Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Tổ chức công đoàn ghép, đánh giá mô hình tổ chức nghiệp đoàn

Chiều ngày 1/12, trong khuôn khổ Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, các đại biểu chia tổ thảo luận tại 10 Trung tâm, góp ý vào các văn kiện trình Đại hội.

Tại Trung tâm thảo luận số 4, đại diện Công đoàn Y tế cho rằng, theo chỉ tiêu của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn phát triển lên 15 triệu đoàn viên. Hiện mới có 11 triệu đoàn viên, như vậy, các cấp công đoàn cần phát triển mới khoảng 4 triệu đoàn viên. Đây là chỉ tiêu lớn. Do đó, với Công đoàn ngành Y tế đề xuất thành lập tổ chức công đoàn ghép của các phòng khám tư trong cùng một khu vực.

Chú thích ảnh
Quang cảnh thảo luận tại trung tâm số 4. Ảnh: XC

Đồng quan điểm này, bà Đinh Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Đà Nẵng cho rằng cần xây dựng mô hình cơ sở công đoàn ghép và tính đến cách thức hoạt động ra sao. Đồng thời, Công đoàn cần đánh giá mô hình nghiệp đoàn nghề cá triển khai trong những năm qua để định hình bộ khung trong tổ chức với tổ chức công đoàn gồm lao động phi kết cấu. Có như vậy mới phát triển được đoàn viên theo chỉ tiêu đề ra.

Tại Trung tâm thảo luận số 1, bà Tạ Thị Mỹ Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII, Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội góp ý với Đại hội về công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.

Từ góc độ Công đoàn ngành địa phương, bà Thanh cho rằng để thực hiện được mục tiêu đã nêu trong báo cáo, đó là phấn đấu đến hết nhiệm kỳ (2023 - 2028), cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cần có những giải pháp quan tâm đến người lao động khu vực phi chính thức.

Chú thích ảnh
Quang cảnh thảo luận tại trung tâm số 1. Ảnh: XC

Bởi trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, lao động khu vực chính thức có xu hướng chuyển dịch sang phi chính thức, do vậy rất cần quan tâm tới người lao động khu vực phi chính thức - đây sẽ đối tượng cần tập hợp rất lớn trong nhiệm kỳ này. Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, trong báo cáo chính trị đề ra 3 khâu đột phá, nhưng chưa có những giải pháp cụ thể về quan tâm, chăm lo cho đối tượng lao động khu vực phi chính thức. Chỉ khi được Công đoàn quan tâm, chăm lo, khi đó người lao động mới tham gia tổ chức Công đoàn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động hiểu về tổ chức Công đoàn; đơn giản hóa các thủ tục kết nạp đoàn viên…

Liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai Phạm Minh Thành, đại biểu Công đoàn tỉnh Đồng Nai cho biết tỷ lệ rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần những năm gần đây tăng. Trên địa bàn tỉnh năm 2021 có hơn 48.000 người rút BHXH 1 lần, năm 2023 là hơn 52.000, nhưng 11 tháng đầu năm đã hơn 60.000 người. Có những người đã làm 16-17 năm đóng BHXH vẫn rút BHXH 1 lần. Điều này sẽ tác động lớn về vấn đề an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cần có ý kiến về mức đóng BHXH trên tiền lương khi góp ý xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Các doanh nghiệp có hiện tượng lách luật khi đưa ra nhiều khoản phụ cấp. Theo thống kê, tiền đóng BHXH mới chỉ trên 60% tiền lương. Trong khi đó, sức lao động được coi là hàng hoá và tính đúng, tính đủ. Do đó, đại biểu đề xuất mức đóng BHXH bằng 80% mức tiền lương. Bởi lương hưu là khoản thu nhập chính khi về già. Hiện đóng thấp nên 20 năm khi về hưu mức lương hưu thấp.

XL/Báo Tin tức
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 với phương châm "Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển" diễn ra trong 3 ngày từ 1 - 3/12 với hơn 1.100 đại biểu tham dự. Các đại biệu kỳ vọng Đại hội có giải pháp mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN