Ngày càng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tìm đến không gian công nghệ của châu Phi

Vốn thường để mắt đến các dự án đường bộ, đường sắt, khai khoáng và dầu mỏ ở châu Phi, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc tìm đến đầu tư vào công nghệ và fintech (công nghệ tài chính) tại “lục địa mới trỗi dậy".

Chú thích ảnh
Đối với các nhà đầu tư, công nghệ và fintech ở châu Phi mang đến “nhiều cơ hội”. Ảnh: Reuters

Theo Báo bưu điện Hoa Nam buổi sáng, trong bài phát biểu bên lề Diễn đàn FinTech toàn diện ở Kigali (Rwanda) hồi tháng trước, bà Sandra Hua Yao - Phó chủ tịch cấp cao của Thunes, công ty fintech có trụ sở tại Singapore - cho biết: “Đã có rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tìm đến các không gian công nghệ của châu Phi. Xét cho cùng, châu Phi, lục địa có 54 quốc gia với trên 1 tỷ dân, có rất nhiều cơ hội”.

Thunes là công ty phát triển các nền tảng hỗ trợ thanh toán xuyên biên giới ở 130 quốc gia, với 35 quốc gia trong số đó ở châu Phi.

Bà Yao, người từng làm việc trong các công ty tài chính và công nghệ ở Kenya từ năm 2005, cho biết các công ty công nghệ đang hoạt động mạnh ở Nigeria và các quốc gia châu Phi khác.

Trong đó, Beijing Kunlun Tech – công ty phát triển trình duyệt web Opera, do tỷ phú Trung Quốc Zhou Yahui sáng lập – đã thành lập công ty khởi nghiệp thanh toán và thương mại điện tử OPay tập trung ở thị trường châu Phi.

Bà Yao cũng ghi nhận sự phát triển của các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Transsion - công ty sản xuất các thiết bị cầm tay bán chạy nhất châu Phi, Itel, Infinix, trang thương mại điện tử Kilimall, cũng như các ứng dụng cho vay kỹ thuật số và nền tảng thanh toán xuyên biên giới do Trung Quốc sở hữu.

Chú thích ảnh
Liên doanh fintech đang tập trung vào các khoản thanh toán giữa Trung Quốc và châu Phi. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo bà, quy mô của thị trường châu Phi - nơi có 60% dân số dưới 25 tuổi - là động lực lớn nhất đối với các nhà đầu tư.

“Đây là thế hệ sinh ra trong thời đại kỹ thuật số. Họ không biết mạng 2G là gì, họ sinh trong thời đại của mạng 4G, 5G. Đây là một thị trường rất thú vị cho bất kỳ nhà đầu tư nào – không chỉ Trung Quốc”, bà nói.

Một fintech lớn khác cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Trung Quốc là MFS Africa, nhà cung cấp nền tảng thanh toán xuyên quốc gia.

Ông Dare Okoudjou, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của MFS Africa, cho biết công ty cung cấp hệ thống chuyển tiền trong châu Phi, từ châu Phi hoặc đến châu Phi. MFS Africa đang kết nối với 40 quốc gia ở châu Phi với các mạng lưới thanh toán khác nhau và 40 quốc gia khác bên ngoài châu lục này.

Tại diễn đàn ở Kigali, ông Okoudjou nói rằng MFS Africa đã kết hợp với LUN, thành lập liên minh MFS Phi – Á, tập trung vào các hệ thống thanh toán giữa châu Phi và Trung Quốc. MFS Phi – Á đang hỗ trợ các khách hàng trực tuyến của Trung Quốc – chủ yếu là các trang web hoặc doanh nghiệp trực tuyến có khách hàng tại châu Phi.

Theo ông Okoudjou, có nhiều điều mà các nước châu Phi có thể học hỏi từ lĩnh vực fintech của Trung Quốc và sự phát triển của lĩnh vực này trong suốt 2 đến 3 thập kỷ qua.

“Có thể thấy sự thay đổi cơ bản ở một thành phố của Trung Quốc như Thượng Hải trong vòng 20 đến 30 năm qua. Tôi nghĩ rằng có khá nhiều điều chúng ta có thể học hỏi về cách Trung Quốc đã phát triển”, ông nói.

Chú thích ảnh
Cửa hàng Huawei ở trung tâm mua sắm Sandton City ở Sandton, Nam Phi. Ảnh: Reuters

Một số công ty fintech của Trung Quốc đã phát triển lớn mạnh đến mức lọt vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý. Các cơ quan này cũng đã thắt chặt các quy tắc để bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của người dùng.

Một số công ty fintech khác đang dựa vào công nghệ Trung Quốc để phát triển, như Centrika có trụ sở tại Kigali. Centrika cung cấp các giải pháp kỹ thuật số trong thanh toán và giao dịch vận tải.

Giám đốc điều hành của Centrika, ông Yvon Gilbert Nishimwe, cho biết công ty đã hợp tác với UnionPay để tạo thuận lợi cho các giao dịch thanh toán.

“Khách hàng của chúng tôi hợp tác với nhiều công ty Trung Quốc khác nhau. Khách hàng gửi tiền đến đó hoặc chúng tôi có thương nhân đến Trung Quốc”, ông Nishimwe nói và cho biết các thiết bị và máy móc mà họ sử dụng - bao gồm thẻ và máy in thẻ - hầu hết được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Để thành công như các lĩnh vực dầu mỏ, kim loại và khoáng sản, đầu tư vào công nghệ và fintech ở châu Phi sẽ còn một chặng đường dài phía trước. Lĩnh vực dầu mỏ, kim loại và khoáng sản từng nhận được hàng tỷ USD hỗ trợ từ chính phủ và các công ty đa quốc gia Trung Quốc.

Song có thể thấy các công ty như Huawei Technologies - nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất châu Phi và Transsion - công ty độc quyền bán điện thoại và thiết bị gia dụng tại lục địa này - đang dẫn đầu cuộc đua của các nhà đầu tư.

Tại Rwanda, ông Nishimwe nhận thấy mặc dù các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn đang bị thu hút bởi cơ sở hạ tầng và lĩnh vực khai thác mỏ ở châu Phi, nhưng “chúng tôi đã bắt đầu thấy nhiều người tham gia vào lĩnh vực công nghệ. Đó là một con số khá lớn”.

Vân Khánh/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Cảnh báo lục địa châu Phi đang tách làm đôi, vết nứt ngày càng rộng
Cảnh báo lục địa châu Phi đang tách làm đôi, vết nứt ngày càng rộng

Các nhà khoa học cảnh báo rằng một vết nứt lớn đang xé toạc châu Phi và có thể chia đôi lục địa này, cũng như hình thành đại dương thứ 6 trên Trái đất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN