Thượng tướng Tô Lâm: Cần phát triển để ổn định bền vững vùng Tây Nguyên

Ngày 17/7, tại tỉnh Gia Lai, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Lễ Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập (17/7/2002 – 17/7/2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Thượng tướng Tô Lâm trao Bảng vinh danh cho các đơn vị có thành tích đóng góp trong công tác an sinh xã hội cho vùng Tây Nguyên.

Dự Lễ kỷ niệm có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Tô Lâm cùng lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên.

Phát biểu tại buổi Lễ, Thượng tướng Tô Lâm khẳng định: Từ một vùng khó khăn về kinh tế, phức tạp về an ninh, trật tự đến nay Tây Nguyên đã có thay đổi đáng kể, quốc phòng, an ninh được đảm bảo. Sau 15 năm, tình hình Tây Nguyên đã từng bước thay đổi, kinh tế giữ mức tăng trưởng khá, chuyển dịch theo hướng tích cực, nhất là phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, an sinh xã hội được chú trọng, điện lưới, nước sạch, giáo dục, y tế… đã về đến các buôn làng. Công tác hỗ trợ sản xuất, giải quyết những vấn đề về đất đai, việc làm được quan tâm giúp đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên.

Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh, với mục tiêu “Phát triển để ổn định bền vững vùng Tây Nguyên”, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng, tăng cường hội nhập quốc tế để phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nguyên; chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Tây Nguyên nắm bắt tình hình, đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp nhằm tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trên tuyến biên giới và nội địa. Từ đó đấu tranh ngăn chặn kịp thời mọi hoạt động chống phá của các thế lực thù địch từng bước đưa Tây Nguyên phát triển ngày một ổn định. Đối với các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, đặc biệt chú trọng nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã bám sát các quan điểm của Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị tập trung đôn đốc giải quyết những vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách mang tính đột phá, nhất là vấn đề đất đai, nhà ở, việc làm, xóa đói nghèo, trên cơ sở đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Chương trình 132, 134, 154, 167… về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những chủ trương mang tính đột phá, có ý nghĩa kinh tế, xã hội sâu sắc góp phần đưa vùng đất Tây Nguyên phát triển toàn diện về mọi mặt.

Cùng với nền tảng là các vùng chuyên canh các loại cây công nghiệp dài ngày thuộc nhóm nông sản xuất khẩu chính của cả nước như: cao su, cà phê, hồ tiêu… đặc biệt phải kể đến các mô hình cánh đồng lớn, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu xuất hiện ngày một nhiều đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Tính đến nay, toàn vùng Tây Nguyên có tổng diện tích gieo trồng các loại cây ngắn, dài ngày gần 2 triệu ha, trong đó gần 600.000 ha cà phê sản lượng mỗi năm đạt trên 1,3 triệu tấn, 72.000 ha hồ tiêu, sản lượng đạt trên 120.000 tấn, cao su, điều, ca cao cũng được các tỉnh trong vùng phát triển mạnh, tăng thu nhập cho người dân.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế đạt thành tựu đáng ghi nhận, bình quân hàng năm đạt trên 10%, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản xấp xỉ 7%/năm. Tính đến cuối năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng, tăng hơn 13 lần so với năm 2001. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai liên tục, rộng khắp, bằng nhiều giải pháp có hiệu quả giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm khoảng 3%. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp, đạt được nhiều kết quả khả quan làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là kết cấu hạ tầng nông thôn. Đến nay, toàn vùng Tây Nguyên đã có một huyện và 123 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nguyễn Hoài Nam (TTXVN)
Góp phần thúc đẩy Tây Nguyên phát triển bền vững
Góp phần thúc đẩy Tây Nguyên phát triển bền vững

Nhân kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên (17/7/2002 – 17/7/2017), phóng viên TTXVN đã phỏng vấn đồng chí Điểu Kré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên về kết quả sau 15 năm hoạt động góp phần thúc đẩy Tây Nguyên phát triển bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN