Ukraine giải thích lý do liệt 3 công ty dầu khí Trung Quốc vào 'danh sách đen' hỗ trợ Nga

Ukraine cho rằng các công ty Trung Quốc “tiếp tục phát triển các dự án chung với Nga và tài trợ cho ngành công nghiệp chiến lược của Moskva thông qua nguồn thuế đáng kể”.

Chú thích ảnh
Ukraine cho rằng các công ty dầu khí Trung Quốc đang hỗ trợ Nga thông qua mở rộng hợp tác với Moskva. Ảnh: Reuters

Theo tờ Pravda châu Âu của Ukraine (epravda.com.ua), Cơ quan Phòng chống Tham nhũng Quốc gia nước này (NAKC) mới đây đã đưa ba công ty dầu khí lớn nhất của Trung Quốc vào danh sách các nhà tài trợ quốc tế cho cuộc xung đột đang diễn ra với Nga, thông qua mở rộng hợp tác năng lượng với Moskva và nộp hàng tỷ USD tiền thuế cho Điện Kremlin.

Nguồn tin trên dẫn thông báo của NAKC cho biết 3 công ty Trung Quốc trên là Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Thông báo nêu lý do: "Cả ba công ty trên tiếp tục phát triển các dự án chung với Nga và tài trợ cho ngành công nghiệp chiến lược của Moskva bằng cách đóng thuế đáng kể”.

Theo NAZK, CNOOC là công ty dầu khí quốc gia lớn thứ 3 của Trung Quốc sau CNPC và Sinopec. Đây còn là nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất của Trung Quốc. Một công ty con của CNOOC, sở hữu 10% dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) 2 nằm trên bán đảo Gydan thuộc vùng Bắc Cực của Nga. Vốn đầu tư cần thiết để khởi động dự án hết công suất ước tính khoảng 21,3 tỷ USD.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine đầu năm 2022, CNOOC đã tiếp tục tích cực mở rộng hợp tác với Nga. Vào tháng 7/2023, “nhà máy nổi” sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng đầu tiên của dự án LNG 2 Bắc Cực đã được hoàn thành và hạ thủy. NAZK nhấn mạnh rằng việc triển khai dự án có thể tăng thị phần của Nga trên thị trường LNG toàn cầu lên 15% từ mức khoảng 8% hiện nay.

Các cơ sở hạ tầng để hóa lỏng khí đốt tự nhiên cho thấy rằng không có sự cô lập nào giữa Nga với phần còn lại của thế giới và công nghệ, như tuyên truyền của phương Tây nói. Việc vận hành một nhà máy như vậy sẽ là "một chiến thắng bác bỏ mọi lời đồn thổi của phương Tây".

Theo NAZK, Sinopec là công ty nhà nước lớn thứ hai của Trung Quốc tham gia khai thác nhiên liệu hóa thạch và chuyên chế biến dầu thô. Cuối tháng 3/2022, đại diện Sinopec cho biết công ty năng lượng nhà nước Trung Quốc này sẽ tiếp tục mua dầu thô và khí đốt từ Nga ngay cả trong trường hợp các lệnh trừng phạt của phương Tây siết chặt hơn.

Tập đoàn Sinopec sở hữu 10% cổ phần của PJSC Sibur Holding, công ty hóa dầu của Nga. Trong nửa đầu năm nay, tập đoàn của Nga này đã nộp số tiền thuế tương đương 347 triệu USD cho ngân sách của Moskva.

Thông qua Sojitz Hong Kong Holding Limited do mình kiểm soát, Sinopec cũng sở hữu 40% cổ phần của Amur Gas Chemical Complex LLC, cũng là một công ty năng lượng Nga. Năm ngoái, công ty này đã nộp số tiền thuế tương đương 30 triệu USD cho ngân sách Nga.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc ( CNPC ) là tập đoàn dầu khí quốc gia lớn nhất Trung Quốc và là một trong những công ty năng lượng lớn nhất toàn cầu về sản xuất dầu khí.

Lợi nhuận của CNPC năm 2022 tăng hơn gấp đôi, lên 21 tỷ USD trong bối cảnh nguồn cung dầu toàn cầu giảm. Tập đoàn này có sự hợp tác đáng kể với các công ty lớn nhất của Nga trong ngành dầu khí, cũng như với Chính phủ Nga, NAZK nêu rõ.

NAZK cáo buộc rằng "bằng cách sở hữu cổ phần trong các công ty ở Nga, CNCP đóng thuế đáng kể cho ngân sách của Điện Kremlin, tạo điều kiện cho Moskva duy trì cuộc xung đột ở Ukraine". Ví dụ: số thuế thu nhập trong dự án chung với Novatek Yamal LNG vào năm 2022 lên tới khoảng 80 tỷ rúp (tương đương 1,14 tỷ USD).

Vào tháng 9/2022, Gazprom và CNPC đã đồng ý chuyển sang thanh toán dịch vụ bằng tiền quốc gia (rúp và nhân dân tệ), điều này củng cố và ổn định đồng rúp của Nga bất chấp các lệnh trừng phạt được áp đặt từ phương Tây.

NAZK nhắc lại rằng Chính phủ Nga, từ ngày 1/1/2023, trong thời hạn 3 năm, đã tăng thuế thu nhập đối với các nhà xuất khẩu LNG từ 20% lên 34%. Điều này có nghĩa là thuế xuất khẩu LNG sẽ tăng gần gấp đôi nhằm bổ sung nguồn thu ngân sách của Nga.

Công Thuận/Báo Tin tức
Ukraine bất ngờ loại ngân hàng Hungary khỏi danh sách 'tài trợ chiến tranh'
Ukraine bất ngờ loại ngân hàng Hungary khỏi danh sách 'tài trợ chiến tranh'

Ngân hàng Hungary OTP bất ngờ được xóa tạm thời khỏi "danh sách đen" của Ukraine để đổi lấy việc Kiev sẽ nhận được nửa tỷ euro từ quỹ viện trợ quân sự EU.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN