hiệu quả hơn.

Ông Lê Việt Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhận xét, một trong những tác động của biến đổi khí hậu khiến phải hướng tới việc chuyển đổi sản xuất đó là tình trạng xâm nhập mặn.

Ông Sử nêu ví dụ, đối với vùng ven biển có vùng sản xuất luân canh lúa tôm, vùng luân canh tôm – rừng và vùng sản xuất chuyên tôm. Như vậy thì có nhiều mô hình sản xuất khác nhau theo đặc trưng của từng tiểu vùng. Vì vậy việc cần làm là phải có quy hoạch và chuyển đổi sản xuất theo từng tiểu vùng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tình hình biến đổi khí hậu và nhu cầu của thị trường hàng hóa hiện nay.

Ngoài các ý kiến góp ý về việc cần triển khai liên kết vùng một cách thiết thực, cụ thể thì các chuyên gia còn kiến nghị sớm triển khai tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền để đưa Đồng bằng sông Cửu Long vào tiến trình “làm ăn lớn”…

Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nêu thực trạng: Kiên Giang là địa phương chịu ảnh nặng nề của biến đổi khí hậu và tác động từ chính con người. Nhiều năm nay vùng Đồng bằng sông Cửu Long gần như không có lũ với những hệ lụy tiêu cực. Nước sinh hoạt trong dân cũng thiếu trầm trọng do khai thác quá mức, hạ tầng, thủy lợi chưa được đầu tư đúng mức.

Ông Nhịn dẫn chứng Kiên Giang là địa phương sản xuất lúa gạo lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng khoảng 4,5 triệu tấn và 500.000 tấn thủy sản mỗi năm, tuy nhiên, chế biến nông sản lại rất hạn chế do hạ tầng giao thông yếu kém, các doanh nghiệp ngán ngại, trong khi thị trường tiêu thụ rất khó khăn.

“Hiện nay, Kiên Giang đã chuyển đổi một diện tích lớn trồng lúa sang luân canh tôm, cua, nâng cao thu nhập cho nông dân. Hướng tới, chúng ta phải sản xuất lớn không thể nhỏ lẻ nữa, nhưng khi đó, chính sách về đất đai sẽ ra sao. Cần đẩy nhanh triển khai việc tích tụ ruộng đất một cách rõ ràng, cụ thể gắn với đầu tư hạ tầng đồng bộ”. Ông Nhịn kiến nghị.

Các kết quả thảo luận, trao đổi tại các phiên chuyên đề sẽ là cơ sở để tiếp tục trao đổi đi đến thống nhất các định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, khả thi và cách thức tổ chức thực hiện. Những kết quả của Hội nghị lần này sẽ là cơ sở để Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin, ảnh: Thanh Liêm (TTXVN)
 Thủ tướng thị sát tình hình biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long
Thủ tướng thị sát tình hình biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long

Chiều 26/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đi thị sát bằng trực thăng các khu vực bị ảnh hưởng và tác động bởi biến đổi khí hậu thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN