Những điều cần biết về Khu vực An ninh chung Hàn Quốc và Triều Tiên

Theo hãng tin Yonhap, ngày 18/7, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) do Mỹ đứng đầu cho biết một công dân Mỹ đã vượt qua ranh giới quân sự ngăn cách Hàn Quốc và Triều Tiên mà không được cho phép.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Hàn Quốc (phải) và binh sĩ của Bộ chỉ huy Liên hợp quốc đứng gác gần đường ranh giới quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên tại DMZ. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo trang The Guardian (Anh), binh nhì Travis King đã vượt qua khu vực biên giới tới Triều Tiên trong chuyến tham quan Khu vực an ninh chung (JSA) ở Khu phi quân sự (DMZ) và được cho là đang bị Triều Tiên giam giữ. Đây là người Mỹ đầu tiên bị giam giữ ở Triều Tiên trong 5 năm.

Khu vực an ninh chung là gì?

Còn được gọi là làng Panmunjom, “làng hòa bình” hay “làng đình chiến”, Khu vực an ninh chung là một phần thuộc Khu phi quân sự dài 250 km ngăn cách Hàn Quốc và Triều Tiên. Làng Panmunjom nằm cách Seoul 50 km về phía bắc và cách thành phố Gaeseong của Triều Tiên chỉ 10 km.

Chú thích ảnh
Ảnh: Guardian

Năm 1948, khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Đại Hàn Dân Quốc được thành lập, DMZ trở thành giới tuyến phân cách hai miền Triều Tiên.

Năm 1953, khi Hiệp định đình chiến được ký kết tại Khu vực an ninh chung, DMZ trở thành vùng đệm rộng 4 km. Quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên đã trang bị các bãi mìn dày đặc, hệ thống hàng rào dây thép gai kiên cố, vũ khí hạng nặng và các ụ chống tăng bao quanh hai bên.

Làng hòa bình bao gồm các tòa nhà màu xanh da trời của Liên hợp quốc, bị chia cắt bởi một đường ranh giới quân sự. Hàn Quốc và Triều Tiên đều có văn phòng liên lạc và hội trường riêng trong Khu vực an ninh chung.

Chú thích ảnh
Lính Hàn Quốc gác bên ngoài nhà Hòa bình thuộc làng Panmunjom. Ảnh: AFP

Ngày nay, Khu vực an ninh chung thuộc Panmunjom trở thành nơi duy nhất binh sĩ Triều Tiên và Hàn Quốc ngày ngày mặt đối mặt. Về mặt kỹ thuật thì hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh, bởi hai bên chưa bao giờ ký kết một hiệp định hoà bình. Quân đội của hai miền thường trao đổi với nhau qua đường ranh giới quân sự, nhưng mặc dù làm việc ở những khu vực gần nhau, việc liên lạc vẫn thường xuyên gặp trở ngại.

Trong thời kỳ quan hệ hai miền rơi xuống mức căng thẳng cao độ, Triều Tiên đã không trả lời các cuộc gọi liên Triều theo lịch thông qua đường dây nóng quân sự, buộc các quan chức Mỹ hoặc Hàn Quốc phải gọi qua phía bên kia biên giới.

Trong nhiều năm, cả hai bên cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền qua khu phi quân sự. Sau hội nghị thượng đỉnh giữa cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 27/4/2018, hai miền Triều Tiên đã đồng ý dừng các hành động thù địch và tháo dỡ các phương tiện, bao gồm loa phóng thanh và truyền đơn.

JSA được giám sát bởi Triều Tiên và Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc, một lực lượng quân sự đa quốc gia được thành lập trong chiến tranh Triều Tiên.

Năm 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp nhau ở phía bắc và phía nam của làng Panmunjom. Năm 2019, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên đến Triều Tiên, khi ông đến JSA, đi bộ băng qua đường phân giới quân sự và bắt tay với Chủ tịch Kim Long-un.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gặp cựu Tổng thống Donald Trump tại Khu vực an ninh chung. Ảnh: KCNA/AFP

Những ai có thể đến thăm Khu vực an ninh chung?

Theo thỏa thuận năm 1953, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc và quân đội Triều Tiên được phép gửi không quá 35 binh sĩ đến JSA. Mỗi binh sĩ chỉ được sở hữu một khẩu súng lục hoặc súng trường không tự động. Nhưng số lượng binh lính và vũ khí tăng lên khi mối quan hệ trở nên tồi tệ.

Không có dân thường sinh sống trong khu vực JSA.

Trong hơn 60 năm qua, những dải đất rộng lớn của Khu phi quân sự đã không còn là vùng đất của con người, khi ngày càng có nhiều động vật hoang dã sinh sống trong khu vực.

Nhiều công ty du lịch Hàn Quốc đã mở các chuyến du lịch thăm JSA. Nhà xuất bản sách du lịch Lonely Planet mô tả đây là điểm nổi bật nhất của chuyến thăm khu phi quân sự. Trong đó, du khách sẽ được đưa vào bên trong một phòng họp - nơi ký kết hiệp định đình chiến năm 1953. Đây cũng là “nơi duy nhất du khách có thể bước vào Triều Tiên một cách an toàn”.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Triều Tiên (giữa) chụp ảnh binh sĩ Hàn Quốc (trái) và một quân nhân Mỹ (phải) đứng trước đường ranh giới quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên. Ảnh: AFP/Getty Images

Và trong chuyến tham quan theo hình thức này, quân nhân Mỹ Travis King đã vượt qua đường biên giới này. Các tờ báo Donga và Chosun Ilbo dẫn nguồn tin quân đội Hàn Quốc cho biết khi cùng một nhóm du khách, bao gồm cả dân thường, đến làng đình chiến Panmunjom, người đàn ông này đã lao qua vạch phân chia biên giới hai miền.

Theo Tổ chức giám sát bom mìn và bom chùm, tổ chức dân sự có trụ sở tại Geneva, DMZ được gài rải rác rất nhiều mìn trong nhiều thập kỷ, có tới 970.000 quả mìn chỉ riêng ở khu vực phía nam.

Tại sao quân nhân Mỹ vượt qua ranh giới quân sự?

Động cơ vượt qua ranh giới quân sự của Travis King vẫn chưa được lý giải. Quân nhân này đã bị bắt giam gần hai tháng ở Hàn Quốc vì tội hành hung. Anh ta đã được trả tự do và dự định về Fort Bliss, Texas, nơi anh ta phải đối mặt với hình thức kỷ luật khác. Tuy nhiên, khi được hộ tống đến sân bay, người đàn ông này trốn đi và tham gia chuyến tham quan đến JSA.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Mỹ đang hợp tác với Triều Tiên để giải quyết vụ việc. Vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên về vấn đề hạt nhân đang ngày càng leo thang.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo The Guardian)
Số phận những công dân Mỹ từng bị giam giữ tại Triều Tiên
Số phận những công dân Mỹ từng bị giam giữ tại Triều Tiên

Trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ có đăng cảnh báo: “Không du lịch đến Triều Tiên do nguy cơ tiếp diễn công dân Mỹ bị bắt và giam giữ lâu dài. Chính phủ Mỹ không thể cung cấp dịch vụ khẩn cấp cho công dân Mỹ ở Triều Tiên”. Tuy nhiên, kể từ năm 1996, nhiều công dân Mỹ đã bị giam giữ ở Triều Tiên, trong số này có khách du lịch, học giả và nhà báo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN