Đại biểu Hoàng Thị Hoa: Còn hơn 40 tỉnh, thành chưa có Nghị quyết về triển khai phòng, chống xâm hại trẻ em

Ngày 27/5, Quốc hội dành cả ngày thảo luận báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với đại biểu Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về nội dung này.

Chú thích ảnh
Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức. Ảnh: Đinh Tuấn

Thời gian qua, tình trạng xâm hại trẻ em tăng đột biến, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là gì, thưa bà?

Trước hết, cần khẳng định rằng thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã vào cuộc tích cực trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Điều này thể hiện ở việc có đến 18 văn bản Luật liên quan đến trẻ em được ban hành từ năm 2014 đến nay. Trong đó, có Luật trẻ em được ban hành năm 2016 và các Luật có liên quan.

Chính phủ và các bộ, ngành đều có những hướng dẫn và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, có những vấn đề đặt ra mà chúng ta cần suy nghĩ. Đó là phải tăng cường quản lý , đồng thời cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các gia đình, nhà trường và toàn xã hội để giảm tình trạng xâm hại trẻ em. Một đất nước hòa bình và phát triển thì các em phải được sống trong môi trường an toàn, đó là mục tiêu của Luật.

Khi kinh tế - xã hội phát triển thì mặt trái của cơ chế thị trường đã bộc lộ những điều đáng suy nghĩ. Đó là vấn đề về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, khi có những vụ việc mà người thân, người quen trong gia đình, giáo viên... đã xâm hại chính con em, học sinh của mình.

Qua nghiên cứu, tôi thấy rằng "đang có khoảng trống" trong việc thực thi pháp luật, cần có những quy định để thực hiện cho tốt hơn. Trong báo cáo của đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” có nêu:  Thậm chí Chính phủ đã có văn bản rồi mà vẫn còn hơn 40 tỉnh không ban hành nghị quyết thực hiện trên địa bàn mình. Cho nên, hơn 40 tỉnh này cần sớm ban hành Nghị quyết về phòng,  chống xâm trẻ em sát thực với tình hình của địa phương mình để triển khai cho hiệu quả.

Thưa  bà, vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Một trong những nguyên nhân chính là bạo lực trong gia đình và nhà trường.

Nhà trường là một tổ chức trong xã hội, những vấn đề tiêu cực ngoài xã hội cũng có thể xâm nhập vào nơi đây. Mặc dù các thầy, cô giáo đã có nhiều cố gắng, các cơ quan ban, ngành đã vào cuộc nhưng những tệ nạn tưởng chỉ xảy ra ngoài xã hội thì nay trong nhà trường cũng đã xuất hiện, ví dụ như việc thầy giáo xâm hại học sinh của mình.

Trước đây, khi chia tách Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em ra, thì lĩnh vực chăm sóc trẻ em được đưa về Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội, lĩnh vực gia đình đưa về Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Nhiều năm qua, việc phối hợp liên ngành giữa gia đình, nhà trường, xã hội cũng có sự chệch choạc; cơ chế này cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ em chưa được quan tâm thực sự. 

Một nguyên nhân khác là khâu tổ chức thực hiện. Khi đoàn giám sát tìm hiểu thì có những Sở Lao động, Thương binh và Xã hội còn không biết hết những nội dung mình phụ trách, không biết nhiệm vụ của mình là phải kiểm soát luật này, văn bản kia... vì vậy đã không tổ chức thực hiện được đầy đủ các văn bản của Chính phủ đã ban hành.

Thực trạng xâm hại tình dục trẻ em trên mạng hiện nay như thế nào và đâu là giải pháp, thưa bà?

Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể đầy đủ về số lượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, nhưng tại cuộc hội thảo phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng nằm trong khuôn khổ cuộc giám sát của Quốc hội, Cục Trẻ em của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thừa nhận có rất nhiều trẻ em bị xâm hại và trẻ em đứng trước nhiều rủi ro, nguy cơ cơ xâm hại trong môi trường mạng.  

Thông qua môi trường mạng, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại như: Hình ảnh trẻ em bị xâm hại và bóc lột được ghi, được quay, được chụp và phát tán; tiếp xúc với nội dung bạo lực, nội dung nhạy cảm; tiếp xúc với nội dung xúi giục tự tử và hành vi tiêu cực khác.  Trẻ còn có nguy cơ gặp những hành vi tiếp xúc và ứng xử không phù hợp như bắt nạt trực tuyến, nhắn tin liên quan đến tình dục, thông tin cá nhân bị thu thập, quảng cáo các sản phẩm không phù hợp, nghiện internet hoặc games trực tuyến.

Những nguy cơ rủi ro với trẻ em trên môi trường mạng được cơ quan quản lý chức năng đưa ra trên thực tế cũng chính là 6 hành vi xâm hại trẻ em được quy định tại Luật Trẻ em năm 2016.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có tác động mạnh hơn đến trẻ em so với hành vi trẻ em bị xâm hại trong đời thực.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 3 năm vừa qua, lực lượng công an đã phát hiện và xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, số liệu này chưa phản ánh thực sự bức tranh mà trẻ em bị lạm dụng, bị ảnh hưởng trên môi trường mạng. Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin mạng năm 2018 đã có những quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ xâm hại.  

Trong khi đó công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng còn có một số vấn đề cần lưu ý như các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn thiếu và chưa đồng bộ, vai trò, hiệu quả chưa cao trong việc xử lý can thiệp của các cơ quan quản lý về truyền thông, cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng của gia đình, của nhà trường và xã hội.  

Với các cơ quan truyền thông, mục đích ban đầu của các cơ quan này là phản ánh sự việc để kêu gọi sự quan tâm, sự lên tiếng có trách nhiệm của cơ quan bảo vệ trẻ em, cơ quan thực thi pháp luật. Tuy nhiên, đôi khi các cơ quan truyền thông tập trung thu hút sự chú ý của dư luận mà quên đi trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong cách đưa tin, hình ảnh, vô hình trung làm tổn thương thêm các em.  

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng chưa được hướng dẫn phổ biến, tập huấn đầy đủ về trách nhiệm, cách xử lý kịp thời bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Nên khi có sự việc xảy ra, chưa chủ động ngăn chặn, cảnh báo mà tiếp tục để phát tán trên môi trường mạng hay dịch vụ của mình.  

Từ thực tế trên, tôi đề nghị Chính phủ cần phải xây dựng chiến lược, chương trình dài hạn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Phân công cụ thể cơ quan, đơn vị chủ trì ở Trung ương để quản lý các vấn đề liên quan đến sự an toàn của trẻ em trên môi trường mạng, nhằm điều phối các bộ, ngành thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan của Chính phủ và khu vực tư nhân, nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Đối với bộ, ngành; Bộ Thông tin và Truyền thông cần xây dựng bổ sung các văn bản, quy định pháp luật để đảm bảo có đủ hành lang pháp lý, quản lý chặt chẽ đối với hoạt động cung cấp dịch vụ Internet xuyên biên giới, hoạt động quảng cáo, hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội... liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng.  

Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung nhiệm vụ xây dựng chương trình, nội dung giáo dục, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhằm phù hợp với độ tuổi. Phối hợp với các bộ như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… để có chương trình truyền thông giúp trẻ em có những kỹ năng sử dụng internet an toàn và hiệu quả.  

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội nhà trường, gia đình để giúp các em nhận biết, cảnh báo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin về nội dung không phù hợp với trẻ em.  

Về phía các cơ quan truyền thông, không khuyến khích các nhà truyền thông thông tin các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. Đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, tăng cường vai trò của các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong truyền thông trong việc tạo dựng một môi trường mạng an toàn cho trẻ em.

Trẻ em là tương lai của đất nước. Tôi hy vọng rằng, sau cuộc giám sát, kết quả đạt được sẽ tốt hơn để mọi trẻ em được sinh ra, lớn lên trong đất nước hòa bình và phát triển, luôn được sống trong môi trường an toàn phát và triển trong tương lai.

Xin cảm ơn đại biểu!

Viết Tôn/Báo Tin tức (thực hiện)
Hôm nay 27/5, Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em
Hôm nay 27/5, Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Quốc hội dành trọn ngày 27/5 để thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN