Bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII

Ngày 4/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bên lề hành lang Quốc hội, các đại biểu: Nguyễn Phước Lộc (Thành phố Hồ Chí Minh), Vũ Công Tiến (Lâm Đồng), Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) đã trao đổi, làm rõ hơn một số vấn đề trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao chiều ngày 4/6. Ảnh: Nguyễn Dân-TTXVN.


Làm rõ hơn trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với thế hệ trẻ

Theo đại biểu Nguyễn Phước Lộc (thành phố Hồ Chí Minh), không nên bỏ Điều 66 (Hiến pháp năm 1992) mà cần tiếp tục bổ sung làm rõ hơn trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với thế hệ trẻ theo tinh thần Nghị quyết 25 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường và xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nêu rõ: “Hình thành lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, kỳ vọng rất nhiều ở thanh niên, đại biểu cho rằng, vấn đề đặt ra là trong điều kiện đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, mở rộng quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế hiện nay, thanh niên phải làm thế nào để phát huy vai trò xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc cho rằng có thể bổ sung thêm một điều về Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam như sau:

1- Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.

2- Thanh niên phải làm tròn nhiệm vụ lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3- Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của thanh niên, vận động thanh niên thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước.

Quy định về chính quyền địa phương cần linh hoạt hơn

Từ nhìn nhận chúng ta đang làm thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường, chưa có sơ kết, tổng kết nào để đánh giá việc đó được hay không được, được ở mặt nào, không được ở mặt nào và nguyên nhân tại sao, đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) đề nghị cần duy trì hệ thống chính trị như hiện nay. Nơi nào có cấp chính quyền địa phương thì nơi đó có HĐND. Đại biểu lý giải: HĐND có chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, trực tiếp giám sát những công việc của chính quyền địa phương một cách thực sự, sát hơn. Nếu không tổ chức HĐND ở các cấp này thì rất khó trong quá trình giám sát, nhất là những việc còn hạn chế để kịp thời khắc phục, sửa chữa, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân. Quan trọng nhất là phải có cơ quan đại diện cho nhân dân, đại diện quyền làm chủ của nhân dân để giám sát quyền của từng cấp, từng chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Theo đại biểu Vũ Công Tiến, cần tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh, xây dựng mô hình chính quyền sao cho phù hợp với hệ thống chính trị của đất nước.

Đồng quan điểm với đại biểu Vũ Công Tiến, đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) mong muốn nơi nào có chính quyền thì nơi đó có cơ quan dân cử để có một diễn đàn vừa giám sát, vừa là tiếng nói của người dân, lại vừa là nơi tập trung công khai, minh bạch các thông tin hoạt động của quản lý hành chính. Đại biểu đề nghị: quy định về chính quyền địa phương cần năng động hơn, linh hoạt hơn, có sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ. Đối với HĐND thì thực quyền hơn và giảm đi các hoạt động mang tính hình thức, thực sự trở thành cơ quan đại diện. Muốn vậy, Hiến pháp phải quy định rõ việc phân cấp, cơ cấu tổ chức và công tác nhân sự của HĐND. Đối với UBND thì nhanh nhạy, linh hoạt hơn để giải quyết tất cả các vấn đề trong đời sống kinh tế, xã hội đặt ra.


Quỳnh Hoa - Thanh Vân
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Ngày 3/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phiên họp quan trọng này được phát thanh, truyền hình trực tiếp để Quốc hội báo cáo với cử tri và nhân dân cả nước về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN