Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen hết hạn, giá lương thực lại leo thang?

Các lô hàng ngũ cốc của Ukraine đã bị đình trệ trước khi thỏa thuận Biển Đen với Nga hết hạn vào tháng này, khiến nguồn cung lương thực đến châu Á trở nên bấp bênh và có nguy cơ đẩy giá cả lên cao.

Chú thích ảnh
Nông dân Ukraine thu hoạch ngũ cốc tại Odesa. Ảnh: EPA-EFE

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian một năm trước, cho phép Ukraine xuất khẩu an toàn hàng hóa nông sản từ các cảng biển của mình trong bối cảnh xung đột với Nga. Thế nhưng, Điện Kremlin mới đây tuyên bố không có cơ sở để gia hạn thỏa thuận này sau ngày 18/7.

Alex Lissitsa, Giám đốc điều hành tại công ty nông nghiệp IMC cho biết: “Các chuyến hàng nông sản của chúng tôi đã ngừng hoàn toàn trong 14 ngày qua do chính quyền Nga đã ngừng kiểm tra các lô hàng của chúng tôi để xuất khẩu”.

IMC sở hữu 120.000 héc-ta đất ở Ukraine gần biên giới Nga để trồng ngô, lúa mì và hướng dương. Công ty thường xuất khẩu một nửa sản lượng ngô sang Trung Quốc cũng như vận chuyển sản phẩm đến Pakistan, Ấn Độ và Bangladesh.

Khoảng 90% hàng xuất khẩu nông nghiệp của đất nước Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá này được chuyển qua cảng biển Odesa theo thỏa thuận Biển Đen. Tuy nhiên, chính quyền Nga sẽ chỉ cho phép hàng hóa nông nghiệp đi qua sau bước kiểm tra.

Thỏa thuận “phao cứu sinh”

Liên hợp quốc cho biết thỏa thuận Biển Đen là “phao cứu sinh cho an ninh lương thực” vì nó cho phép xuất khẩu 32 triệu tấn ngũ cốc tới 45 quốc gia trên ba lục địa.

Bà Julia Bereshchenko, người phụ trách kinh doanh bền vững tại Astarta - một trong những công ty nông nghiệp lớn nhất ở Ukraine - cho biết khối lượng vận chuyển đã giảm kể từ tháng 2/2023. Vào tháng trước, con số này là khoảng 25% trong số 7,3 triệu tấn được gửi đi vào tháng 1 năm ngoái, trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. 

Bà Bereshchenko nói việc chấm dứt thỏa thuận Biển Đen có nghĩa là gần một nửa số lúa mì và ngô do 4.500 nhà sản xuất nhỏ lẻ của Ukraine có thể bị thối rữa trên cánh đồng vì thiếu khả năng lưu trữ và cần phải bán ngay lập tức. Lúa mì thường được thu hoạch vào tháng 7 và thu nhập từ việc bán lúa mì giúp nông dân chuẩn bị cho mùa trồng trọt tiếp theo, bắt đầu vào mùa thu.

Xung đột đang diễn ra đồng nghĩa với việc khoảng 20% đất đai của Ukraine không thể trồng trọt, làm giảm sản lượng nông nghiệp của nước này trong năm nay xuống còn khoảng 80 triệu tấn ngũ cốc và hạt có dầu so với 100 triệu tấn trước đó.

Chú thích ảnh
Vận chuyển ngũ cốc đã thu hoạch tại Ukraine. Ảnh: EPA-EFE

Thế nhưng, tình hình sụt giảm nghiêm trọng trong tiêu dùng trong nước - hậu quả của việc người dân di cư ồ ạt – bắt buộc nước này phải xuất khẩu 50 - 60 triệu tấn nông sản ra nước ngoài. Ngoài ngô xuất khẩu sang Trung Quốc, Ukraine còn là nhà cung cấp lúa mì, dầu hướng dương và đậu nành quan trọng cho Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và nhiều quốc gia châu Á khác.

“Chúng tôi có thể xuất khẩu một triệu tấn mỗi tháng qua đường sắt, nhưng như vậy là không đủ”, bà Bereshchenko nói, đồng thời giải thích thêm rằng Ukraine sử dụng hệ thống đường sắt rộng hơn so với các quốc gia láng giềng như Ba Lan và Romania nên việc vận chuyển hàng hóa bị cản trở. Trong khi đó, chi phí vận tải đường bộ, vào khoảng 100 USD/tấn, đắt gấp đôi so với vận tải đường biển.

Nông dân Ukraine sẽ không có lãi khi trồng ngô và lúa mì nếu họ phải trả chi phí vận chuyển cao như vậy. Họ đã bắt đầu giảm diện tích trồng ngô và lúa mì để chuyển sang các loại cây trồng khác. Nếu thỏa thuận Biển Đen không được gia hạn, thì sản lượng vụ lúa mì và ngô sẽ còn thấp hơn nữa.

Cơ hội để Nga gia hạn thỏa thuận Biển Đen có thể phụ thuộc vào việc liệu các quốc gia phương Tây có đồng ý với đề nghị rằng ngân hàng nông nghiệp của Nga phải được kết nối lại với hệ thống chuyển tiền Swift toàn cầu.

Tờ Financial Times đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét đề xuất cho phép ngân hàng Rosselkhozbank của Nga thành lập công ty con để kết nối với Swift, nhưng Moskva đã bác bỏ đề xuất này vì tin rằng nó "không khả thi" do cần đến vài tháng để thành lập.

Giá lương thực cao hơn

Moskva cũng phản đối việc gia hạn thỏa thuận vì cho rằng hàng hóa nông nghiệp của Ukraine đã chảy đến “các quốc gia đủ đầy” và 5 trong số các quốc gia nghèo nhất – Ethiopia, Sudan, Yemen, Somalia và Afghanistan – chỉ chiếm khoảng 1/4 lượng hàng hóa được vận chuyển. 

“Tôi cho rằng thỏa thuận ngũ cốc sẽ không được gia hạn. Kể từ khi đường ống dẫn khí amoniac Togilattle-Odesa bị nổ tung vào đầu tháng 6, khả năng đó trở nên rất ít ỏi”, nhà phân tích Viktor Katona tại công ty dữ liệu hàng hóa Kpler nhận định. 

Đường ống Togilattle-Odesa thuộc loại lớn nhất trên thế giới, vận chuyển amoniac từ một nhà máy hóa dầu ở thành phố Togliatti, miền nam nước Nga đến Odesa ở Ukraine cho các thị trường châu Âu. Nó đã bị phá hủy bởi vào tháng 6 trong một loạt vụ đốt phá và tấn công nhằm vào tài sản của Nga.

Các mô hình giá hàng hóa trên thị trường tài chính cho thấy giao dịch ngũ cốc đã trở thành “contango” - khi giá tương lai của một loại hàng hóa cao hơn giá giao ngay. Đây là một dấu hiệu cho thấy các nhà giao dịch đang chuẩn bị cho khả năng thỏa thuận ngũ cốc đó bị sụp đổ và thị trường thắt chặt hơn.

Nhà phân tích Katona cho biết nếu những mối lo ngại tồi tệ nhất của thị trường trở thành sự thật, châu Á sẽ nhận thấy tác động rõ rệt vì khu vực này chiếm khoảng 1/4 xuất khẩu đường biển của Ukraine, mặc dù tác động có thể khác nhau giữa các quốc gia.

Các nhà phân tích cho biết Nga, quốc gia đã gặt hái được một vụ lúa mì bội thu và sắp sửa thu hoạch một vụ lúa mì khác, có thể hành động để bù đắp lỗ hổng đó bằng cách cung cấp cho một số quốc gia nhất định, chẳng hạn như các quốc gia ở Châu Phi, để giành được sự ủng hộ tại Liên hợp quốc.

“Nga không thể thay thế hoàn toàn lượng ngũ cốc từ Ukraine nếu thỏa thuận sụp đổ. Tuy nhiên, họ có thể xuất khẩu một số lượng đáng kể”, ông Cedomir Nestrovic, giáo sư địa chính trị tại Trường Kinh doanh ESSEC châu Á - Thái Bình Dương lưu ý.

Tình trạng trên sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia ở châu Á, đặc biệt là khi điều kiện thời tiết El Nino nóng hơn đã làm gián đoạn những cơn mưa lớn rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp. Ví dụ, lượng mưa ở Thái Lan trong mùa mưa năm nay sẽ thấp hơn 10% so với bình thường.

Ông G. Chandrashekhar, nhà bình luận chính sách độc lập, cho hay những đợt nắng nóng gay gắt cũng làm giảm sản lượng lúa mì ở Ấn Độ, một trong những nhà sản xuất ngũ cốc lớn nhất châu Á, và nước này có thể chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước sau vụ thu hoạch. Ông nói thêm rằng sự khởi đầu của El Nino có thể kéo dài tình trạng khó khăn của quốc gia Nam Á này.

Ông Chandrashekhar dự báo giá của mặt hàng ngũ cốc và dầu ăn trên toàn cầu có thể sẽ tăng trừ khi Nga và Ukraine gia hạn thỏa thuận Biển Đen.

“Lạm phát lương thực sẽ vẫn ở mức cao. Thủy triều dâng sẽ nâng tất cả các con thuyền lên”, ông nói thêm về ảnh hưởng chung đến an ninh lương thực.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Người dân ở thành phố lớn nhất Nam Phi đón đợt tuyết rơi hiếm có sau 11 năm
Người dân ở thành phố lớn nhất Nam Phi đón đợt tuyết rơi hiếm có sau 11 năm

Cư dân của Johannesburg, thành phố lớn nhất Nam Phi, đã bất ngờ trước đợt tuyết rơi đầu tiên trong hơn một thập kỷ. Đây cũng là lần đầu tiên một số trẻ em trong khu vực nhìn thấy tuyết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN