Nguyên nhân khiến trẻ em có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn người lớn

Trẻ em ở độ tuổi tiểu học tạo ra ít hạt khí dung (aeresol) hơn khoảng 4 lần khi thở, nói hoặc hát so với người lớn. Điều này có thể lý giải tại sao trẻ dường như có nguy cơ lây lan COVID-19 thấp hơn.

Chú thích ảnh
Một đứa trẻ đeo khẩu trang trong ngày đầu tiên đến trường ở Thành phố New York, Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo trang The Guardian (Anh), nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng trẻ nhỏ chỉ có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 bằng một nửa so với người lớn. Mặc dù trẻ mang một lượng virus tương tự người lớn trong mũi và cổ họng, nhưng dường như chúng sẽ lây truyền cho ít người hơn nếu mắc bệnh.

Do kích thước, hình dạng của phổi và đường hô hấp của trẻ nhỏ hơn, nên chúng sẽ tạo ra ít hạt khí dung hơn người lớn khi thở và nói. Những hạt này thường phát tán trong không khí, đặc biệt là trong không gian kín như lớp học. Vì vậy, khi trẻ thở ra ít khí dung hơn có nghĩa là sẽ có ít người bị nhiễm bệnh hơn nếu ở trong cùng không gian đó.

Tiến sĩ Mario Fleischer tại Đại học Y khoa Charité Berlin và các đồng nghiệp đã lựa chọn 16 trẻ em khỏe mạnh từ 8 đến 10 tuổi để tham gia nghiên cứu. Họ sử dụng máy đếm hạt laze để đo lượng hạt khí dung trẻ em tạo ra khi thở, nói, hát và la hét. Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Journal of the Royal Society Interface. Kết quả nghiên cho thấy la hét tạo ra nhiều hạt khí dung nhất, sau đó là hát, nói và thở. Song tỷ lệ phát tán hạt và âm lượng khi hát, nói và thở ở trẻ em thấp hơn khoảng 4 lần so với các phép đo được thực hiện ở 15 người lớn.

“Chính xác hơn, tỷ lệ hạt khí dung do trẻ em phát ra khi nói bằng với mức độ người lớn phát ra khi thở. Trong khi hát, chúng phát ra hạt khí này với tỷ lệ tương tự như người lớn khi nói”, ông Fleischer giải thích. Tuy nhiên, ông cho biết lượng khí dung tạo ra khi la hét ở người lớn và trẻ em là tương đương nhau.

Các tác giả nghiên cứu cũng nhấn mạnh tỷ lệ phát tán hạt khí này sẽ khác biệt đáng kể ở mỗi trẻ. Họ lưu ý kết quả nghiên cứu này cũng không khẳng định việc đến trường học hay tham gia câu lạc bộ sau giờ học là không có rủi ro lây nhiễm. Họ cũng nói thêm rằng các yếu tố khác, chẳng hạn như số lượng trẻ và thiết kế hệ thống thông gió trong nhà, cũng rất quan trọng và cần có nghiên cứu sâu hơn để đưa ra khuyến nghị cần thiết cho các trường học.

Trước đó, một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng hệ miễn dịch bẩm sinh có thể là chìa khóa lý giải tại sao trẻ em ít mắc COVID-19 hơn người lớn. Theo đó, các khoa học đã phát hiện ra phản ứng miễn dịch bẩm sinh mạnh hơn trong đường thở của trẻ em, được đặc trưng bởi việc giải phóng nhanh chóng các interferon.

Interferon là nhóm các protein tự nhiên được sản xuất bởi các tế bào của hệ miễn dịch. Interferon ra tín hiệu cho các tế bào lân cận thắt chặt hệ thống phòng thủ của chúng khi có các mối đe dọa từ virus hoặc vi khuẩn. Điều này giúp hạn chế sự nhân lên của virus khi nó vừa xâm nhập và mang lại cho trẻ em lợi thế ngay lập tức trong việc ngăn chặn virus lây nhiễm vào máu và các cơ quan khác.

Hải Vân/Báo Tin tức
CDC châu Phi tạm ngừng nhận vaccine COVID-19 viện trợ
CDC châu Phi tạm ngừng nhận vaccine COVID-19 viện trợ

Lo ngại về thời hạn sử dụng và tâm lý chần chừ không tiêm vaccine ngừa COVID-19 là những lý do khiến giới chức y tế châu Phí quyết định tạm ngưng nhận thêm vaccine viện trợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN