Doanh nghiệp mong muốn cắt giảm thủ tục hải quan

Doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu hải quan nộp hồ sơ điện tử lại bị bổ sung cả hồ sơ giấy khiến mất nhiều thời gian, chi phí. Tới đây, Tổng cục Hải quan sẽ sửa đổi nhiều quy định về thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đại điện Công ty Xuất nhập khẩu (XNK) Thanh Minh chia sẻ: Theo quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC Bộ Tài chính,  doanh nghiệp được lựa chọn nộp hồ sơ giấy hoặc hồ sơ điện tử và chỉ phải nộp sau khi có kết quả phân luồng đối với luồng vàng (phải kiểm tra hồ sơ), luồng đỏ (phải kiểm tra thực tế hàng hóa). Nhưng thực tế, một số cơ quan hải quan địa phương vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thêm cả hồ sơ giấy.

Để thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết 19, Dự thảo sửa đổi Thông tư 38 về hướng dẫn hoạt động xuất nhập khẩu đang được Tổng cục Hải quan đưa ra lấy ý kiến để tao thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp khai hải quan có thể gửi hồ sơ hải quan dưới dạng điện tử ngay khi đăng ký tờ khai, công chức hải quan phải sử dụng hồ sơ điện tử để kiểm tra, không được yêu cầu doanh nghiệp xuất trình nộp hồ sơ giấy.

Doanh nghiệp mở tờ khai hàng hóa XNK tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Ý kiến của Công ty Samsung cũng đề nghị cơ quan hải quan xem xét giảm bớt một số thủ tục khai báo hải quan. Điển hình như Samsung thuộc diện doanh nghiệp ưu tiên về hải quan, có lượng hàng XNK lớn, hồ sơ hải quan lên đến 1.000- 4.000 tờ khai/tháng. Trong khi đó việc truyền thông tin lên hệ thống thông quan tự động VNACCS với dung lượng lớn, nhưng đôi khi đường truyền hay lỗi mạng, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Samsung, cơ quan hải quan có thể cho phép doanh nghiệp sản xuất điện tử không phải đính kèm tài liệu vào hồ sơ hải quan khi truyền lên hệ thống VNACCS. Doanh nghiệp sẽ lưu giữ tài liệu tại trụ sở doanh nghiệp, khi cơ quan hải quan yêu cầu doanh nghiệp sẽ xuất trình đẩy đủ. Như vậy sẽ giảm được rất nhiều thời gian chi phí cho doanh nghiệp.

Trước đó, một số doanh nghiệp XNK tại Hải Phòng cũng phản ánh: Tại Thông tư 38 có quy định về nguyên tắc khai hải quan “Đối với một vận đơn doanh nghiệp chỉ được khai báo cho một tờ khai hải quan, trường hợp khai báo cho nhiều tờ khai hải quan thì phải đăng ký với cơ quan hải quan trước khi đăng ký tờ khai hải quan”.

Các doanh nghiệp cho biết, quy định này chưa phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do trong quá trình thực hiện của doanh nghiệp thường phát sinh các trường hợp một vận đơn gồm nhiều lô hàng (xuất hay nhập ghép). Do đó, việc phải đăng ký trước với cơ quan hải quan trước khi khai hải quan sẽ phát sinh thêm việc. Thực tế đó gây mất thời gian và nhân lực cho cả hải quan và doanh nghiệp.

Ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan) cho hay: Hiện Tổng cục Hải quan đã tiếp thu, chỉnh lý 15 điều khoản liên quan đến nhóm vấn đề thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan; 11 điều khoản liên quan đến nhóm vấn đề thuế; 2 điều khoản liên quan đến kiểm tra sau thông quan. Dự thảo sửa đổi Thông tư 38 quy định: Việc nộp hồ sơ hải quan dưới dạng điện tử và cho phép doanh nghiệp nộp hồ sơ điện tử cùng thời điểm đăng ký tờ khai. Cách làm này giúp cho doanh nghiệp không phải thực hiện 2 lần thao tác như hiện nay (lần 1 đăng ký tờ khai để nhận phân luồng hàng hóa, lần 2 thao tác gửi hồ sơ điện tử).

Theo đó, doanh nghiệp khai hải quan gửi các chứng từ cho cơ quan hải quan thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử. Các chứng từ gửi kèm có thể ở dạng dữ liệu điện tử hoặc chứng từ giấy được chuyển đổi sang chứng từ điện tử khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai hải quan”, ông Tuấn nói.

Minh Phương/Báo Tin tức
“Hoa mắt chóng mặt” với thủ tục hải quan
“Hoa mắt chóng mặt” với thủ tục hải quan

Hàng quý, Công ty Samsung Việt Nam phải báo cáo xuất, nhập, tồn kho với cơ quan hải quan địa phương, mỗi lần tới 600.000 - 700.000 tờ khai, gây tốn kém tới 60 -70 triệu tiền mực, giấy in tài liệu. Đó là chưa kể tới việc, cần bố trí một nguồn nhân lực đáng kể để làm công việc này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN