Bản án xét xử vi phạm có tác động mạnh tới hành vi của người tham gia giao thông

Chiều 5/7, Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2023 - 2030.

Chú thích ảnh
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cùng các đại biểu chứng kiến Lễ ký. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng và Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ dự lễ ký.

Theo Phó Chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ, Chương trình phối hợp sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, thế mạnh và nguồn lực sẵn có giữa hai cơ quan. Đồng thời, hai bên đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Hai bên tập trung phổ biến, tuyên truyền thông qua công tác xét xử, các bản án, quyết định của Tòa án về các vụ việc liên quan đến hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông được Tòa án nhân dân các cấp xét xử, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các tầng lớp nhân dân. Từng cơ quan  xác định rõ trách nhiệm, nhất là đơn vị đầu mối và cơ chế phối hợp trong quá trình triển khai các nhiệm vụ; đảm bảo các hoạt động phối hợp được thực hiện thường xuyên, kịp thời, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.

Phát huy vị trí, vai trò của Tòa án nhân dân tối cao, trong giai đoạn 2023 - 2030, để thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình phối hợp, Tòa án nhân dân tối cao sẽ chỉ đạo Tòa án nhân dân, Tòa án Quân sự các cấp tăng cường tổ chức xét xử các vụ án điểm, có tính chất nghiêm trọng để phục vụ công tác tuyên truyền chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các tầng lớp nhân dân.

Thông qua các bản án liên quan đến vi phạm trật tự, an toàn giao thông, Tòa án nhân dân tối cao sẽ chỉ đạo Báo Công lý (là đơn vị đầu mối) và các cơ quan truyền thông khác của Tòa án nhân dân tối cao xây dựng các chuyên trang, chuyên mục; tổ chức biên tập, sản xuất tin bài, phóng sự báo chí, phim phóng sự Truyền hình… tuyên truyền về việc chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm tạo hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.

Tòa án nhân dân tối cao sẽ chỉ đạo Tòa án nhân dân, Tòa án Quân sự các cấp chủ động và tạo điều kiện tăng cường phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố, các đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng còn diễn biến hết sức phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Văn hóa giao thông chưa được hình thành rõ nét.

Việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có lúc, có nơi bị buông lỏng. Một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để. Tai nạn giao thông giảm chưa bền vững. Việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn, tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Để kéo giảm tai nạn giao thông một cách bền vững và  hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường, thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông luôn đóng vai trò hết sức quan trọng.

Phó Thủ tướng cho biết, Chỉ thị 23-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết 48/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng đều yêu cầu đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách, quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông sao cho phù hợp, hấp dẫn với từng nhóm đối tượng, lấy thay đổi hành vi là tiêu chí đánh giá hiệu quả truyền thông.

Trong nhóm giải pháp này, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá cao việc đẩy mạnh tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông thông qua hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân, đặc biệt là công tác xét xử, trực tiếp hoặc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan. Qua đó, các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông được tuyên truyền sâu rộng. Nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm pháp lý đối với các đối tượng liên quan đến hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông được làm rõ. Tòa án xây dựng các án lệ liên quan tới xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông để xử lý kịp thời, nâng cao tác dụng giáo dục và răn đe với các vi phạm trong thời gian tới.

“Những bản án xét xử các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông sẽ là nguồn tư liệu, tài liệu quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có tác động rất mạnh mẽ tới nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông và điều này cần được chú trọng trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và đặc biệt là các cơ quan có thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp, chặt chẽ các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao để Chương trình phối hợp đạt hiệu quả cao.

Chú thích ảnh
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay, ngành giáo dục cán bộ, công chức, viên chức chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông, tổ chức tốt việc xét xử các vụ án để mỗi vụ án về giao thông trở thành những bản tuyên truyền về giao thông, mỗi thẩm phán phải trở thành một tuyên truyền viên về an toàn giao thông.

Từ năm 2017, chủ trương của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao là công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử Tòa án, trong số hơn 1 triệu bản án được công khai, có hơn 10 nghìn bản án về giao thông. Trung bình một ngày có 23 nghìn lượt người truy cập vào hệ thống của Tòa án để nghiên cứu về các bản án. Thời điểm Lễ ký kết diễn ra, đang có 7.600 người truy cập. Nếu chỉ cần 1% trong số này đọc bản án về giao thông, đây chính là kênh tuyên truyền giáo dục hiệu quả cho người dân.

Việc ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2023 - 2030 nhằm làm tốt hơn, quyết liệt hơn, sáng tạo hơn công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông. Thành công của việc ký kết không chỉ dừng lại ở trong hội trường này, mà phải đi vào cuộc sống, phải được đo bằng nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân được nâng cao, hướng đến một xã hội an toàn, giảm tối đa tai nạn giao thông.

Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục giáo dục trong toàn hệ thống, chỉ đạo để mỗi bản án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nghiêm minh và nhân văn. Đây là bài học kinh nghiệm không chỉ với người liên quan đến vụ tai nạn, mà cả những người khác cũng được nâng cao dân trí về pháp luật, tuân thủ pháp luật.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Thanh tra GTVT Hà Nội tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn
Thanh tra GTVT Hà Nội tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn

Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã tăng cường kiểm tra đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN