Nạn trộm cắp thú cưng gia tăng ở nhiều nước

Thú cưng đang gắn bó mật thiết hơn bao giờ hết với con người. Ta có thể bắt gặp chúng ở những nơi mà trước đây chúng không được phép đặt chân tới như văn phòng, giường ngủ... Xu hướng này cũng vô tình làm gia tăng vấn nạn trộm cắp vật nuôi.

Vấn nạn trộm cắp thú cưng

Chia sẻ với phóng viên báo The Guardian, cô Suzie Meakins cho biết năm ngoái, khi đang đón Giáng sinh tại thành phố Adelaide (Australia), cô bất ngờ nhận được tin báo của người bạn cùng thuê nhà ở thị trấn Medowie. Người bạn này thông báo rằng bốn chú chó của Meakins đã bị bắt trộm.  

Đối với cô Meakins, bốn chú chó Mindy, Polly, Elsey và Trixie không đơn thuần là thú cưng, mà cô coi chúng như những đứa con thơ. Những chú chó thuộc giống chihuahua này từng thuộc về một người bạn thân của Meakins, nhưng anh đã qua đời và để lại chúng cho cô chăm sóc. Cô đau đớn nghĩ rằng việc từ bỏ tìm kiếm Mindy, Polly, Elsey và Trixie chẳng khác nào từ bỏ tìm kiếm những đứa con bị mất tích cả.

Chú thích ảnh
Cô Suzie Meakins tâm sự: “Tôi không có con, vì vậy đàn chó chính là con tôi”. Ảnh: The Guardian.

Meakins đã bay ngay về nhà sau khi biết tin, nhưng cảnh sát không giúp gì được cho cô. Vì thế, cô đành phải nhờ cậy vào mạng xã hội. Các cư dân mạng liên tục khuyên cô hãy gọi cho thám tử thú cưng Anne-Marie Curry.

Về phần mình, bà Anne-Marie Curry giới thiệu công ty Arthur & Co do bà thành lập và điều hành là “dịch vụ thám tử thú cưng toàn diện duy nhất của Australia”. Bà cho biết doanh nghiệp này đang trong thời kỳ phát triển bùng nổ. Trong suốt thời gian giãn cách vì đại dịch COVID-19, số lượng vụ trộm vật nuôi đã tăng cao ở Australia cùng nhiều nơi khác.

Sự ra đời của dịch vụ thám tử thú cưng cũng đã phản ánh bước thay đổi lớn trong cách mà mọi người tương tác và trân trọng những người bạn bốn chân này. Trong vài năm qua, giá của vật nuôi đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là chó và những giống mới được lai tạo. Cùng với sự gia tăng về giá trị vật chất, thú cưng cũng chiếm một vai trò tinh thần mật thiết trong các gia đình ở Australia. Do đó, tình trạng bắt trộm và đòi chuộc cũng xảy ra nhiều hơn, song song cùng các dịch vụ trông giữ và chăm sóc. 

Tại Australia, các ngành dịch vụ liên quan thú cưng đang bùng nổ với giá trị khoảng 3,9 tỷ USD và sẽ tăng trưởng 5% vào năm nay. Các máy bán hàng tự động bán sẵn đồ ăn cho thú cưng với tiêu chuẩn “100% con người sử dụng được”. Chủ nuôi hoàn toàn có thể mua cho chó, mèo những món hàng thời trang xa xỉ, chẳng hạn như áo phao hãng Country Road trị giá 100 USD, túi xách hoạ tiết da báo từ hãng thời trang Dolce & Gabbana trị giá hơn 2.600 USD. Không chỉ vậy, họ còn có thể đưa chó cưng tới những cơ sở trông coi đầy đủ tiện nghi và cập nhật tình hình trong ngày của chúng qua Instagram.

Coi thú cưng là tài sản hay một cá thể có đủ cảm xúc?

Trái ngược với dòng chảy nhanh chóng của xã hội, luật pháp vẫn thay đổi chậm chạp hơn. Tháng 12 năm ngoái, bang South Australia đã thông qua điều luật quy định trộm thú cưng là một hành vi phạm tội rõ ràng. Bang West Australia cũng đang cân nhắc thực hiện điều tương tự.

Ở bang New South Wales, quê hương của Meakins, hành vi trộm chó là tội hình sự và phải lĩnh mức án 1 năm tù. Thế nhưng, nó cũng chỉ bằng 1/5 so với bản án tối đa đối với các hành vi trộm cắp khác. Theo luật pháp, thú cưng vẫn là một loại tài sản. Ở tất cả các bang, việc trộm chó mèo bị coi là hành vi trộm cắp, chứ không bị coi là hành vi bắt cóc. 

Tuy vậy, vào năm 2019, Lãnh thổ Thủ đô Australia đã đưa ra một bước pháp lý quan trọng là công nhận cảm xúc của động vật. Pháp, New Zealand, Peru và Anh là những nước gần đây đã thay đổi luật nhằm công nhận động vật không phải là vật vô tri vô giác mà là những cá thể có khả năng cảm nhận tình yêu và bị tổn thương.

Những người nuôi chó mèo ở Anh gặp phải hoàn cảnh giống cô Suzie Meakins một ngày nào đó cũng có thể khởi kiện hành vi bắt cóc thú cưng. Năm 2021, chính phủ Anh đã thành lập lực lượng đặc nhiệm chống nạn trộm cắp thú cưng. Họ cũng đưa ra nhận định rõ ràng rằng “vật nuôi không chỉ là tài sản”.

Chú thích ảnh
Thám tử thú cưng Anne-Marie Curry. Ảnh: The Observer.

“Gia đình đa loài” xuất hiện nhiều hơn

Đối với bà Andrea Laurent-Simpson, giảng viên tại Đại học Southern Methodist (Mỹ), việc thừa nhận thực tế rằng ngày càng có nhiều “gia đình đa loài” mang một ý nghĩa biểu tượng rất lớn.

Cuốn sách “Just Like Family” của Laurent-Simpson xuất bản năm 2021, đã giải thích về những gắn bó cảm xúc trong mối quan hệ con người và thú cưng vài năm trở lại đây.

Thú cưng giờ đây có thể thay thế trẻ em trong những gia đình không có con cái. Ở các quốc gia có thu nhập cao, hậu công nghiệp hóa với tỷ lệ sinh giảm như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Cộng hòa Séc, Australia, mối quan hệ giữa con người với thú cưng đủ khăng khít để người chủ xin nghỉ làm để tập trung chăm sóc vật nuôi. 

“Sự chấp nhận văn hoá gia đình đa loài như một kiểu gia đình thật sự đang tăng lên", bà Laurent-Simpson cho biết.

Trong những người nuôi thú cưng được bà phỏng vấn, có những người đọc sách cho chó nghe trước lúc ngủ, chú ý đến từng tiếng bước chân lạch của chúng trên hành lang hay thậm chí thay đổi giờ làm để dành thời gian với “các em bé”.

Với họ, việc trộm thú cưng là một viễn cảnh đáng sợ, có thể gây tổn thương tinh thần sâu sắc.

Nghiên cứu đã nhiều lần chỉ ra rằng thú cưng cũng có thái độ đau buồn giống con người trước cái chết. Tuy vậy, dù sao cái chết cũng là sự kết thúc, nhưng việc trộm thú cưng thì khác hẳn. Người chủ sẽ luôn bận lòng về điều gì đã xảy ra với thú cưng của mình và liệu chúng có đang sợ hãi không. Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đưa vật nuôi quay trở về.

Theo đoạn video được bà Curry chia sẻ trên mạng xã hội, vị thám tử này đã tìm được vào trao trả bốn chú cho cho cô Suzie Meakins. Cô chủ này đã chạy tới bế và ôm hôn chúng trong nụ cười xen lẫn nước mắt hạnh phúc.

Và với người làm nghề thám tử như Curry, đây chính là khoảnh khắc đáng mong chờ nhất. 

“Chúng tôi không chỉ mang trả lại một chiếc máy tính xách tay hay một chiếc nhẫn kim cương, chúng tôi đang đi tìm một cá thể tồn tại cảm xúc. Chúng có thể biết chúng đang bị lạc, cảm thấy sợ hãi, không an toàn, cảm nhận được sự gắn kết và cả đau buồn”, bà Curry chia sẻ.

Linh San (Theo The Guardian)
Tại sao Mỹ cần nền kinh tế Trung Quốc ổn định?
Tại sao Mỹ cần nền kinh tế Trung Quốc ổn định?

Các công ty Mỹ hình thành mạng lưới sản xuất khổng lồ ở Trung Quốc và phụ thuộc rất nhiều vào người tiêu dùng Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN