Kênh CNN (Mỹ) cho biết phát biểu của một nhân vật cấp cao tại Trung Đông đã phản ánh sự vô vọng về đối đầu này. Cố vấn ngoại giao của lãnh đạo Các Tiểu Vương Quốc Arab Thống nhất (UAE)-ông Anwar Gargash đánh giá: “Điều chúng tôi lo lắng là ranh giới mỏng manh giữa cạnh tranh kịch liệt và cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Bởi vì tôi cho rằng với vai trò một nước nhỏ, chúng tôi sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi điều này nhưn không có khả năng tác động đến cuộc cạnh tranh”.
Ông Anwar Gargash đồng thời xác nhận các thông tin rằng UAE, vốn là đồng minh chiến lược của Mỹ tại khu vực, đã đóng cửa một công trình Trung Quốc bởi Washington nghi ngờ rằng nơi đây được sử dụng như một căn cứ quân sự. Ông Anwar Gargash nhấn mạnh rằng UAE không đồng tình với đánh giá của Mỹ về công trình này nhưng đơn giản muốn tránh gây bất bình cho đồng minh chiến lược.
Nhưng Mỹ không toàn thắng trong nỗ lực giành lấy ảnh hưởng tại UAE. Vài ngày sau phát biểu của ông Gargash, Abu Dhabi đã ngưng hợp đồng nhiều tỷ USD mua tiêm kích F-35 do Mỹ sản xuất. Mỹ đã đưa ra điều kiện giao dịch là UAE phải loại tập đoàn Huawei của Trung Quốc khỏi hệ thống viễn thông nước này. Washington cáo buộc công nghệ của Huawei gây rủi ro an ninh cho hệ thống vũ khí Mỹ. Abu Dhabi lại không đồng tình.
Đây được coi là sự kiện cho thấy không chỉ riêng UAE mà cả khu vực Trung Đông nơi Trung Quốc đẩy mạnh mối quan hệ thương mại, sự ảnh hưởng lâu dài của Mỹ có thể dần kết thúc.
Khu vực Trung Đông đã chịu nhiều căng thẳng địa chính trị kể từ khi phương Tây tạo ảnh hưởng đến nơi này cách đây một thế kỷ. Nhưng Trung Đông đối mặt với tình trạng bạo lực hiếm có trong thập niên 2010 khi xung đột xảy ra ở nhiều quốc gia như Syria, Yemen, Libya và Iraq. Đây cũng là thời kỳ có nhiều thay đổi chính trị bởi Mỹ giảm ưu tiên vào Trung Đông để tập trung đối trọng với Trung Quốc. Bắc Kinh trong khi đó hình thành đối tác kinh tế diện rộng với Tehran và Riyadh. Trung Quốc coi Trung Đông là đối tác chính trong sáng kiến Vành đai, Con đường.
Ông Jonathan Fulton tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) nhận định: “Viễn cảnh là khi cường quốc này tưởng chừng như đang rời đi thì bạn có Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu. Khu vực này giống như một nơi của cạnh tranh”.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá Trung Đông có thể không còn lựa chọn nào ngoài việc nhận cà rốt của Trung Quốc ngay cả khi phải đối mặt với cây gậy của Mỹ. Ông Fulton nhận định đó sẽ là điều xảy ra trong thế kỷ tới.
Vào giai đoạn đầu sụt giảm tài chính tại Lebanon năm 2020, Mỹ đã tạo áp lực để Beirut không tìm đến Bắc Kinh thu hút đầu tư. Đại sứ Mỹ tại Lebanon khi đó Dorothy Shea còn lên truyền hình cảnh báo về nguy hiểm của “bẫy nợ Trung Quốc”. Chính phủ của Thủ tướng Lebanon khi đó Hassan Diab đã thuận theo áp lực từ Mỹ.
Ông Tin Hinane El Kadi tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) phân tích: “Áp lực của Mỹ đã gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ giai đoạn đầu sáng kiến Vành đai, Con đường năm 2013. Tuy nhiên, trong chính trị quốc tế, bạn chỉ có thể gây áp lực lên các quốc gia khi có quyền lực lớn và công cụ để thực sự đưa ra được thỏa thuận khác”.
Ông El Kadi cho rằng nếu Mỹ thực sự muốn gây áp lực lên các quốc gia khác và chiến thắng cái gọi là cuộc chiến tranh Lạnh mới này thì Washington cần đưa ra các dự án thực và tránh xa khỏi cách xử sự rời rạc.
Ông bổ sung rằng việc các quốc gia vẫn có nhiều lựa chọn và khoản vay có thể nhận từ nhiều nguồn là điều tốt. Theo ông, có nhiều lựa chọn trên trường quốc tế là điều tốt đẹp cho Trung Đông và ổn định của khu vực này.