Thừa Thiên - Huế cần khai thác tốt hơn thế mạnh về văn hóa, con người

Ngày 18/10, Đoàn Khảo sát thực tế nhóm 3 Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội và xây dựng con người. 

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc. 

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những thành quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt được, yêu cầu tỉnh khai thác tốt hơn thế mạnh địa phương về văn hóa, con người và hệ thống di sản vật thể, phi vật thể, hệ sinh thái đầm phá đa dạng, phong phú…

Trưởng đoàn công tác đề nghị, Thừa Thiên - Huế phải có chiến lược thu hút nguồn lực trong và ngoài nước để duy trì, phát triển văn hóa; xây dựng giải pháp cụ thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số; cơ chế thu hút nhân tài...

Ý kiến của các thành viên Đoàn công tác nhấn mạnh, Thừa Thiên - Huế là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa và nhiều tiềm năng phát triển. Thời gian qua, các cấp ủy rất quan tâm, ban hành nhiều chính sách nhằm cụ thể hóa vấn đề về văn hóa, xã hội và xây dựng con người. Tỉnh thực hiện tốt chính sách về an sinh xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nội dung trên địa phương còn gặp một số khó khăn, hạn chế như trong việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản, giữ gìn văn hóa truyền thống và phát triển kinh tế.

Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ điểm nghẽn, vấn đề đặt ra và xác định đâu là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình thực hiện mục tiêu đến năm 2030, phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành một trong những trung tâm lớn và đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu, một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao...

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, địa phương luôn chú trọng bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng con người Thừa Thiên - Huế phát triển toàn diện về năng lực, trí tuệ, nhân cách làm trọng tâm cốt lõi của phát triển văn hóa.

Tỉnh huy động các nguồn lực cho sự nghiệp văn hóa, đặc biệt là bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình và cộng đồng, phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết dân tộc. Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số, đổi mới giáo dục và đào tạo, bảo đảm công tác an sinh xã hội.

Tin, ảnh: Tường Vi  (TTXVN)
7 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ở Quảng Ninh
7 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ở Quảng Ninh

Trong số 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia của Quảng Ninh, có 5 di sản văn hóa phi vật thể được xếp vào loại hình lễ hội truyền thống, 1 di sản thuộc loại hình tập quán xã hội-tín ngưỡng và 1 di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Để phát huy các giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể này, hiện nay, Quảng Ninh đã và đang thực hiện nhiều hoạt động bảo tồn, phục dựng, bảo tồn gắn với khai thác du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN