Trung Quốc đạt bước đột phá với tham vọng năng lượng hydro

Việc hoàn thành thử nghiệm tàu đô thị chạy bằng hydro mới đây đã đánh dấu bước đột phá của Trung Quốc trong việc ứng dụng năng lượng hydro vào lĩnh vực vận tải đường sắt.

Chú thích ảnh
Cuộc thử nghiệm lần này đã xác minh đoàn tàu có thể hoạt động ở nhiệt độ từ -25 độ C đến 35 độ C, đáp ứng các yêu cầu thiết kế và đạt tiêu chuẩn đẳng cấp hàng đầu quốc tế. Ảnh: France-hydrogen

Đoàn tàu do công ty xe khách đường sắt Trường Xuân thuộc Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CRRC) phát triển. Tàu gồm 4 toa và có tốc độ vận hành tối đa 160 km/h.

Không giống các đoàn tàu truyền thống dựa vào nhiên liệu hóa thạch, hoặc hệ thống dây điện để cung cấp năng lượng, tàu đô thị đang được Trung Quốc thử nghiệm có hệ thống năng lượng hydro tích hợp, có thể cung cấp nguồn năng lượng mạnh và lâu dài.

Được biết, giao thông đô thị sử dụng hydro có ưu điểm sạch và bảo vệ môi trường, vận hành và bảo trì đơn giản, thời gian xây dựng ngắn và đầu tư cố định thấp, cùng các đặc điểm như tốc độ cao, khối lượng vận chuyển lớn, an toàn và thông minh.

Theo những người trong ngành, việc hoàn thành thử nghiệm tàu đô thị chạy bằng hydro đánh dấu bước đột phá của Trung Quốc trong việc ứng dụng năng lượng hydro vào lĩnh vực vận tải đường sắt.

Tuy nhiên, theo truyền thông nhà nước, sự thành công này chứng tỏ tiến bộ của quốc gia trong công nghệ xanh và đánh dấu một bước quan trọng trong việc thương mại hóa các phương án giao thông sạch hơn.

Đồng thời, Trung Quốc, một trong những quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới, cũng tăng cường nỗ lực để đạt mục tiêu phát thải quốc gia cao nhất vào năm 2030 và chuyển sang nền kinh tế xanh hơn, ít carbon hơn.

Việc phát triển tàu cao tốc chạy bằng hydro với tốc độ hành trình ít nhất 250 km/h đã được đưa vào danh sách quốc gia về các dự án R&D trọng điểm vào cuối năm 2023.

Trong khi đó, Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc cho biết vào tháng 1 rằng họ đang nghiên cứu nguyên mẫu của tàu nhanh nhất thế giới - có khả năng đạt vận tốc 450km/h.

Cam kết đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm giảm dần lượng khí thải, hướng tới trung hòa carbon vào năm 2060, đã được Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết trong bài phát biểu năm 2020 tại Liên Hợp Quốc. Nhưng mục tiêu này đã gây ra mối lo ngại về việc giảm sản xuất và dịch vụ sử dụng nhiều carbon của Trung Quốc, đẩy họ tập trung hơn vào phát triển năng lượng tái tạo.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Liên minh Năng lượng Hydro Trung Quốc, tại kỳ họp “Lưỡng hội” các địa phương hồi đầu năm, chính quyền của 22/31 đơn vị hành chính cấp tỉnh của nước này đã đưa năng lượng hydro vào báo cáo công tác năm 2024.

Theo tính toán của viện này, đến năm 2025, giá trị sản lượng của ngành năng lượng hydro Trung Quốc dự kiến đạt 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 138,7 tỷ USD).

Trung Quốc, vốn đang đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu, coi hydro là một trong những phương tiện mới để nuôi dưỡng các công nghệ và ngành công nghiệp non trẻ, bên cạnh những tiến bộ về năng lượng mặt trời, trang trại gió, xe điện, pin lithium và điện khí hóa phương tiện giao thông.

Trung Quốc hiện đã là nhà sản xuất hydro lớn nhất thế giới nhờ sức mạnh của ngành công nghiệp hóa chất và năng lực lọc dầu.

Trung Quốc đã công bố kế hoạch phát triển hydro cấp quốc gia đầu tiên vào năm 2022, dự kiến sẽ sử dụng rộng rãi hơn xe lửa, ô tô, xe tải và tàu thủy hydro, cũng như 100.000 đến 200.000 tấn “hydro xanh” được sản xuất hàng năm vào năm 2025 bằng cách sử dụng điện từ các nguồn tài nguyên tái tạo.

Cơ quan Năng lượng Quốc gia cũng chú trọng đến việc đổi mới hydro, ứng dụng, sản xuất xanh và mở rộng các kịch bản ứng dụng trong kế hoạch công tác năm 2024 được công bố hôm 18/3.

Để đạt được mục tiêu đó, CRRC đã nói rằng các chuyến tàu chạy bằng hydro chạy 500km mỗi ngày có thể giảm hơn 10.000kg lượng khí thải carbon dioxide mỗi năm.

Tuy nhiên, các dự án mới đang được triển khai đã làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng dư thừa công suất, do nhu cầu thương mại vẫn chưa được thúc đẩy và vẫn còn những rào cản hiện hữu.

Theo Wang Dandong, một nhà nghiên cứu hóa học tại Đại học Chiết Giang cho biết, việc lưu trữ và vận chuyển hydro tốn kém và không hoàn toàn an toàn. Hầu hết hydro sản xuất ở Trung Quốc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và gặp vấn đề về kỹ thuật và chi phí liên quan đến sản xuất khí đốt từ năng lượng tái tạo.

Lauri Myllyvirta, một nhà phân tích hàng đầu tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch, cho biết dự kiến lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc sẽ giảm vào năm 2024. Điều này có thể là bền vững nhờ vào việc tăng cường lắp đặt các nguồn năng lượng carbon thấp mới, như điện gió và năng lượng mặt trời.

Nhật Linh/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Cơ hội của các hãng điện thoại Trung Quốc khi bước chân vào thị trường ô tô điện
Cơ hội của các hãng điện thoại Trung Quốc khi bước chân vào thị trường ô tô điện

Không chỉ các hãng xe hơi đang đầu tư cho ô tô điện, ngay cả các nhà sản xuất điện thoại lớn trên thế giới như Apple, Xiaomi… cũng đã dành công sức và nguồn lực vào lĩnh vực này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN