Mỹ tăng cường hiện diện ở châu Phi

Hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Botswana nhằm tăng cường hợp tác kinh tế Mỹ - châu Phi.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Biden chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo châu Phi tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington tháng 12/2022. Ảnh: AP

Theo nhận định của Kester Kenn Klomegah, nhà nghiên cứu độc lập và là nhà tư vấn chính sách về các vấn đề châu Phi tại Nga ngày 26/6, Botswana, một quốc gia không giáp biển ở miền Nam châu Phi, sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Mỹ - châu Phi lần thứ 15 tại Gaborone từ ngày 11 – 14/7, vốn được kỳ vọng sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế của Washington với châu Phi.

Đây cũng sẽ là phần tiếp theo của một số cam kết kinh doanh được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ - châu Phi vào giữa tháng 12 năm ngoái tại Washington. Tại cuộc họp đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phân bổ 55 tỷ USD cho các dự án đầu tư khác nhau trên khắp châu Phi.

Việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh và diễn đàn kinh doanh của các nhà lãnh đạo Mỹ - châu Phi vào tháng 12 năm ngoái tại Washington là một bước cho thấy tầm quan trọng của châu Phi đối với Mỹ. Việc hơn 40 nhà lãnh đạo châu Phi tham dự sự kiện kéo dài 3 ngày là một tín hiệu rõ ràng về những tiềm năng hiện có để Mỹ và châu Phi tăng cường mối quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược.

Florizelle Liser, Giám đốc điều hành của Hội đồng doanh nghiệp ở châu Phi, một hiệp hội doanh nghiệp có uy tín hàng đầu của Mỹ, rất lạc quan về một số sáng kiến ​​cho lục địa mà bà gọi là “đối tác kinh doanh trong tương lai”, xác nhận hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ có sự tham dự của một phái đoàn cấp cao từ chính phủ Mỹ, với các quan chức hàng đầu từ những cơ quan chủ chốt chịu trách nhiệm hỗ trợ và thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế Mỹ - châu Phi.

Bà Liser cho biết Botswana đã là một đối tác tốt trong nhiều năm và là quốc gia đi đầu trong quản lý chính trị và kinh tế. Chính phủ Mỹ và các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân, cùng với các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp châu Phi, đã làm việc nhất quán trong những năm qua để chia sẻ những hiểu biết về các vấn đề và chính sách quan trọng ảnh hưởng đến quan hệ đối tác kinh tế Mỹ - châu Phi.

Bà Liser mô tả hội nghị thượng đỉnh sắp tới là một nền tảng để làm nổi bật những tiến bộ đạt được trong các lĩnh vực của nền kinh tế châu Phi, bao gồm phát triển nông nghiệp, công nghiệp và sản xuất, công nghệ, y tế, du lịch và dịch vụ tài chính. Mỹ rất quan tâm đến việc đào tạo và hỗ trợ các doanh nhân trẻ. Theo bà Liser, đây là những động lực cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo ra việc làm để mang lại lợi ích cho người dân của cả Mỹ và châu Phi.

“Chúng tôi đã nhận thấy sự quan tâm to lớn từ khu vực tư nhân. Điều tiếp thêm sinh lực cho tôi là sự nhiệt tình của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Mỹ ở châu Phi. Chúng tôi đang chứng kiến ​​ngày càng nhiều công ty Mỹ tìm cách mở rộng hoạt động sang thị trường châu Phi hơn”, bà Liser nói.

Theo bà Liser, hầu hết các doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách khai thác Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA). Là một dự án do Liên minh châu Phi (AU) khởi xướng, AfCFTA có khả năng gắn kết hơn 1,3 tỷ người trong một khối kinh tế trị giá 2,5 nghìn tỷ USD. AfCFTA có tiềm năng tạo ra nhiều lợi ích thông qua hỗ trợ thương mại, chuyển đổi cơ cấu, tạo việc làm hiệu quả và giảm nghèo. AfCFTA cũng mở ra nhiều cơ hội hơn cho cả nhà đầu tư địa phương ở châu Phi và nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo eurasiareview.com)
Tập đoàn Gazprom của Nga tìm đến châu Phi để sản xuất khí đốt
Tập đoàn Gazprom của Nga tìm đến châu Phi để sản xuất khí đốt

Đại diện của tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cho biết tại cuộc họp với các quan chức châu Phi ở Johannesburg (Nam Phi) trong tuần này rằng Gazprom sẵn sàng giúp các nước châu Phi sản xuất khí đốt tự nhiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN