Doanh nghiệp vẫn lo ngại chi phí không chính thức

Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những khó khăn đối với doanh nghiệp trong các thủ tục hải quan vẫn còn khá nhiều, đặc biệt là chi phí không chính thức.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết:  So với năm 2 năm trước, tỷ lệ doanh nghiệp không bị phân biệt đối xử dù không chi phí "lót tay" đã có diễn biến tích cực. Theo đó, có tới 44% doanh nghiệp cho biết: không bị phân biệt đối xử nếu không “lót tay” cho cán bộ hải quan, tỉ lệ doanh nghiệp bị phân biệt đối xử đã giảm mạnh từ 31% (năm 2015) xuống còn 17% (năm 2016).

Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh minh hoa: Hoàng Hùng/TTXVN

Tuy nhiên, theo đại diện VCCI, những khó khăn đối với doanh nghiệp trong các thủ tục hải quan vẫn còn khá nhiều, đặc biệt là chi phí không chính thức (chi phí ngoài quy định theo trong khảo sát 2016). Cụ thể, vẫn có 31% số doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính hải quan. Khoảng 31% doanh nghiệp trả lời không biết và 38% doanh nghiệp cho biết không chi trả.

So với kết quả điều tra năm 2015, thì tỷ lệ chi trả chi phí không chính thức năm 2016 đã tăng từ 28% lên 31%. Trong khi đó, nhóm không chi thêm chi phí ngoài quy định chỉ tăng thêm 1 điểm % so với năm 2015.

“Việc chi phí ngoài quy định quá nhiều là do nhiều khâu doanh nghiệp phải trực tiếp làm việc với phía hải quan. Đây “điểm nghẽn” của đại đa số doanh nghiệp thực hiện các nghiệp vụ xuất nhập khẩu”, ông Tuấn nói.

Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính hải quan 2016 mới đây cũng cho biết, phần đông các doanh nghiệp đều cho rằng, thực hiện những thủ tục hành chính không quá khó, chỉ ở mức bình thường.

Thủ tục nộp thuế là lĩnh vực dễ thực hiện nhất với tỷ lệ đạt 29%, tiếp đến là kiểm tra hồ sơ đạt 12%. Tuy nhiên, một số thủ tục vẫn còn được đánh giá là khó thực hiện chiếm tỷ lệ cao như thủ tục hoàn thuế (29%), thủ tục xét miễn thuế (26%) và giải quyết khiếu nại (21%).

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan) Phùng Thị Bích Hường, sau hơn 3 năm thực hiện các Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, ngành hải quan không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Đến nay, ngành Hải quan đã đề xuất cắt giảm 61 thủ tục, đơn giản hóa 127 thủ tục hành chính về hải quan. Gần đây, Tổng cục đã tham mưu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, ngành hải quan đã chủ động triển khai kết nối chính thức Cơ chế một cửa quốc gia với 11/14 bộ, ngành, với 37 thủ tục, thu hút hơn 9.000 DN tham gia. Đã ký kết thu thuế điện tử với 35 ngân hàng thương mại, số thu chiếm hơn 90% số thu ngân sách của ngành Hải quan. Thực hiện thu thuế điện tử thông qua Cổng thanh toán điện tử đã giảm thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp từ 2 ngày xuống còn 15 phút...

Tổng cục Hải quan đề ra các chỉ tiêu cụ thể như: Phấn đấu đến hết năm 2017, cùng với các bộ quản lý chuyên ngành rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; đến hết năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 60 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 80 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; cải thiện vị trí xếp hạng về thời gian thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới từ thứ hạng 93 về thứ hạng dưới 82 (theo đánh giá của World Bank).

Bên cạnh đó, hải quan cũng đặt mục tiêu trong năm 2017, 100% dịch vụ công hải quan được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3; 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Trong Kế hoạch hành động của ngành Hải quan đặt ra đặc biệt chú trọng đề cập đến việc nâng cao hiệu quả kiểm tra chuyên ngành (KTCN) theo Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định 2026 yêu cầu các bộ quản lý chuyên ngành phải rà soát lại hệ thống văn bản liên quan đến quản lý chuyên ngành theo hướng áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, kiểm tra trọng điểm. Đến nay, một số bộ, ngành đã triển khai thực hiện nhưng kết quả nhìn chung còn hạn chế, ảnh hưởng nhất định đến thời gian thông quan hàng hóa.Trên thực tế, thời gian thực hiện của cơ quan hải quan chỉ chiếm 28% tổng số thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa nhập khẩu (từ khi đăng ký tờ khai hải quan đến khi cơ quan hải quan ra quyết định thông quan, giải phóng hàng), 72% thời gian còn lại phụ thuộc vào các cơ quan, tổ chức quản lý chuyên ngành khác.

Để nâng cao hiệu quả công tác KTCN, Tổng cục Hải quan đang tập trung đánh giá tổng thể về hoạt động này để nêu đúng thực trạng, nhận định đúng tình hình tổ chức triển khai và đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả KTCN.

Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp các bộ, ngành xây dựng và ban hành đầy đủ danh mục các mặt hàng thuộc diện KTCN theo hướng thu hẹp diện KTCN, cắt giảm danh mục hàng hóa phải KTCN, chi tiết mã số HS và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong KTCN, chuyển từ kiểm tra trong thông quan sang kiểm tra sau thông quan.

Minh Phương/Báo Tin Tức
Giám sát thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh lĩnh vực hải quan
Giám sát thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh lĩnh vực hải quan

Ngày 26/4, Đoàn Giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm việc với Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực hải quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN