Thủ tướng trả lời chất vấn về dự án lấn sông Đồng Nai

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về dự án lấn sông Đồng Nai.

Đoàn công tác kiểm tra khu vực thi công dự án lấn sông ngày 28/3. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Lập, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khoá XIII: "Tại các buổi tiếp xúc, cử tri tiếp tục phản ánh dự án lấn sông Đồng Nai để làm dự án phát triển đô thị ven sông sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của người dân các tỉnh phía Nam và tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Theo chỉ đạo của Chính phủ thì các bộ, ngành có liên quan đang xem xét, xử lý vấn đề này.

Đề nghị Thủ tướng thông tin cho đại biểu Quốc hội biết về tình hình hiện nay của dự án, việc thẩm định, đánh giá lại dự án đã tiến hành đến đâu; có tiếp tục thực hiện dự án nữa hay không? Nếu ngừng thực hiện dự án thì phương án khắc phục như thế nào? Và việc xử lý sai phạm và trách nhiệm đối với những đơn vị có liên quan?”

Về chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ cho biết:

1. Về tình hình hiện nay của dự án:


Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (dự án) do Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư tại phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, được khởi công từ tháng 9/2014.

Dự án có quy mô 8,4ha, trong đó 7,7ha lấn sông Đồng Nai với tổng chiều dài khoảng 1,3km, chiều rộng lớn nhất khoảng 100m. Việc xây dựng kè bờ lấn ra sông được thực hiện tại đoạn sông có chiều rộng khoảng 800m (đây là đoạn sông rộng nhất tính từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh).

Nằm trong phạm vi dự án có trạm bơm của Nhà máy nước cấp cho thành phố Biên Hòa và trạm thủy văn Biên Hòa. Để phục vụ cho việc phát triển dự án, vị trí lấy nước của trạm bơm và trạm thủy văn dự kiến sẽ được di dời. Vị trí xây dựng dự án cách luồng giao thông thủy khoảng 280m, nằm ngoài hành lang bảo vệ luồng giao thông thủy.

Tại thời điểm cuối tháng 3/2015, dự án đã thực hiện san lấp khoảng 600m chiều dài, trong đó có khu vực trung tâm hình bán nguyệt chiều rộng lớn nhất là 100m, chiều dài 500m, khối lượng san lấp khoảng 70%. Cao trình mặt kè cao hơn lòng sông khoảng từ 5 đến 8 m; đã xây dựng một phần cơ sở hạ tầng (cống thoát nước, san nền....).

2. Quá trình chỉ đạo kiểm tra, xử lý đối với dự án:


Ngày 27/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện dự án, đánh giá tác động của dự án, xử lý theo quy định, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền (công văn số 2089/VPCP-KTN ngày 27/3/2015).

Từ ngày từ ngày 28/3/2015, Chủ đầu tư dự án đã dừng toàn bộ việc thi công, duy trì 4 chốt bảo vệ trực 24/24 bảo đảm an ninh công trường và đội công nhân dọn dẹp vệ sinh, tưới nước mặt bằng để chống bụi.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan kiểm tra, có báo cáo đánh giá sơ bộ về dự án. Tuy nhiên, dự án đã được cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai thẩm định, phê duyệt, cấp phép thực hiện, để bảo đảm khách quan, khoa học, quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, đặc biệt là các tác động của dự án tới dòng chảy sông Đồng Nai như vấn đề thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói, bồi, sạt lở lòng, bờ, bãi sông và chất lượng nước sông Đồng Nai, làm cơ sở xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý dự án trên theo đúng các quy định của pháp luật (công văn số 4520/VPCP-KTN ngày 17/6/2015).

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng liên ngành thực hiện thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án (19 thành viên Hội đồng là đại diện cơ quan quản lý, các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực tài nguyên nước, thuỷ văn, bùn cát, chỉnh trị sông, môi trường sinh thái).

Kết quả đánh giá của Hội đồng cho rằng các tài liệu cơ bản đưa vào nghiên cứu, tính toán của dự án là các số liệu cũ, chưa đầy đủ, không đồng bộ (thiếu số liệu về bùn cát; kiểm nghiệm, hiệu chỉnh mô hình chưa chính xác), chưa đủ cơ sở để đánh giá tác động của dự án đến dòng chảy sông Đồng Nai, đặc biệt là những nội dung về thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói, bồi, sạt lở lòng, bờ bãi sông, chất lượng nước sông, chưa định lượng cụ thể được các tác động dự án.

Đây là vấn đề khoa học phức tạp, để bảo đảm tính độc lập, khách quan, chính xác, khoa học, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Hội đồng thẩm định khẩn trương lựa chọn các đơn vị tư vấn đủ năng lực, uy tín để thực hiện nghiên cứu, đánh giá bổ sung, định lượng các tác động của dự án (công văn số 8470/VPCP-KTN ngày 16/10/2015). Sau khi các đơn vị tư vấn hoàn thành, Hội đồng thẩm định tiếp tục xem xét, đề xuất phương án xử lý cụ thể nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo hội đồng lựa chọn 2 đơn vị tư vấn độc lập, có đủ uy tín, năng lực là Viện Thủy văn Môi trường và Biến đổi khí hậu thuộc trường Đại học Thủy lợi (thực hiện tính toán, đánh giá bổ sung các vấn đề về thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói, bồi, sạt lở lòng, bờ, bãi sông và chất lượng sông Đồng Nai) và Viện Sinh thái học Miền Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam (thực hiện đánh giá bổ sung các vấn đề về hệ sinh thái, thảm thực vật khi triển khai Dự án) để đánh giá các tác động của Dự án. Các đơn vị nêu trên đang khẩn trương triển khai việc khảo sát, bổ sung số liệu và nghiên cứu, bổ sung, cập nhật các mô hình tính toán để đánh giá tác động.

3. Quan điểm xử lý những vấn đề liên quan đến Dự án:

Chủ trương cải tạo cảnh quan, phát triển đô thị ven sông đã được nhiều nước trên thế giới và Việt Nam áp dụng. Dự án đã được cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai cấp phép thực hiện. Tuy nhiên, việc tiếp tục thực hiện dự án hay không và phương án xử lý cụ thể đối với dự án phải dựa trên các cơ sở khoa học, kỹ thuật (sau khi 2 đơn vị tư vấn độc lập do hội đồng lựa chọn đã bổ sung, cập nhật số liệu, đánh giá định lượng các tác động của Dự án - kể cả các phúc lợi xã hội đối với cộng đồng mà dự án mang lại, hội đồng sẽ tiếp tục họp đánh giá tác động của dự án) để quyết định phương án xử lý tối ưu, hạn chế các tác động tiêu cực của dự án đến dòng chảy sông Đồng Nai.

Việc xử lý sai phạm và trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ được xem xét sau khi có kết quả đánh giá đầy đủ tác động và giải pháp khắc phục cụ thể. Tùy thuộc mức độ sai phạm, trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, cá nhân (nếu có) sẽ được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.


*Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh về dự án đường Hồ Chí Minh. 

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: “Việc giảm hơn 14 ngàn tỷ đồng, khoảng 23% trong dự án đường Hồ Chí Minh đã là một bước đột phá về tiết kiệm trong xây dựng cơ bản. Xin cho biết giải pháp nào để có sự đột phá như trên? Theo tôi được biết, ngoài các yếu tố giá thực tế và tính toán trong đấu thầu thì đơn giá, định mức, suất đầu tư cũng như tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế kỹ thuật là cơ sở để lập dự toán và lập dự án do các bộ, ngành ban hành là khó thay đổi và khó điều chỉnh. Xin cho biết tính pháp lý của việc giảm tiết kiệm 5% trong dự án nêu trên, đồng thời kiến nghị Chính phủ nếu đột phá của ngành giao thông qua dự án nêu trên có đầy đủ cơ sở và tính pháp lý của nó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu, rà soát lại hệ thống đơn giá, định mức suất đầu tư cũng như quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đã ban hành vừa qua, để làm sao đưa các công trình xây dựng cơ bản về đúng giá trị thực của nó, nếu không ta đang có sự lãng phí rất lớn đối với công tác này”. 

Trả lời chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; Nghị quyết số 31/2012/QH13 ngày 8/11/2012 của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; Chính phủ đã có Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 7/12/2012 giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên. 

Đến nay, các dự án đều được kiểm soát tốt tiến độ, chất lượng trong đó dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ cơ bản hoàn thành toàn bộ trong năm 2015; các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên đã hoàn thành toàn bộ trong tháng 7/2015, rút ngắn thời gian thi công 1,5 năm so với kế hoạch. 

Hiện nay, các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên còn vốn dư trái phiếu Chính phủ là 14.259 tỷ đồng. 

Nguyên nhân dư vốn do: Chênh lệch tổng nguồn vốn bố trí cho các dự án theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 và tổng mức đầu tư được duyệt; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công nên tiết kiệm chi phí dự phòng trượt giá, tiết kiệm chi phí lãi vay đối với các dự án BOT; rà soát, điều chỉnh thiết kế cho phù hợp; biện pháp tổ chức thi công hợp lý; tiết kiệm 5% dự toán do thực hiện chỉ định thầu (về nội dung này Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản số 14383/BGTVT-KHĐT ngày 28/10/2015 giải trình cụ thể khi Quốc hội thảo luận tại Tổ về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên). 

Về việc áp dụng tỷ lệ tiết kiệm 5% dự toán do thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện các Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Chủ đầu tư thực hiện công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán đảm bảo chặt chẽ và tuân thủ theo đúng các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện hành. Đồng thời, để đảm bảo tính khách quan, công tác thẩm tra dự toán đã được giao cho Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng thực hiện. 

Theo các quy định về quản lý chi phí hiện hành, khi lập dự toán được dự trù một khoản lợi nhuận của doanh nghiệp xây dựng (thu nhập chịu thuế tính trước), khi tham gia đấu thầu, các doanh nghiệp căn cứ năng lực kinh nghiệm của mình có quyền xây dựng biện pháp tổ chức thi công phù hợp đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả, lợi nhuận cho doanh nghiệp. Theo số liệu tổng kết công tác đấu thầu đối với các dự án xây dựng công trình giao thông trong thời gian vừa qua thì tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu từ 3%-5%. 

Thời gian qua, khi triển khai các công trình có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Chính phủ đã áp dụng cơ chế chỉ định thầu với tỷ lệ tiết kiệm để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, như: Các dự án điện đã áp dụng cơ chế chỉ định thầu với tỷ lệ tiết kiệm là 5% theo cơ chế 797-400 (Văn bản số 797/CP-CN ngày 17/6/2003 của Chính phủ); các dự án thủy điện cũng áp dụng cơ chế chỉ định thầu với tỷ lệ tiết kiệm là 5% theo cơ chế 797-400 (Văn bản số 400/CP-CN ngày 26/3/2004 của Chính phủ); Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy đã áp dụng cơ chế chỉ định thầu với tỷ lệ tiết kiệm là 5% (Thông báo số 170/TB-VPCP ngày 12/9/2005 của Văn phòng Chính phủ). Các dự án này khi sử dụng cơ chế nêu trên đã rút ngắn được thời gian thực hiện và sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống nhân dân. 

Chính vì vậy, để sớm hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ các Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Chính phủ đã tiếp tục cho phép áp dụng cơ chế chỉ định thầu với tỷ lệ tiết kiệm 5% so với dự toán được duyệt tại Thông báo số 55/TB-VPCP ngày 21/2/2012. 

Đến nay, các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, đạt được hiệu quả to lớn trong việc phát triển kết cấu hạ tầng nói riêng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Như vậy, có thể khẳng định chỉ đạo của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế chỉ định thầu với tỷ lệ tiết kiệm 5% dự toán là phù hợp thực tiễn, góp phần sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước, đồng thời đảm bảo sự phát triển hài hòa của doanh nghiệp.

TTXVN/Tin Tức
Thẩm định lại đánh giá tác động môi trường của dự án sông Đồng Nai
Thẩm định lại đánh giá tác động môi trường của dự án sông Đồng Nai

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án phát triển đô thị ven sông Đồng Nai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN