Đấu thầu phải tách khỏi chủ đầu tư

Vì Luật Đấu thầu chưa hoàn chỉnh nên nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính phải “chào thua” các doanh nghiệp không có năng lực, trình độ kém hơn nhưng lại có tài “chạy dự án”. Cùng với đó, tình trạng thông thầu, “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu khiến nhiều dự án đầu tư công có chất lượng kém, gây lãng phí cho xã hội.


Cấm quan hệ “họ hàng”


Hôm qua (30/10), trong phiên thảo luận về Luật Đấu thầu, các đại biểu cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp có thói quen “chạy dự án”, khiến họ từ chỗ có năng lực, công nghệ, vốn lành mạnh dần dần chạy theo dự án, bỏ bễ công việc chính là nâng cao năng lực trình độ, đổi mới công nghệ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) phát biểu ý kiến về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Do vậy, để hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu dự án, các đại biểu cho rằng, quy định độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính giữa các bên trong đấu thầu là để bảo đảm được tính khách quan, tính cạnh tranh.


Hiện nay, Luật Doanh nghiệp có quy định một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần. Như vậy, việc quy định độc lập chỉ bó hẹp ở việc không sở hữu trên 50% vốn của nhau. Như vậy luật sẽ không đảm bảo nguyên tắc về tính minh bạch, khách quan và cạnh tranh. Vì nhà thầu, chủ đầu tư và bên mời thầu vẫn có thể là mẹ và con của nhau.


Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, cần có định nghĩa cụ thể thế nào là độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính để bao quát hết các khả năng. Cần nêu rõ các trường hợp như: không phải công ty mẹ, con của nhau, không phải các công ty con của cùng một công ty mẹ, không được là người có liên quan của nhau.


Bên cạnh đó, hiện nay, chất lượng công trình các nhà thầu trong nước còn hạn chế, một số công trình chất lượng kém, chưa bàn giao đã hỏng. Ngoài lý do tiêu cực trong việc thực hiện gói thầu thì kinh nghiệm nhà thầu cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Để đảm bảo chất lượng các công trình, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị bổ sung thêm quy định điều kiện về số năm hoạt động của đơn vị tham gia dự thầu để thể hiện kinh nghiệm của nhà thầu. Đại biểu giải thích, không phải tất cả doanh nghiệp mới thành lập đều không có năng lực nhưng cần bổ sung thêm điều kiện về số năm hoạt động của nhà thầu, thể hiện các kinh nghiệm trong lĩnh vực tham gia đấu thầu từ 2 - 3 năm trở lên mới được tham gia đấu thầu để đảm bảo chất lượng đấu thầu.


Nhằm hạn chế tiêu cực trong đấu thầu, nhiều đại biểu đề xuất hoạt động đấu thầu phải tách khỏi chủ đầu tư và chuyển về tổ chức đấu thầu độc lập, chuyên nghiệp thực hiện nhằm xử lý dứt điểm, căn cơ những tiêu cực như thông thầu, quân xanh, quân đỏ.


Hạn chế chỉ định thầu


Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian qua, có đến trên 7% các gói thầu được thực hiện dưới dạng chỉ định thầu. Điều này có thể dẫn đến tạo ra kẽ hở cho cả chủ đầu tư và nhà thầu lách luật, phát sinh ra những tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cho rằng, luật mới cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn với vấn đề liên quan đến chỉ định thầu. Đặc biệt là vấn đề liên quan đến điều kiện, thủ tục, trình tự, thẩm quyền trong việc quyết định, nhất là đối với các gói thầu liên quan đến xây dựng cơ bản mà vận dụng trường hợp khẩn cấp và cấp bách.


Đa số các đại biểu cũng cho rằng cần bỏ quy định về ưu đãi trong đấu thầu vì mục đích của đấu thầu là lựa chọn được nhà thầu đạt yêu cầu để thực hiện được gói thầu, không nên đưa các chính sách xã hội vào quy định trong đấu thầu làm méo mó kết quả đấu thầu, tạo kẽ hở cho lách luật.


Một vấn đề khác cũng khá nóng bỏng trong phiên thảo luận là các đơn vị khi bỏ thầu thì bỏ giá thấp để trúng thầu, nhưng sau đó đến lúc tiến hành thi công triển khai thì lại điều chỉnh tăng giá để đạt mục đích của nhà thầu. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cho rằng, nhiều công trình khi đấu thầu thì ở một giá, một mức, tổng mức đầu tư thấp nhưng trong thực tế thi công thì phát sinh ra việc điều chỉnh quy mô đầu tư dẫn đến tăng mức đầu tư gấp nhiều lần so với giá thời điểm tiến hành đấu thầu. Nhưng việc quy định về đấu thầu bổ sung thì không được quy định chặt chẽ. Cho nên quá trình tổ chức triển khai thực hiện và quản lý vốn nhà nước không đảm bảo được tính thống nhất và tính chặt chẽ.


Kết thúc phiên thảo luận về Luật Đấu thầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và chỉnh sửa trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp này.

“Vì sự khác nhau trong quá trình thực hiện đấu thầu và đàm phán giá mua thuốc tại các cơ sở y tế khác nhau, nên một bộ phận dân cư, người có thu nhập thấp có nguy cơ không bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản”. Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi)


Phi Sơn

Đấu thầu phải tách khỏi chủ đầu tư
Đấu thầu phải tách khỏi chủ đầu tư

Vì Luật Đấu thầu chưa hoàn chỉnh nên nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính phải “chào thua” các doanh nghiệp không có năng lực, trình độ kém hơn nhưng lại có tài “chạy dự án”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN