EU tiết lộ khoản kinh phí khổng lồ phải chi cho Ukraine sau khi gia nhập

Việc mở rộng EU trong tương lai tạo ra cơ hội, như thị trường nội địa lớn hơn và nhiều ảnh hưởng chính trị hơn trên trường toàn cầu, nhưng cũng đặt ra những thách thức rất lớn liên quan đến các vấn đề về ngân sách.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Zelensky gặp các nhà lãnh đạo EU. Ảnh: EFE/EPA

Việc kết nạp Ukraine vào Liên minh châu Âu (EU) có thể đồng nghĩa với khoảng 186 tỷ euro tiền của EU sẽ chảy vào nước này trong 7 năm, theo một báo cáo đánh giá nội bộ mới nhất của Hội đồng EU.

Đánh giá cho biết thêm, việc mở rộng EU hơn nữa với 6 quốc gia vùng Balkan, cũng như Georgia (Gruzia) và Moldova, sẽ tạo thêm gánh nặng khoảng 74 tỷ euro cho ngân sách EU.

Việc mở rộng sẽ trở thành điểm thảo luận chính trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU vào cuối tuần này tại thành phố Granada của Tây Ban Nha. Liên minh châu Âu đang chuẩn bị mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine và dự kiến ​​sẽ có thông báo chính thức ngay sau tháng 12 tới.

Báo báo của Hội đồng EU, được tờ Financial Times của Anh đưa tin lần đầu tiên, là một phân tích chính thức đầu tiên về ý nghĩa của việc mở rộng trong tương lai đối với ngân sách EU.

Báo cáo cũng nêu ra các cơ hội, chẳng hạn như thị trường nội địa lớn hơn và nhiều ảnh hưởng chính trị hơn trên trường toàn cầu. Nhưng đánh giá cảnh báo về “những thách thức rất lớn” liên quan đến các vấn đề từ ngân sách cho lĩnh vực nông nghiệp của EU, đến pháp quyền và khả năng ra quyết định của khối.

Việc mở rộng trong tương lai có nghĩa là tất cả các nước EU hiện tại “sẽ phải đóng góp nhiều hơn và nhận được ít hơn”. Nhiều quốc gia hiện nhận được nhiều tiền hơn từ EU so với số tiền họ đóng góp.

Báo cáo không đi sâu tính toán chi phí cho từng quốc gia châu Âu, nhưng tập trung vào tác động dự kiến ​​đối với chính sách nông nghiệp và gắn kết của EU. Khi nói đến trợ cấp nông nghiệp của EU, Ukraine sẽ là nước hưởng lợi chính, nhận được 96,5 tỷ euro trong vòng 7 năm.

Đối với nguồn tài trợ gắn kết, mức sống tăng lên ở các nước EU như CH Séc, Estonia, Litva, Slovenia, Síp và Malta có nghĩa là những nước này sẽ không còn đủ điều kiện nhận tiền gắn kết.

Ủy ban Châu Âu ngày 4/10 nhấn mạnh rằng ngân sách tương lai của EU sẽ không chỉ đơn giản phân bổ như hiện tại mà còn cần phải được cải cách, bao gồm cả vấn đề về cách thức huy động tiền và chi tiêu vào đâu.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết: “Như chúng tôi biết từ kinh nghiệm trước đây, tác động của việc mở rộng sẽ phụ thuộc vào nhiều thông số - chẳng hạn như phạm vi, thời gian, thiết kế chính sách - do đó, các tính toán ở giai đoạn này không nói lên nhiều điều, theo quan điểm của chúng tôi”.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo politico.eu)
EU đạt thỏa thuận cắt giảm siêu khí nhà kính 
EU đạt thỏa thuận cắt giảm siêu khí nhà kính 

Ngày 5/10, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí một thỏa thuận về cắt giảm việc sử dụng siêu khí nhà kính trong tủ lạnh và máy điều hòa, một phần trong kế hoạch tổng thể của khối này nhằm hạn chế phát thải khí CO2 và bảo vệ môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN