Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri

Sáng 11/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2023.

Chú thích ảnh
Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày các báo cáo (tóm tắt). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Dương Thanh Bình - Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Cử tri và nhân dân quan tâm đến các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kết quả Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; những nội dung trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhất là việc Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua những dự án luật có nội dung liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ… và kỳ vọng Quốc hội có những quyết sách quan trọng để tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển kinh tế đất nước, ổn định và nâng cao đời sống của người dân.

Cử tri và nhân dân rất vui mừng và phấn khởi trước tình hình kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chỉ số cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. 

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về tình trạng mưa lũ tại một số địa phương gây thiệt hại lớn về người và tài sản; tình trạng bạo hành trẻ em, bắt cóc trẻ em để tống tiền gây bức xúc, hoang mang trong xã hội trong thời gian gần đây. Tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng công tác nhân đạo, từ thiện để trục lợi. Tình trạng người lao động đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục gia tăng. Hiện tượng trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp ngày càng trở lên phổ biến. Tình trạng công nhân ngừng việc tập thể vẫn còn tiếp diễn. Tình trạng lộ thông tin cá nhân; quảng cáo, giới thiệu sản phẩm không đúng sự thật; cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen; giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân chậm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý, gây bức xúc trong nhân dân. Tình hình cháy nổ tại khu dân cư có mật độ người ở cao vẫn còn tiếp diễn, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản… 

Về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023, đồng chí Dương Thanh Bình cho biết: Về tiếp công dân, tình hình công dân đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tăng so với năm 2022. Các cơ quan đã tiếp 5.844 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 5.468 vụ việc và có 277 lượt đoàn đông người. Trong đó, riêng tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội (chủ yếu là tại Hà Nội) số lượt công dân đến tăng 752 lượt người với 877 vụ việc và 48 lượt đoàn đông người so với năm 2022 (tăng 2,1 lần về số lượt công dân; 2,6 lần về số vụ việc).

Cũng theo đồng chí Dương Thanh Bình, qua tiếp công dân, đã ban hành 986 văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản đối với 319 đơn; trực tiếp giải thích, thuyết phục, vận động 4.153 lượt công dân chấp hành các bản án, kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. 

Về xử lý đơn thư, số lượng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội tăng tăng 23,8% so với năm 2022, các cơ quan nhận được tổng số 33.334 đơn thư của công dân chuyển đến. Riêng đối với số lượng đơn của công dân gửi lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc trách nhiệm xử lý của Ban Dân nguyện tăng 1.421 đơn, tăng 12% so với năm 2022. 

Qua nghiên cứu 13.229 đơn đủ điều kiện xử lý, các cơ quan đã chuyển 5.001 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tăng 676 đơn so với năm 2022; đã ban hành văn bản hướng dẫn, trả lời công dân đối với 1.326 đơn; tiếp tục nghiên cứu, xử lý 1.186 đơn và lưu theo dõi 5.716 đơn. 

Về giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc xem xét báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng, các cơ quan đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá và giám sát việc giải quyết đối với 122 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp để kiến nghị giải quyết dứt điểm. Có 22 Đoàn ĐBQH tổ chức giám sát đối với 135 vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể, tăng 52 vụ việc so với kỳ báo cáo năm 2022. 

Ban Dân nguyện kiến nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các Đoàn ĐBQH nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri; đảm bảo tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri sau khi ĐBQH tiếp xúc cử tri theo quy định.

Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu để hạn chế việc chuyển đơn khiếu nại, tố cáo đến không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc chuyển đơn đối với vụ việc đã được giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.

Sớm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện quy định của pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và phát huy vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn ĐBQH đối với công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến.

Có giải pháp cụ thể để đảm bảo thời gian, tiến độ thực hiện chế độ báo cáo công tác dân nguyện; chủ động, phối hợp với các cơ quan có liên quan để thu thập, phản ánh kịp thời những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội và cử tri quan tâm để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn. 

V.T/Báo Tin tức
Khai mạc Phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Khai mạc Phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 11/10/2023, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến, thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 09/2023 và tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN