Nỗ lực tìm kiếm người mất tích sau khi núi lửa Marapi phun trào

Ngày 5/12, hàng trăm nhân viên cứu hộ Indonesia đang nỗ lực tìm kiếm 10 người mất tích sau khi núi lửa Marapi trên đảo Sumatra, miền Tây nước này, phun trào khiến 13 người thiệt mạng trước đó.

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ chuẩn bị sơ tán các nạn nhân sau khi núi lửa Marapi phun trào, tại làng Batu Palano, ở Agam, Indonesia, ngày 4/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Núi lửa Marapi đã phun ra cột tro bụi cao đến 3.000m, cao hơn cả chính độ cao của núi lửa này, trong ngày 4/12. Theo nhà chức trách địa phương, núi lửa vẫn tiếp tục phun trào vào sáng 5/12 và đang cản trở các nỗ lực cứu hộ của hơn 200 nhân viên. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ địa phương cho biết các nhân viên cứu hộ đang nỗ lực sơ tán các nạn nhân bằng biện pháp thủ công, đi bộ lên đỉnh núi lửa vì núi lửa vẫn đang hoạt động mạnh khiến tầm nhìn kém. Theo trạm quan sát núi lửa Marapi, từ nửa đêm đến 8h sáng 5/12, núi lửa đã phun trào 5 lần. 

Người đứng đầu Cơ quan giám sát núi lửa Indonesia Hendra Gunawan cho biết đã ban hành cảnh báo cấp độ 2 đối với núi lửa Marapi trên thang gồm 4 cấp độ kể từ năm 2011 và áp đặt khu vực cấm trong bán kính 3km xung quanh miệng núi lửa. Ông Hendra Gunawan cho biết thêm những người leo núi đã đi quá gần miệng núi lửa và khuyến nghị người dân không đến gần khu vực này. 

Tổng cộng có 75 người tham gia các chuyến leo núi từ ngày 2/12, trong đó phần lớn đã được đưa xuống núi nhưng một số người đã bị bỏng và bị thương. Lực lượng cứu hộ cho biết hoạt động tìm kiếm những người mất tích sẽ tiếp tục trong 7 ngày. 

Chú thích ảnh
Cột tro bụi phun trào khi núi lửa Marapi "thức giấc" ở Sumatra, Indonesia, ngày 3/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Núi lửa Marapi có ngọn nằm ở độ cao 2.891 m so với mực nước biển, là núi lửa hoạt động mạnh nhất trên đảo Sumatra. Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương nên thường chứng kiến các hoạt động địa chất và núi lửa phun trào. Hiện quốc gia này có gần 130 núi lửa còn hoạt động.

Trần Quyên (TTXVN)
Núi lửa Anak Krakatau tại Indonesia phun tro bụi cao hơn 2.000m
Núi lửa Anak Krakatau tại Indonesia phun tro bụi cao hơn 2.000m

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 4/12, núi lửa Anak Krakatau tại eo biển Sunda nằm giữa 2 đảo Java và Sumatra của Indonesia tiếp tục phun trào, cột tro bụi bốc lên cao khoảng 2.000m.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN