Obama mang vấn đề Syria tới Thụy Điển

Ngày 4/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến Thụy Điển trong chuyến thăm 2 ngày, hy vọng có thể trao đổi với giới chức nước chủ nhà về vấn đề Syria, bất chấp việc Stockholm nỗ lực thu hút sự chú ý của hai bên vào một chương trình nghị sự rộng lớn hơn.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ( phải) trong cuộc họp song phương với Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt (trái) tại tòa Rosenbad ở Stockholm ngày 4/9/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Trước khi lên đường sang châu Âu, Tổng thống Obama tuyên bố hành động mà ông dự định tiến hành đối với Syria sẽ "ít bỏ ngỏ" hơn những hành động mà người tiền nhiệm George Bush đã làm ở Trung Đông. Ông Obama khẳng định đó sẽ là một hành động "có giới hạn, không tính đến các cuộc tấn công trên bộ, không phải Iraq hay Afghanistan".

Khi chuẩn bị cho chuyến thăm thứ hai của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm, sau chuyến thăm của ông Bush năm 2001, Chính phủ Thụy Điển tỏ ý muốn thảo luận về "nhiều vấn đề đang nổi lên". Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt khẳng định vấn đề Syria chắc chắn sẽ được đề cập, nhưng chủ đề "choán" nhiều thời gian hơn sẽ là các cuộc đàm phán về tự do thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Theo các nhà quan sát, giới chức Thụy Điển có lý do thích hợp để tránh sa lầy vào vấn đề Syria trong các cuộc hội đàm với ông Obama, bởi lẽ vấn đề này sẽ dẫn đến những bất đồng sâu sắc về cách thức tốt nhất để làm sáng tỏ những cáo buộc cho rằng Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công lực lượng đối lập. Tuần trước, Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt cho biết ông phản đối các giải pháp quân sự cho một cuộc xung đột mà Stockholm nghĩ nên được giải quyết thông qua các nỗ lực chính trị và ngoại giao.

* Nga thúc Mỹ đưa bằng chứng Syria dùng vũ khí hóa học

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng trong ngày 4/9 hối thúc phương Tây trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) bằng chứng thuyết phục về các cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học. Ông đồng thời tuyên bố Moscow sẽ phản ứng quyết liệt nếu tìm ra thế lực đứng sau tội ác này.

Phát biểu trên Kênh truyền hình số Một của Nga, ông Putin cảnh báo tấn công quân sự nhằm vào Chính quyền Syria không có sự ủng hộ của HĐBA LHQ sẽ bị coi là "hành động xâm lược". Khẳng định Nga không loại trừ khả năng nhất trí với kế hoạch tấn công quân sự của Mỹ nhằm vào Syria trong trường hợp có bằng chứng cho thấy Damascus sử dụng vũ khí hóa học, song ông yêu cầu phương Tây đưa ra bằng chứng rõ ràng về những tình huống sử dụng loại vũ khí này. Moscow vẫn đổ lỗi cho lực lượng nổi dậy ở Syria thực hiện cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus ngày 21/8 vừa qua.

Khẳng định nếu có bằng chứng cho thấy quân chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học, thì bằng chứng này phải được trình lên HĐBA LHQ và phải có sức thuyết phục, ông Putin còn tuyên bố nếu có bằng chứng rõ ràng về loại vũ khí hóa học và lực lượng sử dụng loại vũ khí này thì Nga sẽ hành động theo một cách thức "kiên quyết và nghiêm túc".

Theo ông Putin, chỉ HĐBA LHQ có quyền thông qua việc sử dụng vũ lực đối với một nước nào đó và việc phương Tây tiến hành hành động quân sự nhằm vào Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà không có sự tán thành của HĐBA LHQ là "không thể chấp nhận được" và phải được nhìn nhận là "hành động xâm lược".


TTXVN/Tin Tức

Chiến lược thực sự Mỹ đang thực hiện tại Syria
Chiến lược thực sự Mỹ đang thực hiện tại Syria

Theo nguyên Phó chánh văn phòng Bộ Quốc phòng Mỹ, tướng Jack Keane, chiến lược thực sự mà Mỹ đang thực hiện một cách khá vững chắc đối với Syria là làm suy yếu Tổng thống Bashar al-Assad và tăng cường sức mạnh cho lực lượng đối lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN