World Cup và “chất keo” của bóng đá

Với hàng trăm ngàn người hâm mộ đang đổ về Brazil tham dự World Cup 2014, đây không chỉ là hành trình hướng đến ngày hội của trái bóng tròn ở xứ sở samba, mà còn là cuộc hành hương đến với “chiếc chén thánh” - Cúp vô địch thế giới, để bày tỏ sự ngưỡng mộ trước các “vị thánh” - Cristiano Ronaldo và Lionel Messi.


Một “tôn giáo”


Ngày càng có nhiều học giả nhìn nhận vai trò của bóng đá như “thủ thành” của xã hội, gần như một thứ tôn giáo và giúp mang lại sự nhận thức về bản sắc cá nhân cho người hâm mộ. HLV huyền thoại của Liverpool Bill Shankly từng nói: “Bóng đá quan trọng hơn cả sự sống và cái chết”. Nhưng không chỉ vậy, dường như những “trận mỹ cầu” của Pelé vĩ đại còn tạo ra sự tiết chế lành mạnh đối với xung đột giữa các bộ tộc.

Người hâm mộ Nhật Bản sắm sửa trang phục ủng hộ đội nhà. Ảnh: zimbio


Trong các nghiên cứu về châu Âu, David Ranc, giáo sư người Pháp chuyên tìm hiểu bản sắc các nhóm cổ động viên bóng đá, có nói: “Bóng đá mang đến cơ hội để mọi người trong một đất nước cùng sát cánh, quên đi những xung đột. Bằng cách này, bóng đá thực sự đẩy lùi được chiến tranh”. Theo cách nhìn nhận của ông, “đây là một cách thức không bạo lực để giải quyết xung đột và người ta có thể lựa chọn phe phái mà không phải mạo hiểm điều gì”.


Trước ngày trái bóng Brazuca bắt đầu lăn tại các sân cỏ Brazil, người hâm mộ khắp nơi trên thế giới đang hăm hở sắm cho mình bộ trang phục của đội nhà và những phụ kiện kèm theo (cờ, khăn, mũ, tóc giả...). Họ luyện giọng với bài quốc ca của dân tộc. Tất cả không ngoài mục đích tạo ra một sức mạnh quốc gia thống nhất, cho dù là ở ngay tại quê nhà hay ở Brazil. Theo các chuyên gia, điều này không chỉ phản ánh niềm tự hào dân tộc trong mỗi người, mà còn là dấu hiệu cho thấy khát vọng cháy bỏng muốn xác định nơi họ thuộc về.


Bàn về tác động của bóng đá với người hâm mộ, nhà xã hội học thể thao Gunter Gebauer của trường Đại học Berlin (Đức) nói: “Những người hâm mộ của một đội bóng đã tạo ra một cộng đồng các tín đồ đặc trưng”. Vì vậy, theo ông, việc người hâm mộ biến những chiếc giường ngủ của mình thành những “đền thờ bóng đá”, nơi họ tôn thờ những “vị thánh” sân cỏ không phải là chuyện hiếm. “Những vị thánh là các cầu thủ của đội tuyển họ ủng hộ. Cũng chính vì những vị thánh này, người hâm mộ sẽ thực hiện những cuộc hành hương đáng kinh ngạc”, ông Gebauer nói.

 

Ngăn bạo lực


Các chuyên gia cho rằng, nhìn chung, các trận bóng là những sự kiện xã hội mang tính gắn kết, dù đây đó vẫn còn những hành vi cực đoan, thái độ không hiếu khách, hay những xô xát bạo lực... Những sự cố bạo lực ngoài ý muốn thường xảy ra ở mức độ nhỏ, nếu so sánh với con số khổng lồ những người theo dõi các trận bóng trên thế giới mỗi ngày.


Ngược dòng lịch sử, có thể thấy các môn thể thao như bóng đá đã đồng hành với sự phát triển của nền văn minh nhân loại. “Bóng đá giúp loại bỏ một số loại hình bạo lực, đồng thời tạo ra yêu cầu chung là người tham gia sự kiện phải kiềm chế bản thân nghiêm ngặt hơn trong giao tiếp”, như nhìn nhận của nhà xã hội học thể thao Eric Dunning, thuộc trường Đại học Leicester (Anh).


Bên cạnh đó, dưới góc độ học thuật, giáo sư Ranc kiến giải, chủ nghĩa lưu manh là một phần của sự bất bình đẳng xã hội, thay vì là một sản phẩm của sự đối đầu trong thể thao. “Khi nghiên cứu bạo lực trong bóng đá, hoạt động này dính dáng đến những người đang mất địa vị xã hội. Những người này bị đẩy ra phần rìa, bị cản trở, bị coi là tầng lớp dưới. Bạo lực trong bóng đá liên quan nhiều đến môi trường xã hội”, ông giải thích.


Theo các chuyên gia, một tác động tích cực khác của bóng đá là việc nó cho phép những người từ nhiều không gian kinh tế và xã hội khác nhau cùng đến, gặp gỡ và kết đoàn trong một niềm đam mê chung. Một trong những thứ gắn kết họ chính là khả năng tạo ra những ngôi sao, như Pelé huyền thoại trước đây, hay bây giờ là Cristiano Ronaldo, Lionel Messi...


“Những cầu thủ ngôi sao đều bắt đầu từ con số 0. Nhưng sau đó, họ đã đổi đời, giành được sự nổi tiếng và gia tài bằng chính sức mạnh của bản thân. Nhờ vậy, họ được phép đóng một vai trò trong xã hội, mà nếu không có tài năng đó, họ sẽ không thể vươn tới được”, ông Gebauer nói.


Tất cả những nhân tố này góp phần tạo nên sự phổ biến của bóng đá. Nhưng không thể không kể đến các yếu tố tốc độ, kỹ năng, niềm phấn khích mà bóng đá tạo ra và một sự thật hiển nhiên: Bóng đá là môn thể thao dễ chơi ở gần như bất kỳ đâu trên Trái đất, bởi bóng đá không yêu cầu những thiết bị chuyên dụng và có luật chơi đơn giản. “Dĩ nhiên, những môn thể thao khác cũng có một số đặc trưng nêu trên, nhưng nhiều người cho rằng chỉ bóng đá mới sở hữu tất cả chúng”, ông Dunning nói.

 

Theo thông tin từ Bộ Du lịch Brazil, khoảng 600.000 du khách nước ngoài được chờ đợi sẽ “hành hương” tới Brazil tham dự World Cup 2014. Số lượng “tín đồ” bóng đá trong nước dịch chuyển giữa 12 thành phố đăng cai giải cũng có thể vượt quá con số 1 triệu người.


Anh Vũ (Theo AFP)

Gấu trúc trổ tài dự đoán kết quả World Cup
Gấu trúc trổ tài dự đoán kết quả World Cup

Các chuyên gia Trung Quốc đang tích cực huấn luyện một nhóm những chú gấu trúc 1-2 năm tuổi, với kỳ vọng loài vật này sẽ dự đoán chuẩn xác kết quả các trận đấu tại World Cup 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN