Hoàn thiện khung pháp lý, tháo điểm nghẽn để tăng thanh toán online

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua, điểm nghẽn được nhận thấy là các bộ, ngành chưa có cơ sở dữ liệu tập trung để ngân hàng có thể kết nối vào làm dịch vụ thanh toán không tiền mặt.

Chú thích ảnh
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: SBV.

Điểm nghẽn thứ 2, theo ông Phạm Tiến Dũng, là đơn vị cung cấp dịch vụ chưa sẵn sàng. "Thực tế, triển khai cho thấy, 6 sở sử dụng 6 phần mềm khác nhau, không theo chuẩn chung nên rất mất công. Do vậy cần sự vào cuộc của các sở ban ngành", ông Dũng nói.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho hay: Thời gian qua, Napas đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung ứng dịch vụ để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Sau khi kết nối xong với Tổng cục thuế, thông tin được đẩy tới các ngân hàng qua ứng dụng ngân hàng di động (Mobile Banking).

Theo đó, người dân có thể lên website để được hướng dẫn lấy mã hồ sơ, sử dụng thẻ thanh toán của Nappas, ứng dụng của các trung gian thanh toán để nộp lệ phí, thuế. "Các ứng dụng này rất dễ sử dụng như mua vé máy bay... Tương lai, thanh toán 1 chạm không giới hạn về nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy và một số lĩnh vực khác như nộp thuế cho thuê nhà, phí phạt vi phạm giao thông…", ông Nguyễn Đăng Hùng nói.

Theo lãnh đạo NHNN, thời gian tới, cơ sở pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt sẽ được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện tạo nền tảng cho hoạt động thanh toán nói chung, đặc biệt việc ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

NHNN sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; ban hành Thông tư hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán với định danh, xác thực khách hành bằng phương thức điện tử (eKYC).. 

Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán Quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán online, xử lý tức thời, dịch vụ 24/7 cho mọi đối tượng và người dân; NHNN sẽ đẩy mạnh phát triển thanh toán thẻ, thúc đẩy việc chuyển đổi thẻ chip, tạo thuận lợi cho việc kết nối với các ngành lĩnh vực khác để cung ứng đa dạng các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, thanh toán phi tiếp xúc; giám sát các hệ thống thanh toán; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử. 

Đề cập tới việc ngành điện sẽ chấm dứt thu tiền điện tại nhà, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: EVN đang thu tiền điện tại quầy giao dịch, điểm thu tập trung, thu qua các kênh dịch vụ của ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán như: Cổng thanh toán, trích nợ tự động, ATM, Internet Banking, Mobile Banking, ví điện tử, điểm giao dịch của ngân hàng hoặc trung gian thanh toán… 

Theo EVN, tỷ lệ hóa đơn tiền điện thanh toán qua ngân hàng, trung gian thanh toán tăng mạnh qua các năm, từ 14,88% số hóa đơn năm 2015 tăng lên 64% và hơn 81% tiền điện, trong đó, phương thức không dùng tiền mặt là 54,64% về hóa đơn và 72,32% tiền điện. “Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, năm 2019, EVN đã số hóa 100% nghiệp vụ kinh doanh và chăm sóc khách hàng không dùng tiền mặt, cung cấp dịch vụ điện trên cổng dịch vụ công Quốc gia", ông Võ Quang Lâm nói. 

Đến năm 2020, EVN tiếp tục đẩy mạnh doanh nghiệp số, kết nối nền tảng tích điểm chăm sóc khách hàng, cung cấp dịch vụ để khách hàng trải nghiệm trên nền tảng số. Tương lai, ngành điện sẽ giảm dần và tiến đến chấm dứt thu tiền điện tại nhà, đẩy mạnh hình thức thanh toán trực tuyến”, ông Võ Quang Lâm nói.

Theo Phó Tổng giám đốc EVN, ngành điện sẽ làm việc với các ngân hàng, trung gian thanh toán để thay thế các điểm thu của điện lực. Ngoài ra, EVN khuyến khích khách hành mở mới tài khoản và đăng ký trích nợ tự động tại tất cả các điểm giao dịch của điện lực, nhất là khách hàng mới đều sử dụng dịch vụ trích nợ tự động để thanh toán. Khách hàng có thể thanh toán tiền điện qua cổng dịch vụ công quốc gia, qua QR Code, qua tài khoản viễn thông (Mobile Money)…

"Chúng tôi đã làm việc một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Napas đang hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng tiến tới hoàn toàn tự động hóa quy trình đổ xăng, dầu của khách hàng tại các cây xăng trạm xăng. Với hình thức này, khách hàng đổ xăng, dầu thì có thể nhập số tiền mua xăng tối đa 1 triệu đồng và hệ thống sẽ tự động hoàn tiền thừa vào thẻ cho khách. Napas sẽ hướng tới việc đổ xăng, dầu, khách hàng sẽ không cần bấm mã pin để xác nhận số tiền nữa mà chỉ cần chạm thẻ vào thiết bị chấp nhận thanh toán để trừ đúng số tiền mà khách hàng mua", ông Nguyễn Đăng Hùng nói.

Minh Phương/Báo Tin tức
Thanh toán online di động tăng mạnh mùa COVID-19
Thanh toán online di động tăng mạnh mùa COVID-19

Trong bối cảnh dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã đẩy mạnh khuyến khích khách hàng giao dịch không dùng tiền mặt, giảm phí, đa dạng hóa dịch vụ... nhằm hút khách gửi tiết kiệm trực tuyến. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN