Thông điệp xóa bỏ phân biệt chủng tộc từ các lớp dạy bơi miễn phí cho người da màu

Aiden Reed, 10 tuổi, từ một cậu bé người Mỹ da màu nhút nhát, sợ hãi khi nghĩ đến việc bơi trong nước nay đã can đảm hơn để đến theo học lớp dạy bơi của Swim Up. Lớp em đang học hiện có 9 bạn, trong đó 8 bạn là người Mỹ gốc châu Phi.

Chú thích ảnh
Trẻ em da màu học bơi miễn phí tại lớp dạy bơi của Swim Up ở Washington, DC, Mỹ, ngày 12/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) tại Mỹ, nhóm trẻ em da màu trong độ tuổi từ 5 - 9 có tỷ lệ chết đuối cao hơn 2,6 lần so với trẻ em da trắng cùng lứa tuổi. Với nhóm trẻ từ 10 - 14, tỷ lệ chết đuối cao hơn 3,6 lần so với nhóm còn lại. Theo Hiệp hội bơi lội Mỹ, khoảng 64% trẻ em da màu tại nước này chưa bơi thành thạo hoặc chưa biết bơi trong khi tỷ lệ này ở nhóm trẻ em da trắng là 40%.

Một trong những tai nạn đáng tiếc nhất chỉ ra hậu quả của thực trạng này là thảm kịch xảy ra tại Shreveport, Louisiana hồi tháng 8/2020. Thiếu niên da màu DeKendrix Warner lội qua một vùng nước nông trên một dòng sông bên cạnh khu tổ chức tiệc nướng mà em cùng các bạn tham gia. Warner sau đó bị trượt chân và rơi xuống vùng nước sâu hơn và không hề biết bơi. Sáu người bạn, độ tuổi 13 - 18, đã tìm cách cứu DeKendrix Warner nhưng tất cả đều không biết bơi. Một người đi qua đã cứu được Warner nhưng cả 6 em còn lại đã chết đuối.

Từ thực trạng này, tổ chức phi lợi nhuận "Swim Up" tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí tại Washington nhằm giúp đỡ những người Mỹ gốc châu Phi rèn luyện kỹ năng bơi lội.

Chú thích ảnh
Trẻ em da màu học bơi miễn phí tại lớp dạy bơi của Swim Up ở Washington, DC, Mỹ, ngày 12/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Ở Mỹ, không có quy định liên bang nào yêu cầu các trường học phải tổ chức các lớp dạy bơi. Theo các nhà hoạt động và nhà sử học, việc có rất nhiều trẻ em da màu tại Mỹ không biết bơi bắt nguồn từ lịch sử nô lệ và phân biệt chủng tộc. Theo Ebony Rosemond, Giám đốc điều hành của tổ chức Black Kids Swim chuyên hỗ trợ trẻ em da màu học bơi, trong lịch sử, các chủ sở hữu nô lệ tin rằng những người nô lệ châu Phi sẽ tìm cách trốn thoát nếu có kỹ năng bơi. Do đó, việc có thể khiến người nô lệ sợ môi trường nước hoặc không dám học bơi chính là cách để các chủ nô lệ đảm bảo lợi ích của mình.

Theo nhà sử học Jeff Wiltse, từ Đại học Montana, khi phong trào chống phân biệt chủng tộc dâng cao, các tòa án đã yêu cầu các thành phố cho phép người da màu đến sử dụng các bể bơi công cộng nhưng rất nhiều nơi, đặc biệt là ở miền Nam, đã chọn cách đóng cửa các bể bơi thay vì thực hiện yêu cầu trên. Chính sự phân biệt này đã hạn chế khả năng tiếp cận với các kỹ năng bơi lội của người da màu tại Mỹ.

Chú thích ảnh
Trẻ em da màu học bơi miễn phí tại lớp dạy bơi của Swim Up ở Washington, DC, Mỹ, ngày 12/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện nay, có rất nhiều sáng kiến nhằm thay đổi thực trạng trên, ví dụ  như "Swim Up". Trẻ em da màu tham gia các lớp học của tổ chức này được khuyến khích mạnh dạn tiếp xúc với môi trường nước, được hướng dẫn các kỹ năng theo từng bước. Nhờ tham gia lớp học, Aiden giờ không còn sợ nước nữa và có thể tự nổi một cách dễ dàng.

Mary Bergstrom, đồng sáng lập "Swim Up", cho biết các lớp học đã giúp khoảng 100 trẻ em biết bơi hoặc ít nhất là hết sợ nước. Mục tiêu sau cùng mà tổ chức này hướng tới là đưa các khóa học bơi vào các trường học, như một phần trong chương trình giảng dạy để thay đổi thực trạng nêu trên.

Lê Ánh (TTXVN)
 'Chấm dứt phân biệt chủng tộc. Xây dựng hòa bình'
'Chấm dứt phân biệt chủng tộc. Xây dựng hòa bình'

Chủ đề của Ngày Quốc tế Hòa bình năm 2022 là “Chấm dứt phân biệt chủng tộc. Xây dựng hòa bình”.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN