Học giả Hàn Quốc đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Nhân dịp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên chất vấn cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 và có bài phát biểu quan trọng. Phóng viên TTXVN tại Seoul (Hàn Quốc) đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Khoa học xã hội Kim Young-soon của Đại học Inha (Incheon, Hàn Quốc) về vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Giáo sư Kim Young-soon trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN.


PV: Xin Giáo sư cho biết những đánh giá khái quát về những đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc trong thời gian qua?


Gs. Kim Young-soon: Trong thời gian qua, những đóng góp của Việt Nam đối với Liên hợp quốc hay nói rộng ra là đối với thế giới có thể thấy rõ ở một số điểm. Thực tế cho thấy hiện vẫn còn có nhiều người cho rằng chỉ những cường quốc, hoặc những nước trong khối OECD mới có tiếng nói, hay những quốc gia mạnh về kinh tế, những nước có quyền lực mạnh về chính trị mới tham gia vào các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc. Tôi thì nghĩ rằng, Tổ chức quốc tế là nơi mà tất cả các quốc gia phải tham gia một cách bình đẳng, công bằng với phần nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Đứng ở bình diện đó thì việc Việt Nam đang tích cực bảo vệ, giữ gìn những di sản tự nhiên của thế giới, hay bảo tồn những di sản văn hóa, bảo tồn và phát huy - theo tôi đánh giá đó là những đóng góp đáng kể vào việc duy trì một xã hội bền vững và một thế giới bền vững. Những năm gần đây, Việt Nam được biết đến như một quốc gia xuất khẩu gạo, điều đó cho thấy Việt Nam đang tích cực chi viện nguồn lương thực đáng kể cho những quốc gia còn đang bị thiếu lương thực. Nhìn ở phương diện này cũng đủ thấy được đất nước Việt Nam từ một nước đang nhận viện trợ đang trên con đường chuyển mình trở thành một quốc gia cứu trợ.
 
Một thực tế là, đối với các quốc gia đang phát triển thì giáo dục chính là yếu tố thể hiện tương lai của quốc gia đó. Việt Nam trong những năm gần đây cũng giống như Hàn Quốc những năm 1980, tích cực thực hiện vận động phong trào “Làng mới” và với nhiệt huyết đào tạo cũng gửi con em tới các trường cấp 3, các trường ĐH. Và cũng giống như vậy, đối với Việt Nam thông qua giáo dục một mặt là để phát triển đất nước và mặt khác cũng được coi chính là những nỗ lực đóng góp không nhỏ cho sự phát triển ở khu vực Đông Nam Á và châu Á.

PV: Trong bài phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề “lòng tin chiến lược” và “các quốc gia phải không ngừng được vun đắp bằng sự thật tâm, thái độ chân thành và những hành động thiết thực, cụ thể”. Giáo sư có bình luận gì về ý tưởng này của Việt Nam?

Gs. Kim Young-soon:
Tôi nghĩ rằng bài diễn thuyết lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (nơi các cường quốc đang nắm ưu thế làm chủ, chỉ chú trọng những đánh giá của các quốc gia lớn) rất có tính thuyết phục khi nêu bật quyết tâm đóng góp của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế khi mang trong mình rất nhiều những tiềm năng của một quốc gia đang phát triển.

Như chúng ta đều biết, Việt Nam nói riêng và các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á nói chung đều đã phải trải qua nhiều thời kỳ khó khăn với những cuộc chiến tranh giành độc lập kéo dài kèm theo đói nghèo. Chính vì vậy, tôi cảm nhận được chí khí hào hùng, tinh thần dân tộc được thể hiện rất rõ trong bài diễn văn mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên chất vấn cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 vừa qua. Có thể nói điểm cốt lõi của bài diễn văn là thông điệp vì nền hòa bình cho châu Á và hòa bình cho thế giới với lời kêu gọi các quốc gia không được bỏ quên nhân loại, hãy tin tưởng lẫn nhau và cùng kiến tạo hòa bình.

Chính vì vậy tôi cho rằng nội dung “lòng tin chiến lược” mà Thủ tướng Dũng đề cập đến cũng là một vấn đề mà nhân dân thế giới có thể đồng cảm. Với tư cách là một học giả về văn hóa nhân loại, tôi nhìn thấy rõ được hình ảnh đẹp đẽ của người dân Việt Nam nặng lòng, trung thành với Tổ quốc, đồng bào; ngày ngày giữ gìn sự hòa thuận gia đình; những tấm gương cần mẫn nơi công sở đó chính là vì 1 thế giới tươi đẹp. Sự hợp tác toàn cầu - cùng chung sống trong hòa bình vì xã hội không còn có những mâu thuẫn - bài diễn văn thật ý nghĩa khi đưa ra được quan điểm đó.

PV: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh đến vai trò của các cường quốc đối với hòa bình, ổn định ở khu vực và cho rằng “các cường quốc hãy là những tấm gương trong kiến tạo hòa bình”. Quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

Gs. Kim Young-soon: Tôi nghĩ rằng nội dung mà Thủ tướng Dũng đưa ra là hết sức đúng đắn. Thế giới được hình thành bởi nhiều quốc gia bao gồm cả những cường quốc, những quốc gia vừa và nhỏ... nên chúng ta phải cùng chung sống hợp tác giúp đỡ lẫn nhau vì nhân loại mà không bị chi phối vị thế, hay sức mạnh quyền lực của những nước này.

Nếu lấy ví dụ cụ thể hơn thì có thể dẫn chứng sự việc nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản bị sự cố vừa qua. Rõ ràng không chỉ người dân Nhật Bản ăn cá vùng đó mà chúng theo dòng nước trôi ra biển Đông dẫn đến người Hàn Quốc hay người Nga cũng ăn phải những con cá này. Không chỉ như thế, những cơn bão cát ở sa mạc Gobi bay trong không khí theo gió thổi tới tận bầu trời bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Hiện tượng đó chúng ta vẫn gọi là bão cát vàng xảy ra vào tháng 4 hàng năm. Những chuyện như vậy không phải là vấn đề mà một quốc gia nào đó có thể giải quyết được.

Tôi nghĩ rằng những vấn đề trên không chỉ là vấn đề của riêng một quốc gia nào đó mà vấn đề là chúng ta phải cùng nhau tồn tại. Vì vậy nếu nhắc lại thì nội dung Thủ tướng Việt Nam đã nói là “câu chuyện rất rõ ràng và rành mạch về logic”. Tôi nghĩ rằng sẽ không có những việc này xảy ra khi nước phát triển cam kết nỗ lực, giải quyết những vấn đề đó. Tuy nhiên, dù rằng đây là trách nhiệm của các nước lớn, hay các nước lớn cho rằng đây là trách nhiệm đạo đức của họ, thì chúng ta vẫn phải cùng nhau chịu trách nhiệm về đạo lý, trách nhiệm vì sự tồn tại chung.

Hiện tại xu thế là toàn thế giới đang đa nguyên hóa. Đó chính là xu thế một quốc gia không thể tồn tại cho dù đó là cường quốc, hay là một quốc gia giàu, mạnh về kinh tế hay sở hữu nhiều vũ khí. Nhờ vào sự toàn cầu hoá, cả thế giới đang được tạo thành mạng lưới rộng lớn. Tạo thành một khối và mạng lưới nên nếu vấn đề nảy sinh ở một nước nào xảy thì chắc chắn nó sẽ lan rộng ra khắp. Ở lập trường đó, tôi nghĩ rằng những nước lớn có trách nhiệm việc giữ gìn hoà bình thế giới hay là gìn giữ an toàn thế giới, họ là những nước đi trước nên phải hỗ trợ và cùng hợp tác với các nước đang phát triển hay các nước nghèo. Với ý nghĩa đó, tôi nghĩ phải chăng bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Liên hợp quốc vừa qua là một bản “tuyên ngôn” mang tính lịch sử, nhấn mạnh đến sự hợp tác đối với cả thế giới và nhấn mạnh hệ thống cùng tồn tại

PV: Theo giáo sư, có quốc gia nào hiện đang nắm giữ vai trò quyết định trong vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông? Theo Giáo sư thì đâu là yếu tố mang tính quyết định cho vấn đề hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương?


Gs. Kim Young-soon: Tôi nghĩ đây là vấn đề thật khó. Thật khó có thể đưa ra câu trả lời, bởi vì đây là vấn đề mang tính chính trị và cũng là vấn để có thể nảy sinh những mâu thuẫn giữa nhiều quốc gia mà chúng ta không nhìn thấy được.

Cũng giống như vấn đề đảo Dokdo của Hàn Quốc, có lẽ Việt Nam cũng đang vướng mắng phải vấn đề tương tự như vậy. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề tàu biển giữa Việt Nam và Trung Quốc mà giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng có vấn đề tương tự. Xét trên thực tế, tôi nghĩ rằng có nhiều việc mà không cần là chính trị gia thì những người dân thường có thể giải quyết trong hoà bình. Ví như chúng ta có thể giao lưu văn hoá và giao lưu thể thao hay những hoạt động gì đó tương tự.

Chủ trương về lãnh hải, biển đảo cũng tương tự như vậy. Tôi nghĩ rằng có nhiều cách để chúng ta có thể cùng tồn tại phát triển vì sự phát triển chung dựa trên sự hợp tác. Bởi vậy, giữ các quốc gia còn mang nặng những vấn đề về lãnh thổ và gây sức ép cho nhau thì chính việc gây căng thẳng sức ép đó tính chính trị nội bộ và làm đảo lộn những vấn đề mang tính chính trị trong nội bộ quốc gia đó.

Bởi vậy, tiến xa hơn một chút, tôi nghĩ việc giảm thiểu mâu thuẫn giữa các bên và góp phần vào nền hòa bình châu Á, hòa bình thế giới thật sự quan trọng. Và tôi thiết nghĩ hiện tại chúng ta có thể đưa ra được những giải pháp giữa các bên dựa trên quan điểm phi chính phủ thông qua các con đường như giao lưu văn hóa, thể thao...

PV: Việt Nam đã chính thức tuyên bố sẽ tham gia các hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc. Giáo sư đánh giá như thế nào về quyết định này của Việt Nam?


Gs. Kim Young-soon:
Tôi nghĩ việc đưa ra đánh giá mang tính tổng quát nào đó là việc làm vô cùng khó khăn. Ngài Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có phát biểu mang tính lịch sử về vai trò của Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam. Tôi cho rằng điểm chiến lược là đóng góp vào hòa bình thế giới. Thông qua bài diễn thuyết có thể thấy rõ quyết tâm đóng góp của Việt Nam đối với hòa bình của thế giới.

Rất nhiều người suy nghĩ rằng Việt Nam có tính tiêu chuẩn hóa vì là quốc gia đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên tôi lại có suy nghĩ trái ngược khi coi Việt Nam là một “quốc gia đa dạng” và một xã hội tiến bộ rất cần sự đa dạng đó. Có thể nói chỉ cần nếm thử món ăn Việt Nam cũng đủ thấy được sự da đạng đó. Điều đó là do Việt Nam vốn có sự đa dạng về dân tộc, tôn giáo. Song dù có sự đa dạng như vậy nhưng mâu thuẫn nội bộ vẫn cực kỳ nhỏ so với những quốc gia khác. Thêm vào đó, chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam lại rất cao. Về mặt đạo đức, người Việt Nam vô cùng ưu tú.

Lý do đó có thể bắt nguồn từ Nho giáo, Phật giáo, Khổng tử, hoặc vẫn đang tồn tại đền thờ Khổng Tử trong nội thành Hà Nội. Văn hóa trung với nước khởi nguồn từ Nho giáo và hiếu đạo với đấng sinh thành trở thành nền tảng đạo đức cơ bản của người dân Việt Nam. Việt Nam được coi là quốc gia đang phát triển mạnh mẽ trong khu vực Đông Nam Á. Thông qua giao lưu, hợp tác kinh tế với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam ngày càng trở nên thịnh vượng và hạnh phúc hơn.

Có lẽ Việt Nam đang dẫn đầu nhóm các quốc gia đang trên đà phát triển nên đây là bước ngoặt có thể tiên đoán về ý nghĩa đóng góp cho thế giới và nhân loại. Hãy thử nghĩ xem nếu đó không phải là bài diễn thuyết mang tính lịch sử, chắc chắn đây sẽ là tuyên ngôn hay nhất đáng để toàn thế giới hoan nghênh và đánh giá tích cực. Tôi rất mong muốn trong tương lai, đất nước và con người Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và hạnh phúc hơn nữa. Đồng thời kỳ vọng sẽ có một ngày nào đó người dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có thể cống hiến cho nền hòa bình thế giới như lời ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu vừa qua.



Thực hiện:
(PV TTXVN tại Hàn Quốc)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN