Nhiều dấu hiệu cúm H7N9 độc lực cao 'vượt biên' ra ngoài Trung Quốc

“Nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm A(H7N9 từ Trung Quốc vào Việt Nam trên người rất cao. Do đó, cần nâng mức cảnh báo dịch cúm A(H7N9) lên mức như đã có ca bệnh xâm nhập”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, khẳng định.

"Không có dịch trên gia cầm sẽ không có dịch trên người", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Dấu hiệu lây lan ngoài Trung Quốc

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống chủng vi rút cúm gia cầm độc lực cao trên người diễn ra sáng 3/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long rất lo ngại về nguy cơ lây lan và bùng phát dịch cúm gia cầm trên người.


Theo Thứ trưởng Long, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và rất đáng lo ngại. Nguy cơ dịch cúm A(H7N9) xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Bởi lẽ, tại Trung Quốc, dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng mạnh cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan. Các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây là 2 tỉnh có chung đường biên giới với Việt Nam đều có ca mắc .


Đặc biệt, theo Tổ chức y tế thế giới, đã có sự thay đổi của vi rút cúm A(H7N9) đối với gia cầm từ độc lực thấp sang độc lực cao. Tuy sự thay đổi liên tục này vẫn được nhận định là một đặc điểm tự nhiên của vi rút cúm do quá trình tái tổ hợp nhưng cũng là một yếu tố quan ngại mới. Vì đến nay, các chuyên gia vẫn chưa rõ vì sao gần đây, số ca mắc cúm A(H78N9) lại tăng nhanh đến vậy.


Đáng chú ý, ngày 4/2/2017, Đài Loan đã công bố 1 ca nhiễm cúm A(H7N9) sau khi trở về từ Quảng Đông và đã tử vong. Trước đó, còn có 1 trường hợp người Malaysia và 2 trường hợp người Canada nhiễm cúm A(H7N9) nhưng đều có tiền sử đi về từ các vùng có dịch của Trung Quốc. Điều này cho thấy dịch đã có dấu hiệu lây lan ra ngoài Trung Quốc. Trong khi đó việc kiểm soát gia cầm nhập lậu qua biên giới vẫn còn nhiều khó khăn và rất phức tạp.


Trao đổi về diễn biến dịch bệnh trên đàn gia cầm, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Thú ý (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, đến nay chưa phát hiện vi rút cúm A(H7N9) trên đàn gia cầm. Riêng dịch cúm A(H5N1) đang xuất hiện ở 7 địa phương (trong khi thời điểm này năm trước không nơi nào có dịch).


Dù ngành thú y vẫn tăng cường lấy mẫu giám sát trên đàn gia cầm, nhất là ở các tỉnh nguy cơ cao, giáp với biên giới Trung Quốc, nhưng các chuyên gia thú y vẫn lo ngại, chung nhận định là nguy cơ dịch gia cầm phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, AH5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.


Đại diện Cục Thú y và Tổ chức FAO cho biết, hai bên đang phối hợp để đưa các test nhanh xác định vi rút nhiễm cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm, dự kiến sẽ đưa vào thí điểm vào tháng 3/2017; sau đó, sẽ mở rộng, nhất là các tỉnh có nguy cơ cao.


Chủ động giám sát, diễn tập


Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch nâng mức độ cảnh báo đối với dịch cao hơn, coi như đã có ca bệnh cúm A(H7N9) xâm nhập để có “ứng xử” chủ động, phù hợp.


Thứ trưởng Long đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần chú trọng, quyết liệt ngăn chặn triệt tình trạng gia cầm nhập lậu. “Thử hình dung câu chuyện nếu dịch bệnh lây lan sang đàn gia cầm trong nước thì chúng ta sẽ phải tiêu hủy rất gia cầm, ảnh hưởng đến an sinh của người dân, rồi sau đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân”, Thứ trưởng Long chia sẻ.


Bên cạnh đó, ngành Y tế và Nông nghiệp cần mở rộng chương tình giám sát tại các chợ đầu mối gia cầm, các cửa khẩu biến giới phía Bắc và cả khu vực phía Tây Nam (do tình hình dịch cúm gia cầm ở Campuchia cũng đang diễn biến phức tạp).


Về phía Bộ Y tế, sắp tới, phải mở rộng đối tượng giám sát, nhất là ở các địa phương nguy cơ cao. Thứ trưởng Long khẳng định, việc phát hiện ca bệnh sớm trên gia cầm, trên người rất quan trọng, nếu không kịp thời phát hiện, để dịch bệnh âm thầm xâm nhập vào và bùng phát thì rất khó khống chế.


Cũng theo Thứ trưởng Long, tới đây, việc thực hiện tờ khai y tế với người nhập cảnh từ Trung Quốc cũng sẽ được xem xét triển khai.


Đối với người dân, không nên ăn tiết canh và sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc. Trong thời điểm hiện nay, chưa có khuyến cáo hạn chế đi lại đến vùng có dịch nhưng người dân cũng cần cân nhắc, không nên đến vùng đang có dịch cúm A/H7N9.


“Đặc biệt, các địa phương cần tổ chức diễn tập phòng chống dịch ứng phó với các tình huống; tôi đề nghị Hà Nội tồ chức diễn tập trước vào tuần tới. Theo đó, các ngành, thú y, y tế… đặt ra tình huống diễn biến phức tạp để có kinh nghiệm xử lý trước, tránh như gà mắc tóc khi có dịch trên đàn gia súc hoặc trên bệnh nhân”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn các cấp các ngành, các cấp tâp trung cao độ, đồn mọi điều kiện để quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh cúm A(H7N9) bùng phát.


Phương Liên
Cúm A (H7N9) đang tiến sát Việt Nam
Cúm A (H7N9) đang tiến sát Việt Nam

Ứng phó với dịch cúm gia cầm, dịch lớn cúm A (H7N9) đang tiến sát Việt Nam, Bộ Y tế nhận định dịch cúm gia cầm có nguy cơ xâm nhập vào nước ta cũng như có khả năng bùng phát thành dịch tại cộng đồng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN