Tìm giải pháp khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng

Ngày 26/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo “Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng” tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc Hội thảo. 

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng việc khai thác và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng; thảo luận, trao đổi về các quy định pháp luật và thực tiễn việc thực thi cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng...

Phát biểu tại Hội thảo, bà Phạm Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng là vấn đề không chỉ nhức nhối tại Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việc tìm được giải pháp phù hợp không chỉ đảm bảo việc thực thi quyền trên không gian mạng, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, việc thực thi bảo vệ bản quyền trên không gian mạng không hề dễ dàng. Qua chia sẻ từ các doanh nghiệp cho thấy, việc vi phạm diễn ra trên diện rộng: phim ảnh, ca nhạc, sách nói, chương trình phát sóng trực tiếp, trò chơi điện tử… Mỗi đơn vị phải tự xử lý hàng ngàn cho đến hàng chục ngàn trường hợp mỗi năm. Bên cạnh đó, luật định hiện đã có nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Các chủ thể cũng chưa được hướng dẫn cụ thể để có được phương án xử lý đúng đắn… Vì thế, trước mỗi vụ vi phạm bản quyền, hiện vẫn rất khó xử lý và kéo dài. Các chủ thể, tác giả cũng chưa nắm rõ về luật định.

Chú thích ảnh
Bà Phạm Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội thảo.

Về việc vi phạm bản quyền với lĩnh vực sách nói, theo ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ WEWE, từ tháng 7/2020 đến nay, Voiz FM cho tháo gỡ hơn 30.000 nội dung vi phạm. Điều này cho thấy, tình trạng xâm phạm bản quyền sách nói đang tăng mạnh và khó kiểm soát, trong đó có 3 hình thức vi phạm bản quyền phổ biến nhất ở sách nói, đó là “USB sách nói/Link chia sẻ”, “kênh YouTube sách nói”, “Website”.

Để giảm thiểu và ngăn ngừa tình trạng xâm phạm bản quyền sách nói, ông Lê Hoàng Thạch cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với các nền tảng lớn để ngăn chặn quảng cáo trên những nền tảng trực tuyến như YouTube, Facebook... thay vì chỉ báo cáo gỡ bỏ, nhỏ lẻ. Cùng với đó, các đơn vị cần có những chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như những hậu quả tiêu cực của việc sử dụng sách nói lậu. Đồng thời, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các nguồn sách nói chính thống và chất lượng. 

Ngoài ra, Cục Xuất bản, In và Phát hành cần khuyến khích các đơn vị xuất bản tích cực tham gia vào Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, đẩy mạnh hơn việc chuyển thể các tác phẩm sang định dạng sách nói chính thống và chất lượng để phục vụ nhu cầu của bạn đọc.

Bên cạnh ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp đại diện trong nước, Hội thảo còn là dịp để trao đổi kinh nghiệm với một số quốc gia về cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng, đưa ra các đề xuất, giải pháp tại Việt Nam và các kiến nghị, giải pháp về khai thác và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng.

Chú thích ảnh
Ông Aaron Herps, Trưởng phòng bảo vệ bản quyền Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phát biểu tại Hội thảo. 

Về tình trạng vi phạm bản quyền giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam, ông Aaron Herps, Trưởng phòng bảo vệ bản quyền Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trưởng ban tổ chức Giải bóng đá ngoại hạng Anh cho biết, các vụ vi phạm bản quyền của giải tại Việt Nam hiện rất tinh vi và phức tạp, đứng đằng sau là tội phạm có tổ chức như tổ chức tội phạm chuyên về cá cược.

Nói về cách xử lý vi phạm trên, theo ông Aaron Herps, cần dùng công nghệ bảo vệ các chương trình phát sóng khi làm việc cùng K+ và sử dụng các công nghệ về lọc kênh, lọc thông tin trên Internet để tìm ra các nội dung đang bị phát bất hợp pháp. Cụ thể, khi phát hiện, đơn vị sẽ gửi thông tin đến các bên cung cấp dịch vụ và các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Telegram để cảnh báo. 

Về các chương trình sắp tới, Trưởng phòng bảo vệ bản quyền Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, đơn vị sẽ triển khai chiến dịch “Nâng cao nhận thức về việc xâm phạm bản quyền và ăn cắp nội dung”. Chương trình được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức của tất cả mọi người về vấn đề này. Bên cạnh đó, phòng bảo vệ bản quyền Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng tổ chức đào tạo để nâng cao nhận thức không chỉ đối với người dùng xã hội nói chung, mà còn đào tạo nâng cao nhận thức cho các cơ quan báo chí truyền thông, các cơ quan quản lý nhà nước.

Tin, ảnh: Thu Hương (TTXVN)
Bảo vệ bản quyền báo chí trên không gian số - cần sự chung tay
Bảo vệ bản quyền báo chí trên không gian số - cần sự chung tay

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời đại mới cho báo chí, truyền thông, thời đại kết nối internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo. Đây là một xu thế tất yếu đòi hỏi các cơ quan báo chí phải thay đổi tư duy, đầu tư nguồn nhân lực, công nghệ để thực hiện chuyển đổi số linh hoạt, phù hợp thực tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN