Bộ Y tế ban hành Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9)

Ngày 25/2, Bộ Y tế cho biết: Đến ngày 20/2, nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp do cúm A(H7N9).

Tuy nhiên, đáng quan ngại là đã ghi nhận các ổ dịch tại các tỉnh của Trung Quốc sát biên giới với Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam và Quảng Đông. Chính vì vậy, nguy cơ bệnh xâm nhập vào Việt Nam là rất cao nếu không chủ động phòng chống các biện pháp phòng chống.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã ban hành “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9) tại Việt Nam” nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lân, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong do dịch cúm A(H7N9).

Theo đó, kế hoạch chia ra 4 tình huống. Tình huống 1 (chưa có trường hợp bệnh trên người) tập trung phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh xâm nhập vào Việt Nam hoặc xuất hiện tại cộng đồng để xử lý triệt để tránh lây lan.

Cán bộ kiểm dịch Y tế cửa khẩu Hữu Nghị kiểm tra thân nhiệt của khách nhập cảnh bằng máy đo thân nhiệt. Ảnh: Thái Thuần/TTXVN

Tình huống 2 (có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người nhưng chưa lây từ người sang người) tập trung khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch từ động vật sang người.

Tình huống 3 (phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ) tập trung đáp ứng nhanh khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng. Tình huống 4 (dịch bùng phát ra cộng đồng) tập trung giảm thiểu tác động của dịch đối với cuộc sống của người dân.

Kế hoạch cũng chỉ ra nhiều giải pháp nhằm giảm số lượng mắc và trường hợp tử vong như: Tăng cường năng lượng giám sát bệnh cúm A(H7N9) đảm bảo đủ khả năng xét nghiệm chẩn đoán xác định, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời; xem xét cập nhật hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch cúm A(H7N9); tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm...

Đồng thời, ngành y tế sẽ thiết lập mạng lưới các bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân; có kế hoạch mở rộng các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân theo từng tình huống dịch; tập huấn cho cán bộ điều trị và điều dưỡng tại các bệnh viện về chẩn đoán và điều trị bệnh cúm A(H7N9) và sử dụng các trang thiết bị cấp cứu...

Ngoài ra, ngành y tế chủ động tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo cho người dân không hoang mang, chủ quan và có đủ kiến thức để tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng; tăng cường phối hợp liên ngành để huy động sự tham gia phòng chống dịch bệnh của toàn xã hội...


Bộ Y tế khuyến cáo: Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút cúm gia cầm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) sang người, xâm nhập vào nước ta, người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, người dân tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời...

Thu Phương (TTXVN)
Nguy cơ cao lây lan dịch cúm A(H7N9)
Nguy cơ cao lây lan dịch cúm A(H7N9)

“Khả năng xâm nhập của dịch bệnh cúm A(H7N9) vào nước ta là rất cao”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, khẳng định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN