Ứng phó với cạnh tranh xăng dầu bằng chất lượng hàng hóa và dịch vụ

Tiêu thụ xăng dầu tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn tăng trưởng mạnh hàng năm nhưng điều đó không đồng nghĩa kinh doanh xăng dầu sẽ diến biến thuận lợi hơn. Thực tế, với hàng chục đầu mối tham gia thị trường, điều các doanh nghiệp và người tiêu dùng lo ngại nhất chính là sự cạnh tranh không lành mạnh.

Xăng dầu nhập lậu, giá rẻ vẫn len lỏi

Năm 2016, tổng nhu cầu xăng dầu các loại trên địa bàn Thanh Hóa là 400.000 m3, tấn, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2015. Trước đây, Petrolimex Thanh Hóa là doanh nghiệp (DN) có thị phần xăng dầu lớn nhất thì hiện nay, Petrolimex chỉ còn chiếm khoảng 40% thị phần và sức ép cạnh tranh ngày càng lớn.

Các DN kinh doanh xăng dầu lớn trên địa bàn như: Petrolimex Thanh Hóa, PV Oil Thanh Hóa, MIPECORP có lợi thế về kho bể, phương tiện vận tải, hệ thống phân phối bài bản, chất lượng nguồn hàng.

Petrolimex Thanh Hóa thường xuyên mở ngày hội bán hàng để giới thiệu các sản phẩm: dầu nhờn, nước giặt Java...tại hệ thống các cửa hàng

Tuy nhiên, các thành phần DN khác tham gia, chủ yếu là các DN tư nhân như Hải Hà, Thành Lễ, Hải Linh… lại cạnh tranh bằng sử dụng chính sách bán hàng và công nợ linh hoạt: giá bán lẻ thấp hơn, hỗ trợ cước cho khách hàng tự vận chuyển, xuất bán cho gửi hàng ở kho, cho nợ tiền thanh toán…

Đặc biêt, do kiểm soát thị trường  của các cơ quan chức năng còn có những mặt hạn chế, thị trường xăng dầu vẫn có nguồn hàng giá rẻ không rõ nguồn gốc còn xâm nhập. Thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh xăng dầu lậu là mua hàng giá rẻ của nguồn hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ từ tỉnh ngoài xâm nhập vào địa bàn và bán với giá rất rẻ.

Cạnh tranh thị phần xăng dầu có thể thấy rõ nhất ở những địa bàn có tính chất đặc thù như vùng miền biển. Thanh Hóa có nhiều huyện thị miền biển như: Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Sầm Sơn... Nhu cầu xăng dầu ở những địa bàn này là rất lớn, nhất là để phục vụ nhu cầu đánh bắt hải sản của ngư dân. Tuy nhiên, một trong những DN lớn nhất về kinh doanh xăng dầu là Petrolimex Thanh Hóa gần như không phát triển được mạng lưới phân phối ở các địa bàn này vì xăng dầu lậu diễn biến phức tạp.

Giá xăng dầu lậu, không có thuế có thể rẻ hơn giá bán xăng dầu niêm yết tới hàng nghìn đồng/lít. Với lợi nhuận có được do chênh lệch giá cao như vậy, các đầu nậu dùng đủ mọi chiêu để bán hàng cho ngư dân: bán hàng giá rẻ, bán hàng trả chậm, cho nợ tiền… miễn sao là bán được nhiều hàng. Về phía người dân, mặc dù biết xăng dầu lậu giá rẻ chất lượng không đảm bảo, sử dụng có thể dẫn tới hỏng máy móc nhưng vì tham giá rẻ vẫn mua hàng.

Ngay ở địa bàn thành phố lớn, ông Hoàng Văn Bình, Giám đốc Petrolimex Thanh Hóa, cho biết việc tăng thị phần bán xăng dầu cũng không dễ dàng. Công ty hiện có hàng trăm đối tác cung cấp dịch vụ nhưng thường xuyên bị các hãng khác giành giật, lôi kéo khách hàng với mức giá thấp hơn và chiết khấu cao hơn. Cụ thể, theo ông Bình, các đầu mối thường đưa ra mức chiết khấu cao hơn, từ 300-500 đồng/lít cho các khách hàng bán buôn, các đại lý. Các nguồn hàng xăng dầu giá rẻ thường là hàng nhập lậu không đảm bảo chất lượng hoặc hàng trốn thuế…

Được biết, trong giấy phép kinh doanh xăng dầu của đại lý phải nêu rõ hàng hóa được nhập từ nguồn nào, trên cơ sở đó cơ quan quản lý thị trường, cơ quan thuế kiểm tra, tránh gian lận và truy xuất nguồn gốc xăng dầu. Tuy nhiên,đang có hiện tượng một số đại lý nhập xăng dầu từ nhiều nguồn, đây là lỗ hổng để xăng dầu kém chất lượng đưa vào hệ thống phân phối, ảnh hưởng đến cả quyền lợi người tiêu dùng.

Tăng thị phần bằng uy tín thương hiệu

Trong bối cảnh cạnh tranh xăng dầu rất lớn vì có rất nhiều đầu mối lớn nhỏ tham gia kinh doanh, thị trường lại có nguồn hàng trôi nổi giá rẻ, mỗi doanh nghiệp xăng dầu lại có cách cạnh tranh riêng. Tại địa bàn có sự cạnh tranh khốc liệt, Petrolimex Thanh Hóa xác định phải tập trung khẳng định uy tín thương hiệu Petrolimex tới từng khách hàng.

Cửa hàng xăng dầu tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy của Công ty Xăng dầu Thanh Hóa dù ở vùng sâu, vùng xa vẫn được đầu tư khang trang, hiện đại

Để đảm bảo nguồn và chất lượng hàng hóa, giải pháp ưu tiên đầu tiên của Petrolimex là quan tâm xây dựng hệ thống bán hàng trực tiếp tới tận người tiêu dùng. Được biết, đầu tư phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trong những gần đây là hết sức khó khăn do thủ tục về đất đai, quy hoạch mạng lưới xăng dầu và quan điểm phát triển của từng địa phương. Tuy nhiên, công ty vẫn đặt mục tiêu phát triển mỗi huyện, thị có ít nhất 1 cửa hàng. Hiện nay, Petrolimex Thanh Hóa đã tổ chức mạng lưới kinh doanh xăng dầu rộng khắp với 80 cửa hàng.

Tại hệ thống các cửa hàng của Petrolimex dù ở thành phố hay các vùng dân cư thưa vắng, Petrolimex đều tập trung đầu tư cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị như cột bơm xăng dầu hiện đại của Nhật Bản, có hệ thống thu hồi hơi xăng, hệ thống đo sản lượng xuất nhập xăng dầu tự động, giúp quản lý nghiêm ngặt cả số lượng và chất lượng xăng dầu. Tất cả cửa hàng xăng dầu trực thuộc đều áp dụng hệ thống nhận diện thương hiệu theo chuẩn của Petrolimex.

Điều chúng tôi ấn tượng nhất là hệ thống các cửa hàng Petrolimex Thanh Hóa đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ. Tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở thành phố Thanh Hóa, mặc dù tất cả các cửa hàng trưởng đều là nữ giới nhưng chị em đều rất năng động và sáng tạo trong hoạt động kinh doanh. Tất cả các cửa hàng đều triển khai bán hàng 24 giờ/ngày, nhiều cửa hàng còn mạnh dạn thuê mặt bằng làm thêm các dịch vụ rửa xe, thay dầu cho khách hàng, kinh doanh thêm các sản phẩm dầu mỡ nhờn, nước giặt Java…

Ngay cả tại các huyện vùng sâu, xa, Petrolimex Thanh Hóa vẫn đầu tư cơ sở vật chất khang trang, phục vụ khách hàng tận tình nên sản lượng bán hàng ngày càng tăng. Cửa hàng trưởng Nguyễn Thanh Tùng của Cửa hàng xăng dầu Cành Nàng, anh cho biết: Mặc dù kinh doanh trên địa bàn miền núi nhưng cạnh tranh cũng rất lớn, cả địa bàn huyện Bá Thước có tới 10 cửa hàng xăng dầu, trong đó chỉ có 3 cửa hàng thuộc hệ thống Petrolimex, còn lại là các cửa hàng xăng dầu tư nhân. Tuy nhiên, với uy tín kinh doanh của Petrolimex, doanh số bán hàng ngày càng tăng. Đến nay, cửa hàng xăng dầu Cành Nàng đã thu hút nhiều khách hàng là người dân địa phương, doanh nghiệp vận tải đường dài vận chuyển hàng hóa sang 2 cửa khẩu Nam Mèo và Mường Lát.

Mặc dù cạnh tranh xăng dầu ở cả địa bàn thành phố, miền núi, vùng sâu, vùng xa đều diễn ra khốc liệt, nhưng với những nỗ lực tăng thị phần, năm 2016, Petrolimex Thanh Hóa đạt tổng sản lượng xuất bán xăng dầu 172.730 m3, tấn, tăng 7% so với năm 2015. Trong đó, bán buôn đạt 61,765 m3, tăng 5%; bán lẻ tăng 8% so với năm 2015.

“Thị trường càng có sự cạnh tranh không lành mạnh thì Petrolimex Thanh Hóa càng phải giữ vững quan điểm tăng thị phần bằng chất lượng hàng hóa và uy tín thương hiệu, dịch vụ”, ông Hoàng Văn Bình khẳng định.

Thu Hường/Báo Tin Tức
Pha xăng đạt tiêu chuẩn xăng dầu mức 4 và mức 5
Pha xăng đạt tiêu chuẩn xăng dầu mức 4 và mức 5

Việc pha chế xăng dầu đạt mức 4 và mức 5 để đạt tiêu chuẩn khí thải là hết sức cần thiết để cải thiện chất lượng không khí đang bị ô nhiễm như hiện nay. Việt Nam rất quan tâm về vấn đề này và đã có chính sách nâng tiêu chuẩn xăng dầu lên mức ngày càng cao hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN