Thẳng thừng từ chối trả lời trong phiên điều trần, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khiến các nghị sỹ tức giận

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions vào ngày 13/6 nói rằng cáo buộc ông thông đồng cùng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 là “lời nói dối ghê tởm” đồng thời khiến hàng loạt thành viên đảng Dân chủ tức giận vì từ chối nêu rõ chi tiết cuộc hội thoại giữa ông và Tổng thống Donald Trump.

CNN đưa tin trong cuộc điều trần ngày 13/6, ông Sessions khẳng định tuân thủ chính sách của Bộ Tư pháp và “không thể phát biểu” hoặc “không thể bàn bạc” về một số chủ đề nhất định.

Reuters đánh giá ông Sessions đã có những trao đổi căng thẳng cùng các thành viên đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ trong khoảng 2 tiếng rưỡi khi họ thúc ép ông nhắc lại các cuộc trao đổi với Tổng thống Trump.

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tại buổi điều trần ngày 13/6 ở Washington. Ảnh: REUTERS

Đúng như dự đoán, các nhà làm luật "vặn vẹo" ông Sessions với câu hỏi về vai trò của Bộ trưởng này trong việc sa thải cựu Giám đốc FBI James Comey, cuộc gặp của ông với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak và mối liên quan của ông với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump năm 2016.

Bộ trưởng Tư pháp cũng từ chối trả lời câu hỏi liệu có quan chức nào thuộc Bộ này đã bàn thảo về lệnh ân xá của Tổng thống Mỹ với những cá nhân bị nằm trong tầm ngắm của cuộc điều tra cáo buộc liên quan tới Nga.

Theo Reuters, Bộ trưởng Tư pháp Sessions còn từ chối trả lời về câu hỏi rằng liệu ông có bàn thảo với cựu Giám đốc FBI James Comey về việc trao bằng chứng liên quan tới Nga trước khi ông này bị sa thải ngày 9/5.

Tương tự như vậy, ông Sessions cũng không hé lời về câu hỏi liệu Tổng thống Trump có bày tỏ lo ngại về quyết định trong tháng 3 của chính Bộ trưởng Tư pháp tự rút mình khỏi cuộc điều tra liên quan tới Nga.

Reuters cho biết Bộ trưởng Sessions khẳng định rằng ông Trump đã không áp dụng đặc quyền của Tổng thống. Theo đó, đặc quyền này là giữ lại thông tin từ Quốc hội hoặc Tòa án để bảo vệ việc đưa ra quyết định của nhóm lãnh đạo Nhà Trắng.

Phiên điều trần của ông Sessions đánh dấu lần đầu tiên Bộ trưởng Tư pháp điều trần trước Quốc hội kể từ khi cựu Giám đốc FBI James Comey bị sa thải.


Phiên điều trần diễn ra chỉ 5 ngày sau khi cựu Giám đốc FBI Comey nói rằng Tổng thống Trump sa thải ông để "ém nhẹm" cuộc điều tra của FBI về cáo buộc liên quan tới Nga.

Trước cuộc điều trần của ông Sessions, đã có nhiều chú ý tại Washington liệu rằng Tổng thống Trump có sa thải ông Robert Mueller- người trong tháng trước được giao trọng trách công tố viên đặc biệt điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thổng Mỹ- hay không.

Bộ trưởng Sessions khẳng định tin tưởng vào ông Mueller và chưa từng trao đổi với Tổng thống Trump về việc sa thải ông này. Đồng thời Bộ trưởng Sessions cũng nói rằng sa thải ông Mueller không phải là hành động thích hợp.

Hà Linh/Báo Tin Tức
Cựu Giám đốc FBI James Comey có thể đối mặt bản án 35 năm tù
Cựu Giám đốc FBI James Comey có thể đối mặt bản án 35 năm tù

Cựu chuyên gia phân tích William Binney của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nhận định rằng cựu Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey có thể sẽ bị kết tội tiết lộ thông tin mật và có thể đối mặt với án 35 năm tù.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN