Bảo vệ bản quyền báo chí trên không gian số - cần sự chung tay

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời đại mới cho báo chí, truyền thông, thời đại kết nối internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo. Đây là một xu thế tất yếu đòi hỏi các cơ quan báo chí phải thay đổi tư duy, đầu tư nguồn nhân lực, công nghệ để thực hiện chuyển đổi số linh hoạt, phù hợp thực tế.

Chú thích ảnh
Dù chưa được sự đồng ý chính thức của báo Công an thành phố Đà Nẵng, nhiều trang tin điện tử vẫn “vô tư” dẫn nguồn tin từ báo này. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Một thách thức lớn với chuyển đổi số báo chí là vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số. Theo đó, hiện tượng vi phạm quyền pháp lý được cấp cho người tạo ra hoặc sở hữu nội dung số để kiểm soát việc sao chép, phân phối, sử dụng trong môi trường số hóa đang diễn ra phổ biến với tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng. Đây chính là rào cản lớn đối với chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí hiện nay.

Báo chí đối mặt với tình trạng vi phạm bản quyền

Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số. Công cuộc chuyển đổi số tạo ra nhiều thuận lợi nhưng đồng thời cũng khiến báo chí phải đối diện với thách thức mới: tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng phổ biến, tinh vi, đặc biệt là trong môi trường số, với sự bùng nổ của mạng xã hội, trang tin tổng hợp…

Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới nhận định: Tình trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí vẫn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là đối với các sản phẩm báo điện tử. Trên thực tế, chỉ cần một đơn vị đăng tải bài báo về một vấn đề "nóng" bất kỳ, hay một sản phẩm báo chí có chất lượng, được tác giả tâm huyết, đầu tư công phu, ngay sau đó không khó để tìm kiếm các bài đăng y hệt về nội dung, hình ảnh trên nhiều trang tin điện tử. Đã và đang tồn tại thực trạng rất nhiều báo, trang tin điện tử, mạng xã hội… tự ý lấy tin, bài, sản phẩm của những đơn vị khác để đăng tải lại, phục vụ nhiều mục đích cho cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp mình. Thậm chí, nhiều website, fanpage còn giả thương hiệu các đơn vị báo chí chính thống để đưa những thông tin chưa được xác thực. Chưa kể, có thể dễ dàng bắt gặp các bài báo được sao chép sử dụng một phần hay toàn bộ tin, bài, ảnh của bài báo khác mà không trích dẫn hoặc trích dẫn không đầy đủ nguồn và rất khó để kiểm soát tình trạng lấy bài của nhau.

Vi phạm bản quyền có thể đến từ những trang web có địa chỉ rõ ràng và cả các trang "3 không": Không rõ nguồn gốc, không rõ cơ quan chủ quản, mạng xã hội. Nhiều sản phẩm vừa được xuất bản đã bị các trang khác, tài khoản mạng xã hội… tự ý lấy lại, khai thác, sử dụng trái phép mà không trích dẫn nguồn, dẫn đường link. Trong khi độc giả có xu hướng "đọc nhanh", tin tưởng các website, trang mạng xã hội này mà không cần đọc báo chính thống. Trong đó, vi phạm nhiều nhất và cũng gây khó khăn nhất trong xử lý vấn đề vi phạm bản quyền đến từ trang web, tài khoản mạng xã hội "ba không". Các trang mạng này tự ý lấy lại sản phẩm báo chí, khai thác sử dụng nhưng cơ quan báo chí cũng khá "lúng túng" trong xử lý vấn đề bản quyền.

Xét dưới góc độ kinh tế, việc sao chép bài viết một cách thiếu kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng đến phong cách của một tờ báo, tờ báo bị sao chép bị mất đi lượng độc giả trung thành khi không bảo vệ được tác quyền. Ngoài ra còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của người làm báo khi doanh thu quảng cáo của tờ báo bị sao chép sụt giảm. Khi các tác phẩm báo chí chính thống bị sao chép, đánh cắp thì vấn đề không đơn thuần chỉ nằm ở việc vi phạm bản quyền, thông tin bị cắt cúp, sao chép, vi phạm này còn làm méo mó, sai lệch thông tin. Đối với các cơ quan báo chí, việc vi phạm này một mặt ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín, xâm hại thành quả lao động của các đơn vị nắm bản quyền, của nhà báo, đồng thời gây thất thu lớn về mặt kinh tế - Nhà báo Nguyễn Minh Đức nói.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng việc nhà báo vi phạm bản quyền báo chí thường được coi là vi phạm chuẩn mực đạo đức và các tiêu chuẩn về văn hoá truyền thông vì liên quan đến một loạt giá trị quan trọng trong nghề báo, truyền thông, bao gồm sự trung thực, đáng tin cậy; tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ; tính đa dạng và độc lập trong nguồn tin; đề cao sáng tạo, sự công bằng.

Nguyên nhân của việc vi phạm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng trước tiên là do internet cho phép nội dung báo chí được chia sẻ, lan truyền nhanh chóng. Điều này làm cho việc kiểm soát sao chép, phân phối nội dung báo chí trở nên khó khăn hơn. Với sự xuất hiện của nhiều công cụ số, việc sao chép, tái sử dụng nội dung báo chí trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt trên các nền tảng trực tuyến, tạo ra môi trường dễ bị vi phạm bản quyền.

Bên cạnh đó, trên môi trường số, việc xác định nguồn gốc (sản phẩm gốc, tác giả của sản phẩm gốc) là khó khăn hơn, bởi trên môi trường này, thông tin có thể được chia sẻ nhiều lần và không rõ nguồn gốc, dẫn đến việc xác định tác giả, nguồn gốc của một bài viết trở nên khó khăn. Cùng đó, thách thức về pháp lý đa quốc gia liên quan đến vấn đề bản quyền và bảo vệ bản quyền nội dung số. Internet là một không gian trực tuyến quốc tế, trong đó vấn đề bản quyền báo chí có thể phát sinh ở nhiều quốc gia khác nhau với quy định pháp lý khác nhau càng làm cho việc áp dụng pháp luật trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Sự phát triển quá nhanh của công nghệ đã khiến sự thay đổi các quy phạm pháp luật không theo kịp, dẫn đến còn chưa có hoặc chế tài xử lý vi phạm chưa theo kịp với thực tiễn. Ngoài ra, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ người dùng, bao gồm cả các nhà báo; nhà sáng tạo nội dung còn thiếu hiểu biết về quyền bản quyền, có thể vi phạm bản quyền một cách không chủ ý. Ý thức tự bảo vệ bản quyền, những kiến thức, kỹ năng, chuẩn mực văn hóa và đạo đức của nhà báo, cơ quan báo chí chưa thật sự được quan tâm tương xứng với mức cần thiết của nó - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng nói.

Cuộc chiến không đơn độc

Là một trong những tờ báo lớn, thường bị sao chép, vi phạm bản quyền, Báo Tuổi Trẻ đã có nhiều biện pháp bảo vệ sản phẩm của mình. Nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Tổng biên tập, Thư ký chi hội nhà báo Báo Tuổi Trẻ cho biết: Việc thực hiện bản quyền và đấu tranh chống vi phạm bản quyền là một trong những nội dung được báo quan tâm, thực hiện từ nhiều năm nay. Báo luôn ý thức và thực hiện nghiêm túc quyền tác giả đối với các tác phẩm báo chí theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và pháp luật có liên quan. Bên cạnh việc tôn trọng bản quyền, công tác bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí của Báo được triển khai từ năm 2013, đến nay đã đạt được một số kết quả, tình trạng sử dụng trái phép các sản phẩm của báo đã giảm so với trước đây. Ý thức về việc tôn trọng bản quyền cũng được nâng cao thông qua việc tuyên truyền trên mặt báo và các biện pháp chế tài.

Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong công tác này phải kể đến là hiện nay việc phát hiện vi phạm bản quyền vẫn dựa chủ yếu vào việc đọc, phát hiện thủ công, Báo Tuổi trẻ chưa đủ sức đầu tư công nghệ để có công cụ lọc, quét báo cáo vi phạm, nên việc xử lý các đơn vị vi phạm cũng chưa triệt để. Qua đó, đại diện Báo kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan lý nhà nước tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan để có các căn cứ pháp luật đủ sức xử lý chế tài răn đe. Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông có thể hợp tác với những tập đoàn công nghệ lớn trong nước đầu tư công nghệ, AI giúp các cơ quan báo chí có công cụ kiểm soát, kiểm tra, rà quyết, phân loại, phát hiện tình trạng vi phạm bản quyền.

Mỗi cơ quan báo chí cũng cần tăng cường các bài viết đấu tranh, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ bản quyền báo chí nhằm thu hút sự quan tâm của xã hội, thay đổi, nâng cao nhận thức, từ đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vi phạm này. Một cơ quan báo chí không thể đơn độc chống lại tình trạng vi phạm bản quyền, cần có sự đoàn kết, chung tay, góp sức của nhiều cơ quan báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam cần quan tâm nội dung này, có thể là đơn vị đầu mối tổ chức các tọa đàm tìm giải pháp và sớm có các bước đi cần thiết để thành lập liên minh hoặc một trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí - Nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên nói.

Cùng ý kiến, nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho rằng cần thành lập Trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí. Theo đó, các cơ quan báo chí có thể chủ động hợp tác thành lập Liên minh bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí để hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động này. Các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam...) đứng ra làm đầu mối thành lập một Trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Đó không chỉ là một công cụ, mà trực tiếp bày tỏ thái độ với tệ trạng này.

Bên cạnh đó, nhà báo Nguyễn Đức Hiển cũng kiến nghị cần quy định rõ hơn về bản quyền trong luật chuyên ngành là Luật Báo chí 2016; tăng mức xử phạt trong vi phạm bản quyền báo chí; bổ sung quy định trong Luật sở hữu trí tuệ; khuyến khích phương thức tranh chấp qua tố tụng tòa án.

Để cùng ngăn chặn việc tác phẩm của báo mình bị ăn cắp, hiện nay Báo Tuổi Trẻ đã thành lập Liên minh với 5 cơ quan báo chí; Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Tại tọa đàm "Chuyển đổi số báo chí - Cú hích bứt phá tương lai" diễn ra ngày 7/9/2023, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đã khẳng định: Hội Nhà báo Việt Nam sẽ hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc bảo vệ bản quyền, tăng nguồn thu từ khai thác dữ liệu người dùng. Hội sẽ bắt tay hợp tác với những doanh nghiệp có nền tảng công nghệ lớn để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí nhỏ không đủ tiềm lực cơ sở hạ tầng thực hiện chuyển đổi số; xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung thống nhất cho các cơ quan báo chí, từ nay đến cuối năm 2023 sẽ có ít nhất 30 cơ quan báo chí sử dụng hệ thống này.

Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng khẳng định: Các động thái bảo vệ bản quyền cho các cơ quan báo chí không bao giờ là muộn. Cục Báo chí đang tiếp tục tham mưu cho Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi luật Báo chí, trong đó có hoạt động báo chí trên không gian mạng. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu về vấn đề bản quyền, cơ sở pháp lý, xây dựng quy trình đấu tranh vi phạm về bản quyền trên không gian mạng; đồng thời sẵn sàng chia sẻ dữ liệu, các giải pháp công nghệ để phối hợp cùng các cơ quan báo chí đo quét các nội dung vi phạm. Tất cả các cơ quan báo chí vi phạm bản quyền khi phản ánh về Cục Báo chí, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định", bà Đặng Thị Phương Thảo nói.

Cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự quyết tâm, chung tay của các cơ quan báo chí, chắc chắn việc bảo vệ quyền báo chí trên không gian mạng sẽ có kết quả tích cực trong thời gian tới.

Phúc Hằng (TTXVN)
Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số
Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số

Sáng 13/9, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN