Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra ‘yêu cầu bắt buộc’ để Thụy Điển trở thành thành viên NATO

Stockholm phải thực hiện các bước bổ sung chống lại các nhóm khủng bố và bài Hồi giáo nếu muốn Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ gia nhập NATO.

Chú thích ảnh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và lãnh đạo các nước Thụy Điển, Phần Lan tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid năm 2022. Ảnh: AP

Phát biểu sau cuộc họp nội các ngày 3/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng nước ông vẫn chưa sẵn sàng cho phép Thụy Điển gia nhập khối NATO với cáo buộc Stockholm che chở cho các chiến binh khủng bố và tạo điều kiện cho các hành động thù hận sắc tộc chống lại người Hồi giáo.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên án cuộc biểu tình đốt kinh Koran được tổ chức tại thủ đô Thụy Điển vào tuần trước, coi đó là một "cuộc tấn công hèn nhát" vào Hồi giáo. Ông tiếp tục lên án lập trường của Thụy Điển đối với các nhóm người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố, đồng thời khẳng định Ankara không thể phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu này cho đến khi họ có hành động phù hợp.

"Chúng tôi đã nói rõ rằng cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố và bài Hồi giáo là lằn ranh đỏ và các nước phải chấp nhận rằng tình bạn vớiThổ Nhĩ Kỳ không thể giành được bằng cách hỗ trợ khủng bố hoặc tạo không gian cho những kẻ khủng bố", ông Erdogan chỉ rõ.

Ankara cáo buộc Stockholm từ chối bàn giao "những kẻ khủng bố" từ Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và các nhóm liên quan khác, vốn đã bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Mặc dù các nhà lãnh đạo NATO bày tỏ hy vọng có thể phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển trước Hội nghị Thượng đỉnh thường niên ở Lithuania vào cuối tháng này, song đến nay Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn từ chối chấp thuận. Khối quân sự do Mỹ dẫn đầu đòi hỏi sự đồng thuận từ tất cả các thành viên để một quốc gia mới có thể gia nhập.

Trung lập trong các vấn đề thế giới kể từ năm 1815, Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO cùng với nước láng giềng phía Đông là Phần Lan sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022. Trước khi Stockholm và Helsinki nộp đơn vào tháng 5/2022, nhiều nhà quan sát đã kỳ vọng rằng hai quốc gia sẽ chứng kiến một sự chấp nhận nhanh chóng của tất cả các thành viên.

Tuy nhiên, đã có sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Ankara đã tuyên bố rằng hai quốc gia - đặc biệt là Thụy Điển - đang “chứa chấp các thành viên - những người tuyển dụng và gây quỹ cho những gì họ cho là các nhóm khủng bố”. Ngoài Đảng Công nhân người Kurd (PKK) nằm trong danh sách khủng bố của nhiều nước châu Âu và Mỹ, các nhóm khác bao gồm Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD), đồng minh chính của Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tại Syria, cũng như những tín đồ của nhà truyền giáo Fethullah Gulen ở Mỹ. Ông Gulen bị Ankara cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi dỡ bỏ lệnh cấm bán một số loại vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ - một trong số yêu cầu mà Ankara đưa ra để đổi lấy việc hai nước Bắc Âu gia nhập NATO – Phần Lan đã trở thành thành viên của liên minh này vào đầu tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trì hoãn tư cách thành viên NATO của Thủy Điển, vốn đòi hỏi có sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên NATO.

Phía Thụy Điển ban đầu nhận thấy kỳ vọng của Thổ Nhĩ Kỳ là không thể đáp ứng và cảm thấy yêu cầu của Ankara vượt ra ngoài thỏa thuận mà Thụy Điển và Phần Lan đã đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid của NATO vào năm ngoái, theo đó các quốc gia Bắc Âu cam kết giải quyết các mối quan ngại về an ninh của Ankara. Nhưng gần đây, để đáp ứng với một phần của thỏa thuận, Thụy Điển đã thông qua luật chống khủng bố mới, sửa đổi hiến pháp và mới nhất là cắt viện trợ cho PYD.

Trong khi đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi các cuộc biểu tình ở Thụy Điển của các nhà hoạt động người Kurd là sự ủng hộ cho các nhóm người này. Ankara cũng hy vọng rằng Thụy Điển nên dẫn độ các thành viên PKK và những tín đồ theo chủ nghĩa Gulen sang Thổ Nhĩ Kỳ, một yêu cầu khó có thể đáp ứng từ quốc gia Bắc Âu trên.

Hoài Nam/Báo Tin tức (Theo RT)
Lãnh đạo Mỹ và Thụy Điển sẽ thảo luận về tư cách thành viên NATO
Lãnh đạo Mỹ và Thụy Điển sẽ thảo luận về tư cách thành viên NATO

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson vào ngày 5/7 tới, thảo luận về hợp tác an ninh giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN