Người Anh 'tái chế' các công trình Olympic 2012 ra sao?

Gần 6 tháng sau khi Olympic 2012 khép lại, câu hỏi về việc các công trình phục vụ cho Thế vận hội mùa hè lần thứ 30 đã được kế thừa và sử dụng như thế nào lại được đặt ra. Đối với một sự kiện đã tiêu tốn khoản đầu tư khổng lồ là 12 tỉ euro, vấn đề rõ ràng đã vượt ra ngoài khuôn khổ thể thao, trở thành một vấn đề xã hội.

SVĐ Olympic dự kiến sẽ được chuyển giao cho một CLB bóng đá.

 

Trong một bài điều tra do BBC thực hiện ngày 25/1 vừa qua, nhiều công trình phục vụ Olympic 2012 đang có những dấu hiệu bị xuống cấp, đặc biệt là ở Công viên Olympic. Đây là tổ hợp thể thao quan trọng nhất của giải, bao gồm Làng Olympic và nhiều địa điểm thi đấu quan trọng như SVĐ Olympic, Trung tâm thể thao dưới nước, Trung tâm báo chí...


Nhưng trên thực tế, chính quyền Luân Đôn đã lên kế hoạch trị giá khoảng 350 triệu euro để cải tổ các công trình, nhằm phục vụ cho các sự kiện cả thể thao lẫn văn hóa bắt đầu từ tháng 7 tới, như London Grand Prix (điền kinh), Hard Rock Calling (âm nhạc)...


Các nhà tổ chức Anh đã rút ra được những bài học kinh nghiệm từ các kỳ Olympic trước đó, nơi những địa điểm đã bị bỏ phí sau giải đấu và trở thành “món nợ” lớn đối với nền kinh tế (như trường hợp Aten 2004 của Hy Lạp). Ngay từ đầu, London đã đặt ra những mục tiêu tham vọng: Một Olympic “xanh” và mang lợi ích xã hội, có hiệu quả lâu dài đối với quá trình đô thị hóa cũng như rèn luyện thể thao.


Chủ tịch Ủy ban tổ chức Luân Đôn 2012, Sebastian Coe, đã rung hồi chuông báo động về thực trạng tập luyện thể thao ở giới trẻ Anh, nhấn mạnh rằng 1/3 trong số họ (30% ở độ tuổi từ 2 - 15) đang bị thừa cân hoặc béo phì. Theo đó, Olympic 2012 đã đóng vai trò “cửa sổ” để khuyến khích giới trẻ Anh tập luyện thể thao trước năm lên 10 hoặc 11 tuổi. Những môn thể thao đồng đội đã được đưa vào các trường học theo hình thức bắt buộc.


Nếu như việc tập luyện thể thao đối với giới trẻ Anh vẫn cần thêm thời gian để đánh giá, thì việc quản lý các trang thiết bị và làm mới bộ mặt đô thị xung quanh các công trình Olympic dường như đã đi đúng hướng.


Đầu tiên, những nỗ lực liên quan đến môi trường của Luân Đôn 2012 đã được ghi nhận: Sử dụng các vật liệu có thể tái chế trong xây dựng, lắp đặt các trang thiết bị có thể tháo rời, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng tới các địa điểm thi đấu.


Ngay sau khi Paralympic khép lại, Công viên Olympic đã mở cửa cho tất cả mọi người tới tham quan. Công viên Olympic được kỳ vọng sẽ trở thành 1 trong 10 địa chỉ thu hút khách du lịch nhiều nhất tại London từ nay tới năm 2020, với hơn 9 triệu khách/năm. Tại khu vực Stratford này cũng cho thuê nhà ở và xuất hiện các cửa hàng trang phục thể thao. Theo Sebastian Coe thì địa điểm này đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của các khu phố khiêm tốn ở Đông Luân Đôn.


Hiện tại, trong số 8 công trình được xây dựng tại Stratford thì chỉ 2 là chưa có tương lai chắc chắn: SVĐ Olympic (đang được đề xuất chuyển giao cho một CLB bóng đá) và Trung tâm báo chí (có thể trở thành một trung tâm thương mại, nếu tình hình kinh tế sáng sủa).


Nhiều địa điểm khác chỉ được xây dựng theo kiểu tạm thời và sẽ được tháo dỡ để có thể “tái chế” ở một nơi khác. Ví dụ như nhà thi đấu bóng rổ có thể sẽ được sử dụng tại Olympic 2016.


Làng VĐV hiện nằm trong dự án chuyển đổi thành 2.800 căn hộ. 5 khu phố mới (8.000 căn hộ) dự kiến cũng sẽ mọc lên tại đây trong vòng 20 năm tới, trong đó 35% sẽ được cho thuê với giá hợp lý. Ở một thành phố nổi tiếng là đắt đỏ về giá thuê nhà và văn phòng, đây thực sự là một kế hoạch tiện ích.



Bảo An (tổng hợp từ BBC và AFP)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN