Đoàn kết tôn giáo để phát triển đất nước

Đảng, Nhà nước ta khẳng định, động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; chủ trương xóa bỏ mặc cảm, định kiến, không phân biệt đối xử về thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo.

Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết “ Đoàn kết tôn giáo để phát triển đất nước” của Thạc sỹ Nguyễn Văn Long, Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ.

Chú thích ảnh
Đảng, Nhà nước Việt Nam không ngừng nỗ lực bảo đảm quyền tự to tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân. Ảnh: vnanet.vn

Ở Việt Nam, từ khi Đảng ta lãnh đạo cách mạng đã luôn thực hiện nhất quán chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh đất nước mới giành được độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ quan điểm mang tính nguyên tắc trong chính sách tôn giáo của Việt Nam “ Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết”.

Thể chế quan điểm đó, ngày 14/6/1955, thay mặt Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 234/SL, quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo của người dân và trách nhiệm, nghĩa vụ của chức sắc tôn giáo và tín đồ về hoạt động tôn giáo tại Việt Nam.

Các bản Hiến pháp từ năm 1946 đến 2013 đã thể hiện quan điểm xuyên suốt nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Đảng ta khẳng định, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và tiếp tục tồn tại lâu dài cùng với sự phát triển của xã hội, đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc là yêu cầu quan trọng của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam.

Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân, trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới từ 1990 đến nay, Đảng đã ban hành nhiều văn bản chỉ thị, nghị quyết. Nghị quyết số 25/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tôn giáo trong tình hình mới, đã ghi rõ “mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong 20 năm qua, đã có trên 30 văn bản pháp quy quy định về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, sửa đổi các quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành như Pháp lệnh 21/2004/PL-UBTVQH11 quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị 1940/CT-TTg về nhà đất liên quan đến tôn giáo.

Hiến pháp năm 2013, Điều 24 quy định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được cụ thể hóa trên nguyên tắc hiến định các quan điểm của Đảng hiện thực trong thực tiễn, đạt mục tiêu cao nhất là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đáp ứng, giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của mọi người. Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta khẳng định “vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảm bảo cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và Hiến chương, điều lệ được nhà nước công nhận…”.

Những chủ trương và chính sách, pháp luật nêu trên đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề mà thực tiễn công tác tín ngưỡng, tôn giáo đòi hỏi, như: điều kiện để tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo; điều kiện thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; điều kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo… Đồng thời, quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, phường, thị trấn trong việc giải quyết kiến nghị của cá nhân, tổ chức tôn giáo.

Đặc biệt, luật quy định rõ về thời hạn giải quyết, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế và loại bỏ sự nhũng nhiễu, chậm trễ, tắc trách của công chức trong thực thi công vụ, tạo hành lang pháp lý, ổn định, thuận lợi cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người ngày càng tốt hơn.

Thực tế cho thấy, trong gần 20 năm qua (2003 - 2022), số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo gia tăng đáng kể, phản ánh nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Năm 2003, cả nước có 6 tôn giáo 15 tổ chức, với 17 triệu tín đồ, khoảng 20 nghìn cơ sở thờ tự, 34 nghìn chức sắc, 78 nghìn chức việc. Đến năm 2022, Nhà nước ta đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với khoảng 27 triệu tín đồ, trên 53 nghìn chức sắc, khoảng 135 nghìn chức việc, trên 29 nghìn cơ sở thờ tự…

Ngoài ra, hàng năm có trên 8.000 nghìn lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, với hàng vạn tín đồ tham gia. Trong 10 năm thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp hàng trăm hécta đất để xây dựng cơ sở thờ tự như: Thành phố Hồ Chí Minh đã giao 7.500m2 đất cho Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện thánh kinh thần học; tỉnh Đắk Lắk giao hơn 11.000m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; thành phố Đà Nẵng giao hơn 9.000m2 đất cho Tòa Giám mục Đà Nẵng; tỉnh Quảng Trị giao thêm 15 ha cho Giáo xứ La Vang…

Chỉ tính năm 2022, chính quyền các cấp đã cấp phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo cho 152 cơ sở thờ tự tôn giáo; cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 183 điểm nhóm; cấp quyết định xuất bản cho 140 xuất bản phẩm, với 684.250 bản in. Các hoạt động phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc; thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; sửa đổi hiến chương, điều lệ; đăng ký chương trình hoạt động hàng năm... theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng đã chấp thuận cho 646 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 3.238 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc; 424 chức việc các tôn giáo được thuyên chuyển… Đó là bằng chứng sinh động trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, là nguyên tắc nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam, vì cuộc sống tinh thần của hàng triệu tín đồ các tôn giáo, thể hiện đầy đủ bản chất nhà nước dân chủ, pháp quyền.

Thực tế, những chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo không những khẳng định ở Hiến pháp, pháp luật, mà còn được thể hiện sinh động trong cuộc sống hàng ngày, vì đây là một trong những quyền cơ bản của người dân. Hầu hết các tổ chức tôn giáo đều có xu hướng đồng hành cùng dân tộc, đồng thời là nhân tố bồi đắp, gìn giữ văn hóa Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú.

Việc thể chế chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, đã khẳng định vai trò của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến ở nước ta, thuật ngữ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được ghi nhận trong Hiến pháp 1992, đó là “ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân”. Nhà nước được xây dựng trên nguyên tắc, “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.

Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo Hiến pháp và các đạo luật giữ vị trí tối thượng trong đời sống xã hội, tôn trọng và bảo đảm quyền công dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được xác định là quyền cơ bản của mọi người, “ không ban ơn - xin cho”. Các tôn giáo và những người có tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không thiên vị một tôn giáo nào về mặt pháp luật, điều đó thể tính nghiêm túc trong việc chấp pháp.

Thể chế chính sách tôn giáo của Đảng khẳng định rõ mối quan hệ của Nhà nước pháp quyền và tôn giáo là một thực tế khách quan, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, luôn tồn tại trong đời sống xã hội, do đó không thể tách rời sự hướng dẫn, quản lý của nhà nước, nhằm đảm bảo các hoạt động hướng tới vì lợi ích thỏa mãn nhu cầu tinh thần lành mạnh, chính đáng, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau của mọi người, hạn chế, xóa bỏ các hoạt động mê tín, lệch lạc ảnh hưởng giá trị đạo đức và thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc.

Việc thể chế chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng ta đã nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành pháp, tạo hành lang pháp lý ổn định để các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không tách rời pháp luật. Trách nhiệm của chính quyền trong việc hướng dẫn, giải quyết kiến nghị của tổ chức, cá nhân tôn giáo được quy định rõ, đảm bảo sự minh bạch, công khai trong thực thi công vụ, được cá nhân, tổ chức tôn giáo giám sát khi thực hiện, giúp cho công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được thuận lợi.

Hiện nay, chính quyền các địa phương đã quy định rõ thời hạn trả lời các hồ sơ, kiến nghị của tổ chức, cá nhân tôn giáo theo cơ chế một cửa, công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại, hạn chế phiền hà. Điều đó khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Đảng, Nhà nước ta khẳng định, động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Đảng, Nhà nước chủ trương xóa bỏ mặc cảm, định kiến, không phân biệt đối xử về thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tôn trọng ý kiến khác nhau, không trái với lợi ích đất nước, lợi ích dân tộc, đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, vì sự ổn định, phát triển của đất nước.

Thực hiện các chủ trương của Đảng và sự hướng dẫn, quản lý của Nhà nước, hoạt động của các tôn giáo đã có nhiều đóng góp tích cực trong đời sống xã hội, vận đồng đồng bào có đạo chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định “vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và Hiến chương điều lệ được Nhà nước công nhận”.

TTXVN/Báo Tin tức
Để Tây Nguyên bình yên, phát triển - Bài 2: Đoàn kết dân tộc, hòa hợp tôn giáo
Để Tây Nguyên bình yên, phát triển - Bài 2: Đoàn kết dân tộc, hòa hợp tôn giáo

Là vùng đất huyền thoại với các sắc thái văn hóa phong phú và đa dạng, xứ sở của cồng chiêng, đàn T’rưng, của hàng trăm bộ sử thi như Đăm San, Khinh Dú, Ot N’rông… phản ánh trung thực đời sống sinh hoạt cộng đồng, cuộc đấu tranh vì những lý tưởng nhân văn cao cả, Tây Nguyên đang lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần vô giá. Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên có truyền thống tín ngưỡng đa thần, tiêu biểu là các loại hình tín ngưỡng thờ thần (Yang), tín ngưỡng liên quan đến sản xuất, tín ngưỡng vòng đời người...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN