Chờ đợi một loạt số liệu quan trọng, chứng khoán thế giới tăng nhẹ

Cuối phiên giao dịch ngày 31/7, chứng khoán Phố Wall và thế giới tăng nhẹ, trong bối cảnh các nhà đầu tư vẫn đang chờ thêm thông tin báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023 của các doanh nghiệp, cùng quyết định lãi suất của một số ngân hàng trung ương lớn và báo cáo việc làm của Mỹ, sẽ được công bố vào cuối tuần này.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Down Jones trên sàn chứng khoán New York tăng 0,09% lên 35.491,69 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,19% lên 4.590,93 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,25% lên 14.351,98 điểm.

Theo lịch dự kiến, hai “ông lớn” công nghệ Apple và Amazon sẽ công bố báo cáo ngày 2/7, trong khi những tên tuổi khác như Western Digital Corp, Caterpillar Inc, Starbucks Corp và Advanced Micro Devices cũng đều có kế hoạch công bố tình hình tài chính trong tuần này.

Tại châu Âu, các thị trường chứng khoán chứng kiến mức tăng khiêm tốn, sau khi lạm phát của Khu vực đồng euro (Eurozone) đã suy giảm trong tháng 7/2023. Các nhà đầu tư kỳ vọng đây sẽ cơ sở để Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cân nhắc chấm dứt chuỗi tăng lãi suất mạnh nhất từ trước đến nay.

Chỉ số FTSE 100 tăng 0,07%, đạt mức 7.699,41 điểm. Chỉ số DAX 300 trên sàn Frankfurt giảm 0,14% xuống còn 16.446,83 điểm. Trong ngày 31/7, các mã chứng khoán blue-chip của Đức đã có thời điểm đạt mức cao kỷ lục, trước khi đi xuống vào cuối ngày. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,29% lên 7.497,78 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp EURO STOXX 600 tăng 0,2%, hướng tới tháng tăng thứ hai liên tiếp.

Nhà phân tích cấp cao chuyên về thị trường châu Âu của ngân hàng Deutsche Bank, Marc de Muizon, lưu ý rằng giá dịch vụ trong khu vực Eurozone đã ổn định, nhưng không mạnh như mức đáng lẽ phải có vào cao điểm của mùa du lịch năm 2023. Ông nói tăng trưởng kinh tế hàng quý của cả khu vực dựa vào tăng trưởng của một số quốc gia nổi trội nhất. Những số liệu gần đây cho thấy kinh tế Eurozone vẫn “mấp mé” giới hạn đình trệ.

Dự kiến các cuộc khảo sát ISM về hoạt động sản xuất và dịch vụ, cũng như báo cáo thu nhập tháng 7/2023 của Mỹ sẽ công bố trong tuần này.

Các chiến lược gia kinh tế của Citi Bank dự báo dữ liệu sẽ là các con số tích cực, củng cố cho kịch bản “hạ cánh mềm” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, vẫn còn một số lo ngại về tăng trưởng việc làm của cường quốc lớn nhất thế giới đang đi xuống và liệu lạm phát chậm lại có thể cùng tồn tại với thị trường lao động chặt chẽ hay không.

Trước đó, một loạt báo cáo khả quan cho thấy chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed đang mang lại kết quả, trong khi nền kinh tế vẫn vững vàng. Điều này đã xoa dịu tâm lý của nhà đầu tư về “bức tranh” kinh tế tăng trưởng trong bối cảnh lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Báo cáo thu nhập quý II/2023 khả quan từ các công ty lớn toàn cầu, như Alphabet, Meta Platforms, hay các nhà sản xuất chip Intel và Lam Research cũng đã góp phần thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.

Chỉ số S&P 500 đã kéo dài đà tăng 10% kể từ đầu tháng Sáu. Trong tháng 7/2023, chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng ghi nhận chuỗi tăng điểm dài nhất của gần 4 thập kỷ, được củng cố bởi mức tăng cổ phiếu của các công ty trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tài chính và năng lượng.

Nhiều nhà quan sát ước đoán Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ tăng lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 2/8, nhưng các thị trường vẫn đang tranh luận liệu Ngân hàng Dự trữ Australia (Ngân hàng Trung ương - RBA) sẽ tăng hay giữ nguyên mức lãi suất cao kỷ lục.

Tại Nhật Bản, các nhà đầu tư vẫn đang tìm hiểu về khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ quyết định dỡ bỏ giới hạn lãi suất trái phiếu trong ngày 3/8 hay không. Nếu BoJ hành động, đây sẽ là một bước tiến mới so với chính sách tiền tệ siêu lỏng mà cơ quan này đã duy trì trong suốt hơn một thập kỷ vừa qua.

Các nhà phân tích tại BofA ước tính việc BoJ mua trái phiếu đã bổ sung thêm 1.300 tỷ USD vào thanh khoản toàn cầu trong 18 tháng qua và tạo ra mức sàn thấp cho lãi suất toàn cầu. Do đó, bất kỳ sự gia tăng bền vững nào của lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản đều có thể ảnh hưởng đến các thị trường trái phiếu khác.

Lợi tức kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong 9 năm lên tới 0,6% vào thứ Hai và hướng tới mức trần mới là 1,0%. Điều đó cũng gây áp lực lên lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, trong đó kỳ hạn 10 năm giảm 0,4 điểm cơ bản xuống 3,965%.

Tại Việt Nam, khép phiên 31/7, chỉ số VN-Index tăng 15,23 điểm (tương đương 1,26%), lên 1.222,9 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index ghi thêm 2,02 điểm, hay 0,85%, lên 239,55 điểm.

Diệu Linh/TTXVN (Theo Reuters)
Chứng khoán châu Á phục hồi nhờ động lực từ Phố Wall
Chứng khoán châu Á phục hồi nhờ động lực từ Phố Wall

Các thị trường chứng khoán châu Á phục hồi trong phiên 31/7 theo đà tăng trên Phố Wall cuối tuần trước, khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực với việc lạm phát tại Mỹ tiếp tục hạ nhiệt, đưa đến khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tiếp tục tăng lãi suất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN