Xung đột Israel-Hamas gây ‘sốc và kinh hoàng’; xuất hiện điểm chung của các đề xuất về tương lai Gaza

Mặc dù xung đột Israel - Hamas tiếp tục leo thang, gây “sốc và kinh hoàng”, nhưng đã xuất hiện những đề xuất về tương lai Dải Gaza và điểm chung của tất cả các đề xuất tới nay là sự vắng bóng của Hamas trong chính quyền Gaza sau khi cuộc chiến hiện nay kết thúc.

Chú thích ảnh
Người đàn ông bế một em nhỏ bị thương sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 19/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc chiến gây “sốc và kinh hoàng”

Hamas, lực lượng tự nhận mình là "phong trào kháng chiến và giải phóng dân tộc Palestine Hồi giáo", đã giành quyền kiểm soát Dải Gaza sau khi đánh bại Fatah, đảng lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), trong bầu cử năm 2007. Từ đó tới nay, bầu cử không được tổ chức ở Gaza nữa.

Ngày 7/10, các tay súng Hamas bất ngờ tấn công miền Nam Israel, theo chính quyền Israel, đã giết chết ít nhất 1.400 người, trong đó đa phần là dân thường và bắt hơn 240 người về Dải Gaza làm con tin. Các đòn trả đũa của Israel tới nay, theo cơ quan y tế ở Gaza do Hamas kiểm soát, đã khiến hơn 10.000 người chết, trong đó trên 4.100 trẻ em.

Ngoài ra, theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/11, các cuộc tấn công của Israel cũng khiến khoảng 70% trong tổng số khoảng 2,3 triệu dân Gaza bị buộc phải di rời khỏi nhà cửa của mình. Hiện nay, 50% số bệnh viện và 62% số cơ sở y tế ở Gaza không thể hoạt động.

Lãnh đạo của 18 cơ quan Liên hợp quốc, bao gồm các nhà lãnh đạo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… đã “sốc và kinh hoàng” trước số người chết ngày càng tăng do cuộc xung đột này. Giáo hoàng Francis thì cho rằng các cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza, Ukraine và các nơi khác trên thế giới đang hủy hoại tương lai của trẻ em sống ở những nơi đó.

Chú thích ảnh
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống trại tị nạn al-Mughazi ở Deir Balah, Dải Gaza, ngày 5/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Dải Gaza hậu xung đột không có chính quyền của Hamas

Trong quá khứ, Israel đã đụng độ nhiều lần với Hamas (2008 - 2009, 2012 và 2014). Tuy nhiên, sau ngày 7/10, lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo Israel thề tiêu diệt Hamas “một lần vào mãi mãi” nhằm ngăn chặn các vụ tấn công như hôm 7/10 diễn ra trong tương lai. Để thực hiện mục tiêu này, Israel đã khởi động Chiến dịch Những thanh kiếm sắt, thành lập Nội các chiến tranh, huy động khoảng 360.000 quân sự bị, phong toả toàn diện Dải Gaza và tới nay đã tấn công hơn 12.000 mục tiêu của Hamas ở đây theo cả ba hướng: đường không, đường bộ và đường biển.

Tròn một tháng xung đột, vào ngày 6/11, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel sẽ chịu “trách nhiệm chính trị tổng thể” về an ninh của Gaza trong khoảng thời gian không xác định sau khi cuộc chiến với phong trào Hồi giáo Hamas kết thúc. Thủ tướng Netanyahu cũng nhắc lại rằng Israel sẽ không cho phép thực hiện lệnh ngừng bắn cho đến khi tất cả con tin được Hamas thả ra. Tuy nhiên, ông Netanyahu nói ông sẵn sàng tạm ngừng bắn trong thời gian ngắn, ví dụ như một giờ ở chỗ này hoặc chỗ kia để xem xét tình hình nhằm cho phép vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza hoặc để con tin rời đi.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất 5 nguyên tắc cơ bản để định hướng tương lai của Dải Gaza sau khi cuộc chiến Israel-Hamas kết thúc. Các nguyên tắc này gồm: Không có nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố; Không có chính quyền do Hamas lãnh đạo; Không có sự hiện diện an ninh lâu dài của Israel; Không có sự cưỡng bức di dời đối với người Palestine và không có sự phong tỏa kéo dài.

Chú thích ảnh
Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc gặp ở Ramallah, Bờ Tây, ngày 5/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, vào ngày 5/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bất ngờ tới khu Bờ Tây lần đầu tiên và gặp Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas. Theo hãng tin Reuters của Anh, cùng với việc tìm cách đảm bảo xung đột không lan rộng trong khu vực, ông Blinken đang cố gắng khởi động các cuộc thảo luận về cách quản trị Dải Gaza sau khi Hamas bị tiêu diệt hoàn toàn – đây chính là mục tiêu mà Israel đưa ra.

Dẫn tiết lộ của một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, hãng tin Reuters cho biết trong cuộc gặp, ông Blinken đã nói với ông Abbas rằng Chính quyền Palestine nên đóng vai trò trung tâm trong những gì xảy ra tiếp theo ở Dải Gaza. Theo quan chức này, “tương lai của Gaza không phải là trọng tâm của cuộc họp, nhưng Chính quyền Palestine dường như sẵn sàng đóng một vai trò nào đó”.

Còn tại phiên điều trần trước Ủy ban Thẩm định Thượng viện Mỹ hôm 31/10, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nếu Israel thành công trong mục tiêu lật đổ Hamas, Chính quyền Palestine được “hồi sinh” sẽ giành lại quyền kiểm soát Gaza, nhưng các đối tác khu vực và các tổ chức quốc tế có thể đóng vai trò chuyển tiếp. Đó là lần đầu tiên tiên Washington công khai tuyên bố mong muốn Chính quyền Palestine quay trở lại nắm quyền ở Dải Gaza.

Nói tóm lại, dù trong bất cứ đề xuất nào về tương lai Dải Gaza hậu xung đột Israel-Hamas, một chính quyền do Hamas kiểm soát sẽ không tồn tại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh), việc tiêu diệt các thủ lĩnh Hamas có vẻ là câu chuyện tính bằng năm, chứ không phải bằng tháng. Còn việc “xoá sổ Hamas” chắc chắn sẽ khó hơn nhiều.

Thành Nam/Báo Tin tức
Israel mở hành lang sơ tán, hàng nghìn người Gaza chạy nạn về phía Nam
Israel mở hành lang sơ tán, hàng nghìn người Gaza chạy nạn về phía Nam

Cuộc xung đột Israel - Hamas tới nay đã diễn ra được tròn một tháng và phía Bắc Dải Gaza đã trở thành chiến trường. Israel liên tiếp mở hành lang sơ tán và yêu cầu người dân phía Bắc Dải Gaza di chuyển về phía Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN