Nhật - Hàn: Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai

Ngày 22/6/2015 đã trở thành một cột mốc lịch sử đối với Nhật Bản và Hàn Quốc khi lãnh đạo hai nước cùng thể hiện quyết tâm cải thiện quan hệ song phương sau 50 thăng trầm. Tuy hai nước láng giềng châu Á này chưa phải là “bạn” theo đúng nghĩa, nhưng đây cũng là dấu hiệu cho thấy “băng” sắp tan, mở ra tia hy vọng về một kỷ nguyên hợp tác mới.

Băng sắp tan

Từ ngày 21-23/6, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đã có chuyến thăm Tokyo và trở thành Ngoại trưởng đầu tiên của Hàn Quốc tới Nhật Bản kể từ năm 2011. Hai Ngoại trưởng đã có cuộc gặp hiếm hoi trước ngày kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ giao bang giữa hai nước.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se (trái) ở thăm Nhật Bản nhằm thảo luận các biện pháp cải thiện quan hệ song phương.


Quan hệ giữa hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á này đang ở mức thấp đến nỗi kết quả lớn nhất của cuộc gặp dài hai giờ vừa qua giữa hai Ngoại trưởng là một thỏa thuận duy trì đối thoại về các vấn đề lịch sử và cùng nỗ lực tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Các nỗ lực này đã được khẳng định trong các tuyên bố một ngày sau đó của lãnh đạo hai nước nhân lễ kỷ niệm “cột mốc” nửa thế kỷ trong quan hệ song phương giữa hai cựu thù. Tại Đại sứ quán Hàn Quốc ở Toyko, Thủ tướng Abe cho biết: “Tôi mong gặp Tổng thống Park Geun Hye nhằm đạt sự tốt đẹp cho cả hai dân tộc, và cải thiện, phát triển quan hệ hai nước”. Cùng lúc, tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul, Tổng thống Park bày tỏ mong muốn chân thành rằng Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ biến năm 2015 thành điểm xuất phát cho những mối quan hệ song phương hướng tới tương lai. Các tuyên bố trên cho thấy rõ thiện chí của lãnh đạo Nhật - Hàn hướng tới cải thiện quan hệ song phương 50 năm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ nhưng chưa trở thành những người bạn đúng nghĩa.

Tại sao chưa thể làm bạn?

Theo một cuộc thăm dò dư luận do tờ Asahi của Nhật Bản và tờ Dong-a Ilbo của Hàn Quốc tiến hành ngay trước thềm chuyến thăm Nhật Bản của Ngoại trưởng Yun, hơn một nửa số người được hỏi ở cả hai nước nhận định quan hệ song phương đang xấu đi trong 5 năm trở lại đây. 87% người Hàn Quốc vẫn cảm thấy nặng nề trong việc cải thiện quan hệ với nước láng giềng phía Đông, trong khi con số này ở Nhật Bản là 64%. Nhận định việc này, chuyên gia chính trị Junya Nishino, thuộc Đại học Keio, cho rằng niềm tin giữa hai nước đã bị “đánh mất quá nhiều” và không dễ bề để xây dựng lại trong “một sớm một chiều”. Thực tế là từ khi lên nhậm chức, lần lượt vào các năm 2012 và 2013, Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc chưa lần nào tiến hành một cuộc đàm phán trực tiếp. Washington cũng phải bày tỏ lo ngại về tình hình quan hệ căng thẳng giữa hai đồng minh quan trọng này của mình.

Lật lại lịch sử, tình trạng căng thẳng trên bắt nguồn từ thời kỳ phát xít Nhật đô hộ trên bán đảo Triều Tiên, từ năm 1910 cho tới khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai - thời gian xảy ra vụ việc gần 200.000 phụ nữ Hàn Quốc bị ép buộc mua vui cho binh sĩ Nhật. Nhiều người Hàn Quốc đến nay vẫn nhớ về 35 năm phát xít Nhật đô hộ như một thời kỳ của tàn bạo và nhục nhã, khi mà họ bị buộc phải sử dụng tên bằng tiếng Nhật và nói ngôn ngữ của người Nhật. Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, phải cần tới 3 thập kỷ trước khi Seoul chính thức cho phép phim Nhật và các loại văn hóa quần chúng khác trở lại Hàn Quốc.

Quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc đã được cải thiện từ những năm 1990, sau khi lãnh đạo Nhật Bản nói lời xin lỗi về sự việc trên. Các trao đổi văn hóa đã được tăng cường trong những năm 2000. Tuy nhiên, vài năm sau đó, quan hệ hữu hảo mới chớm này lại “lao dốc” vì những bất đồng liên quan đến lãnh thổ. Năm 2012, Tổng thống Hàn Quốc khi đó Lee Myung-bak đã tới thăm quần đảo Dokdo (Đốc-đô) mà Seoul đang kiểm soát nhưng Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Takeshima (Ta-kê-si-ma). Chuyến viếng thăm đã làm bùng phát làn sóng bài Hàn Quốc tại Nhật Bản. Nhiều người gốc Hàn ở Nhật Bản, chủ yếu là con cháu của các lao động cưỡng bức từ thời chiến tranh, đã trở thành mục tiêu của sự phân biệt chủng tộc cực đoan. Những cuốn sách và tạp chí chống Hàn Quốc xuất hiện tràn lan trên các sạp báo.

Trong khi đó, vấn đề gai góc nhất trong quan hệ giữa hai nước - mà Hàn Quốc gọi là “phụ nữ mua vui” - đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Phía Nhật Bản cho rằng Tokyo gửi lời xin lỗi chính thức vào năm 1993 và vấn đề đã được giải quyết trong thỏa thuận bình thường hóa quan hệ năm 1965. Tuy nhiên, Tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc vẫn cho rằng “xin lỗi như thế là chưa đủ” và bác bỏ mọi ý định tổ chức gặp thượng đỉnh song phương “nếu Tokyo không tỏ ra hối lỗi đúng mực” về vấn đề này.

Theo khảo sát của tờ Asahi, chỉ 1% người dân Hàn Quốc cho rằng Nhật Bản đã xin lỗi đủ về những gì quân đội nước này đã làm trong thời chiến; 96% cho rằng như vậy là chưa đủ.

Hướng tới tương lai

Gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, giúp Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau hơn. Trong một bài lời phỏng vấn Washington Post của Mỹ, Tổng thống Park cho biết các cuộc thương lượng nhằm giải quyết vấn đề “phụ nữ mua vui” hiện đang trong “giai đoạn cuối” và đã đạt “những tiến bộ đáng kể”. Giới chức Hàn Quốc cũng ra dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng tách bạch các vấn đề lịch sử ra khỏi quan hệ hợp tác song phương lớn hơn, như hợp tác kinh tế. Với Tổng thống Park, việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản là cấp thiết bởi căng thẳng giữa hai nước đang tác động nặng nề đến quan hệ kinh tế song phương. Thương mại hai chiều năm 2014 đã giảm xuống còn 87 tỷ USD, so với mức 108 tỷ USD vào năm 2011. Hàn Quốc và Nhật Bản đều là đối tác thương mại lớn thứ ba của nhau.

Chuyến thăm lịch sử tới Nhật Bản của Ngoại trưởng Yun là bằng chứng mới nhất cho thấy hai bên đã chọn cách gác lại quá khứ. Ngoại trưởng Yun tuyên bố chính phủ Hàn Quốc sẽ duy trì “chính sách hai đường” nhằm tạo dựng quan hệ tốt hơn với Nhật Bản. Tại cuộc gặp ở Tokyo, hai Ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí cùng nỗ lực tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên với Trung Quốc vào mùa thu năm nay, coi đây là cơ hội để lãnh đạo hai nước có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên sau 4 năm “băng giá”.

“Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” có lẽ là khẩu hiệu chung hợp thời nhất cho bất cứ cựu thù nào, vì sự thịnh vượng của người dân và lợi ích quốc gia.

Bạch Dương
Mỹ-Nhật-Hàn thảo luận về vấn đề Triều Tiên
Mỹ-Nhật-Hàn thảo luận về vấn đề Triều Tiên

Các nhà đàm phán cấp cao của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc thảo luận ba bên ngày 27/5 tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN