Giải mã thế bế tắc 3 bên giữa Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển về mở rộng NATO

Bất chấp một số tiến bộ gần đây, sự bế tắc trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ - Thụy Điển có thể sẽ khiến quốc gia Bắc Âu này không sớm gia nhập NATO.

Chú thích ảnh
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bất đồng về thương vụ F-16. Ảnh: Reuters

Theo nhận định của Barin Kayaoglu, Giáo sư Lịch sử Thế giới tại Đại học Mỹ ở Iraq, Sulaimani (AUIS) và là học giả tại Viện Trung Đông (MEI) ở Washington ngày 18/6, tư cách thành viên NATO đang chờ thông qua của Thụy Điển dường như bị mắc kẹt giữa các lập trường không khoan nhượng của Ankara, Stockholm và Washington.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên định với lập trường của mình liên quan đến việc gia nhập NATO của Thụy Điển, chưa rõ liệu quốc gia Bắc Âu này có trở thành thành viên của liên minh quân sự trên như kỳ vọng của Washington và phần lớn các thành viên của khối trước hội nghị thượng đỉnh thường niên của họ ở Litva vào ngày 11-12/7 tới hay không.

Trung lập trong các vấn đề thế giới kể từ năm 1815, Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO cùng với nước láng giềng phía Đông là Phần Lan sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022. Trước khi Stockholm và Helsinki nộp đơn vào tháng 5/2022, nhiều nhà quan sát đã kỳ vọng rằng hai quốc gia sẽ chứng kiến một sự chấp nhận nhanh chóng của tất cả các thành viên.

Tuy nhiên, đã có sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Ankara đã tuyên bố rằng hai quốc gia - đặc biệt là Thụy Điển - đang “chứa chấp các thành viên - những người tuyển dụng và gây quỹ cho những gì họ cho là các nhóm khủng bố”. Ngoài Đảng Công nhân người Kurd (PKK) nằm trong danh sách khủng bố của nhiều nước châu Âu và Mỹ, các nhóm khác bao gồm Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD), đồng minh chính của Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tại Syria, cũng như những tín đồ của nhà truyền giáo Fethullah Gulen ở Mỹ. Ông Gulen bị Ankara cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi dỡ bỏ lệnh cấm bán một số loại vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ - một trong số yêu cầu mà Ankara đưa ra để đổi lấy việc hai nước Bắc Âu gia nhập NATO – Phần Lan đã trở thành thành viên của liên minh này vào đầu tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trì hoãn tư cách thành viên NATO của Thủy Điển, vốn đòi hỏi có sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên NATO.

Phía Thụy Điển ban đầu nhận thấy kỳ vọng của Thổ Nhĩ Kỳ là không thể đáp ứng và cảm thấy yêu cầu của Ankara vượt ra ngoài thỏa thuận mà Thụy Điển và Phần Lan đã đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid của NATO vào năm ngoái, theo đó các quốc gia Bắc Âu cam kết giải quyết các mối quan ngại về an ninh của Ankara. Nhưng gần đây, để đáp ứng với một phần của thỏa thuận, Thụy Điển đã thông qua luật chống khủng bố mới, sửa đổi hiến pháp và mới nhất là cắt viện trợ cho PYD.

Trong khi đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi các cuộc biểu tình ở Thụy Điển của các nhà hoạt động người Kurd là sự ủng hộ cho các nhóm người này. Ankara cũng hy vọng rằng Thụy Điển nên dẫn độ các thành viên PKK và những tín đồ theo chủ nghĩa Gulen sang Thổ Nhĩ Kỳ, một yêu cầu khó có thể đáp ứng từ quốc gia Bắc Âu trên.

Theo Paul Levin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Đại học Stockholm, triển vọng Thụy Điển gia nhập NATO trước hội nghị thượng đỉnh thường niên là rất mờ mịt. “Cơ hội để Thụy Điển trở thành thành viên NATO ở Vilnius đang trở nên mong manh sau tuyên bố gần đây của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Thụy Điển khó có thể thay đổi truyền thống lâu đời về bảo vệ quyền tự do ngôn luận”, ông Levin nói.

“Vì vậy, tôi đoán rằng câu hỏi chủ yếu hiện nay là liệu các cuộc đàm phán về thương vụ F-16 giữa Ankara và Quốc hội Mỹ có thể thành công hay không. Quốc hội Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển trước khi chấp thuận thương vụ F-16. Trong khi đó, Ankara muốn có máy bay chiến đấu trước khi để Thụy Điển gia nhập NATO”, ông Levin lưu ý.

Chú thích ảnh
Từ trái sang: Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề đối ngoại Anh James Cleverly, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom, Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt tại cuộc họp ở Na Uy ngày 1/6/2023. Ảnh: AFP

Mỹ đã cấm Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình máy bay chiến đấu F-35 để phản ứng với việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất. Trong nỗ lực đảm bảo các hoạt động của lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara tuyên bố ý định sử dụng khoản tiền 1,4 tỷ USD mà Thổ Nhĩ Kỳ đã trao cho Mỹ để mua F-35 chuyển sang mua F-16 nâng cấp vào cuối năm 2021. Khi vấn đề tư cách thành viên NATO của Thụy Điển được đưa ra vào năm 2022, Quốc hội Mỹ đã bổ sung thêm yêu cầu rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần chấp thuận Thụy Điển gia nhập liên minh như một điều kiện để bán F-16.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ thấy điều kiện trên là không thể chấp nhận được. Một quan chức cấp cao trong cơ qua chính sách đối ngoại và an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, nói với điều kiện giấu tên, nhắc lại lập trường của Ankara rằng Stockholm đã không thực hiện những cam kết mà họ đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Madrid năm ngoái, bao gồm cả việc dẫn độ các thành viên PKK và những người theo chủ nghĩa Gulen cũng như hạn chế các hoạt động của họ ở Thụy Điển.

Quan chức này nêu rõ: “Việc liên kết tư cách thành viên NATO của Thụy Điển với sự thành công của hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius sắp tới hoặc thương vụ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đều không công bằng và không liên quan. Chúng tôi không đồng ý với quan điểm rằng Thụy Điển đã làm những gì họ phải làm. Họ đang có một số tiến bộ. Họ đang đi đúng hướng. Nhưng họ vẫn chưa hoàn toàn thực hiện những cam kết của mình”.

Trong khi đó, cả Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển đều có lý do chính đáng để duy trì lập trường của mình.

Đối với Thụy Điển, rõ ràng có một điểm mà họ không thể chấp nhận với Thổ Nhĩ Kỳ khi thực hiện yêu cầu của Ankara gây ảnh hưởng đến các giá trị dân chủ và pháp lý của chính họ. Các nhà chức trách Thụy Điển cũng không thể mạo hiểm với an ninh trong nước của họ bằng cách truy lùng các thành viên của PYD, PKK hoặc các tín đồ Gulen.

Hơn nữa, do cuộc xung đột ở Ukraine đã làm Nga bị suy giảm ảnh hưởng trong khi Phần Lan đã đảm nhận vai trò “bức tường thành” sau khi gia nhập NATO, nên nhu cầu cấp bách tham gia liên minh của Thụy Điển có thể đã giảm đi.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc phê chuẩn đơn gia nhập của Thụy Điển sẽ không phải là cách đảm bảo để ngăn Quốc hội Mỹ áp đặt các điều kiện mới liên quan đến việc bán F-16. Một số thành viên của Quốc hội Mỹ đã tăng áp lực bằng cách yêu cầu Ankara hạn chế các hoạt động quân sự của mình ở Biển Aegean liên quan đến các yêu sách lãnh thổ đang tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Có nguy cơ rằng Quốc hội Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Thổ Nhĩ Kỳ ngay cả sau khi việc mua bán được chấp thuận.

Đối với Mỹ, mối lo ngại là điều gì sẽ xảy ra nếu chính quyền Biden và Quốc hội Mỹ thông qua việc bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Ankara không chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập NATO.

Tuy nhiên, Giáo sư Kayaoglu cho rằng các cuộc xung đột ở Ukraine và Syria đã chứng minh một điều: Có Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía mình - dù chỉ một phần - vẫn tốt hơn nhiều so với việc đối đầu với Ankara.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo al-monitor.com)
Mỹ 'không đơn giản hóa' tiến trình gia nhập NATO cho Ukraine
Mỹ 'không đơn giản hóa' tiến trình gia nhập NATO cho Ukraine

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 17/6 tuyên bố Washington sẽ không tiến hành “thu xếp” đặc biệt để Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN