Đổi mới công tác tập hợp người lao động vào tổ chức công đoàn

Phát triển đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở được xác định là khâu đột phá trong nhiệm kỳ Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Trước tình hình mới, nhất là khi Chính phủ ban hành hướng dẫn việc thành lập tổ chức đại diện của người lao động (ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam), công đoàn cơ sở không còn là sự lựa chọn duy nhất của người lao động, sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với Công đoàn Việt Nam.

Tình hình này cho thấy cần thiết phải có những giải pháp căn bản, đột phá để đẩy mạnh công tác vận động người lao động tham gia tổ chức công đoàn và nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở.

Thân thiện với đoàn viên, đơn giản về thủ tục

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trước những cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới".

Chú thích ảnh
Lĩnh vực dệt may sử dụng nhiều lao động.

Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát là "Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới".

Đây cũng là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước, để công đoàn làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động. Tổ chức công đoàn, qua đó, xứng đáng là đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là "Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn phù hợp với số lượng, cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế; phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ"...

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan cho biết, trong bối cảnh tình hình mới, việc hình thành các tổ chức đại diện của người lao động (ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam) sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với Công đoàn Việt Nam. Thực tế đó đòi hỏi phải có những giải pháp căn bản, đột phá để đẩy mạnh công tác vận động người lao động tham gia tổ chức Công đoàn và nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở.

Từ đánh giá tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với tổ chức Công đoàn, đại diện Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội đề xuất giải pháp đổi mới phương thức kết nạp, phát triển và quản lý đoàn viên; tập trung thành lập công đoàn cơ sở. Trong đó chú trọng đổi mới phương thức kết nạp đoàn viên theo hướng chủ động, thân thiện với đoàn viên, đơn giản về thủ tục, ấn tượng về sự quan tâm và chăm lo của tổ chức Công đoàn ngay từ đầu. Đổi mới sinh hoạt công đoàn đảm bảo hấp dẫn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện sản xuất, công tác của đoàn viên, sử dụng có hiệu quả các ứng dụng của internet trong sinh hoạt công đoàn. Đơn giản hóa các thủ tục để người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động khi có nguyện vọng gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Kinh nghiệm từ Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh cho thấy, cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên và các hình thức phù hợp khác để tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Có chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ, khuyến khích đối với đội ngũ cán bộ công đoàn, đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.

Thực hiện tốt việc chăm lo lợi ích

Từ thực tiễn hoạt động, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở. Một trong số đó là phải linh hoạt trong công tác phát triển đoàn viên như tuyên truyền để đoàn viên yên tâm với tổ chức Công đoàn Việt Nam, không dao động khi tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phép hoạt động và lôi kéo vào tổ chức mình. Việc phát triển đoàn viên phải gắn với việc cập nhật thông tin đoàn viên công đoàn lên hệ thống quản lý và đa dạng hóa các hoạt động chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt cơ chế chính sách đối với cán bộ công đoàn nói chung và cán bộ công đoàn cơ sở nói riêng như đảm bảo tiền lương, khen thưởng, các chế độ phúc lợi… của cán bộ công đoàn, đặc biệt là đối với cán bộ công đoàn chuyên trách như đối với cán bộ làm công tác chuyên môn.

Để công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thực sự có hiệu quả, Liên đoàn Lao động tỉnh Lạng Sơn đề xuất cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người sử dụng lao động trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở. Có biện pháp tuyên truyền, vận động thành lập Chi bộ đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, trước hết là thành lập các Chi bộ Đảng ở các doanh nghiệp có đảng viên, có tổ chức Công đoàn. Có chính sách hỗ trợ đủ mạnh để thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước…

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định phát triển đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở được xác định là khâu đột phá. Một trong những yếu tố quan trọng chính là chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Dẫn nội dung lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ Công đoàn phải giỏi cả về chính trị, thạo về kinh tế thì mới lãnh đạo được đội ngũ công nhân ngày càng phát triển, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phân tích: Đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở phải giỏi về kinh tế, thạo về quản lý. Phải có kiến thức về kinh tế, về tiền lương để có thể thương lượng, thoả thuận, ký kết Thoả ước lao động tập thể với chủ sử dụng lao động. Theo Chủ tịch Nguyễn Đình Khang, các kinh nghiệm, giải pháp được trao đổi tại Diễn đàn là cơ sở góp phần thực hiện được mục tiêu cuối nhiệm kỳ 2023-2028 cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn.

HL/Báo Tin tức
Người lao động được quyền thương lượng mức lương tương xứng
Người lao động được quyền thương lượng mức lương tương xứng

Bên cạnh việc xây dựng được đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác thương lượng, đàm phán tại doanh nghiệp có kỹ năng đối thoại, đại diện một số công đoàn cơ sở đề xuất cần để người lao động được quyền thương lượng mức lương xứng đáng với công sức của họ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN