Tổng hợp COVID-19 ngày 7/8: Thêm 4.305 ca khỏi bệnh; đẩy mạnh tiến độ thử nghiệm vaccine Nano Covax

Ngày 7/8, nhiều tỉnh, thành trong cả nước tăng tốc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Song song đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nhận thử vaccine Nano Covax khẩn trương hoàn thiện, chuẩn bị ngay báo cáo thử nghiệm lâm sàng pha 3a ngay đầu tuần tới. Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành cũng tăng cường hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng COVID-19; riêng TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ chi phí hoả táng cho người mất do COVID-19.

Trong ngày có 4.305 bệnh nhân khỏi bệnh

Chú thích ảnh
Người nhiễm SARS-CoV-2 được đưa đi cách ly, điều trị. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Y tế, ngày 7/8 Việt Nam có tổng số 7.334 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 7.333 ca ghi nhận trong nước. Ngoài ra, có 4.305 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 196.806 ca, trong đó có 63.863 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Đến nay, tổng số ca được điều trị khỏi là 66.637 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 512 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 19 ca.

Có 2 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới là Quảng Ninh và Bắc Kạn.

Có 12 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 6.861.784 mẫu cho 19.403.096 lượt người.

Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 8.528.267 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 7.664.944 liều, tiêm mũi 2 là 863.323 liều.

TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ chi phí hỏa táng cho người dân mất vì COVID-19

Ngày 7/8, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ lo toàn bộ chi phí hậu sự cho người mất vì COVID-19.

Cụ thể, TP Hồ Chí Minh sẽ lo tất cả chi phí tẩm liệm, vận chuyển, hỏa thiêu và giao tro cốt cho thân nhân của người mất. Mức hỗ trợ là 17 triệu đồng mỗi trường hợp và số tiền này trích từ ngân sách thành phố.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, đối với người mất vì COVID-19 tại các bệnh viện, Thành phố sẽ phân bổ ngân sách về cho Sở Y tế để Sở chuyển cho các bệnh viện lo hậu sự. Đối với người không may qua đời tại nhà thì ngân sách sẽ phân bổ về các quận, huyện và quận, huyện phân bổ về phường, xã để lo cho người dân.

Đối với công tác hỏa táng người mất tại TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh hiện có 4 nơi thực hiện là Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), Đa Phước (quận Bình Chánh), Phúc An Viên (Quận 9) và Tháp Long Thọ (huyện Củ Chi). Thành phố đã làm việc với các đơn vị này đề nghị họ nhận các trường hợp đưa đến hỏa táng, không từ chối bất kỳ trường hợp nào. Đặc biệt không tăng giá làm ảnh hưởng đến người dân trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Đối với chi phí hỏa táng, TP Hồ Chí Minh đã quy định theo giá nhà nước và không tăng giá từ đầu mùa dịch. Cụ thể, tại Công ty Môi trường đô thị, giá quy định là 4,2 triệu đồng; tại một số đơn vị khác giá khoảng 4,5-5 triệu đồng. Các chi phí vài chục triệu đồng như vừa qua một số người dân phản ánh là những dịch vụ kèm theo của các cơ sở mai táng khi lo tang lễ cho người mất.

Hà Nội yêu cầu công nhân không ra khỏi công trường, thực hiện '3 tại chỗ'

Sau khi công trường xây dựng bên trong Bệnh viện Đa khoa Hà Đông phải phong toả vì có 4 ca mắc COVID-19, TP Hà Nội yêu cầu các dự án thi công (trong đó có 8 dự án giao thông cấp bách), phải thực hiện “đóng rào”, công nhân thực hiện “3 tại chỗ”.

Chú thích ảnh
Hà Nội yêu cầu công nhân không ra khỏi công trường, thực hiện '3 tại chỗ'.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu: Chủ đầu tư, nhà thầu phải có phương án, kịch bản duy trì thi công đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Theo đó, đối với công trình thi công có khuôn viên độc lập, đơn vị thi công phải có hàng rào khép kín xung quanh công trường để tổ chức giám sát, kiểm soát các hoạt động ra - vào công trường, đáp ứng điều kiện phòng chống dịch bệnh đúng quy định và phải thực hiện nguyên tắc “3 tại chỗ”, gồm: Sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ và không đi ra ngoài công trường khi không có nhiệm vụ.

Các công trình xây dựng theo tuyến phải có biện pháp tổ chức thực hiện nguyên tắc 3 tại chỗ hoặc nguyên tắc “một cung đường hai điểm đến ” và phải được UBND cấp huyện nơi có công trình xây dựng chấp thuận trước khi thực hiện.

Người về từ vùng có dịch đã tiêm đủ liều vaccine thì tự theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày

Theo quy định mới, những người đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19, hoặc đã khỏi COVID-19 được tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày; thực hiện nghiêm 5K. Đồng thời, thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 7. Nếu có trường hợp xét nghiệm dương tính thì thực hiện các biện pháp theo quy định.

Chú thích ảnh
Cách ly người có nguy cơ để phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Với những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 thì thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày kể từ ngày đến, về địa phương; sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Đồng thời, những trường hợp này sẽ thực hiện xét nghiệm 3 lần vào: Ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 trong thời gian cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-COV-2 sẽ xử lý theo quy định.

Bộ Y tế cũng quy định, các trường hợp từ các tỉnh, thành phố, địa bàn khác đi qua khu vực có dịch nhưng không dừng, đỗ thì không phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế.

Đối với người đã tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hoặc khỏi bệnh COVID-19 tại nước ngoài, việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.

Bộ Y tế đề nghị hoàn thiện các bước thử nghiệm vaccine Nano Covax sớm

Chú thích ảnh
Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia họp về nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax. Ảnh: BYT

Ngày 7/8, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (gọi tắt là Hội đồng Đạo đức) đã tổ chức cuộc họp để nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại và ghi nhận tiến độ triển khai giai đoạn 3a (giai đoạn đầu của giai đoạn 3, hiện chưa có báo cáo kết quả chính thức) với vaccine Nano Covax (của Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen).

Theo nội dung cuộc họp, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2, vaccine Nano Covax được đánh giá bước đầu về tính an toàn, khả năng dung nạp và thăm dò đáp ứng sinh miễn dịch của vaccine nghiên cứu, chưa đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine. Đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 2 là đánh giá trong ngắn hạn tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine nghiên cứu để xác định liều dùng tối ưu của vaccine trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Để sớm có kết quả về tính sinh miễn dịch, Hội đồng Đạo đức cho phép chỉ thực hiện các xét nghiệm về tính sinh miễn dịch ở giai đoạn 3a trên 1.000 người tình nguyện. Cho đến ngày 6/8/2021, Hội đồng Đạo đức chưa nhận được hồ sơ, báo cáo chính thức nào từ các nghiên cứu viên chính và Tổ chức nhận thử về hiệu lực bảo vệ của vaccine Nano Covax.

Theo kết quả cuộc họp sáng ngày 7/8, Hội đồng Đạo đức đã thống nhất nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Nano Covax với dữ liệu theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên của giai đoạn 1 trên 60 người tình nguyện với 3 mức liều: 25 mcg, 50 mcg, 75 mcg. Trên cơ sở cập nhật kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại, Hội đồng Đạo đức quyết định tiếp tục cho phép triển khai thử nghiệm giai đoạn 3 với mức liều 25mcg theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt.

Bộ Y tế đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Hội đồng về việc cần thành lập ngay tổ hỗ trợ, phân tích, đánh giá, giám sát số liệu và quy trình của 2 đơn vị tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, và phải có báo cáo trước ngày 14/8/2021.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 5/8: Tăng cường xét nghiệm sàng lọc; giữ an toàn các vùng xanh
Tổng hợp COVID-19 ngày 5/8: Tăng cường xét nghiệm sàng lọc; giữ an toàn các vùng xanh

Trong ngày 5/8, dư luận quan tâm đến các thông tin nổi bật như: Bình Phước tăng cường xét nghiệm sàng lọc, dập dứt điểm các ổ dịch; Việt Nam ghi nhận 7.244 ca nhiễm mới; giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; nhiều địa phương đã triển khai hỗ trợ lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN