Nam giới chiếm 85% ca tử vong trong cô đơn ở Hàn Quốc

Nghiên cứu cho thấy đàn ông trung niên chiếm hơn 85% số trường hợp được gọi là “chết trong cô đơn” ở Hàn Quốc và thường trung bình phải mất hơn ba tuần mới phát hiện được các thi thể.

Chú thích ảnh
Những cái chết trong cô đơn đã trở thành vấn đề đau đầu của Hàn Quốc trong những năm gần đây. Ảnh: Korea Herald

Định nghĩa về những cái chết cô đơn là trường hợp một người chết một mình sau khi mất liên lạc với bạn bè hoặc gia đình và thi thể của người đó không được phát hiện trong ít nhất ba ngày. Hiện tượng này còn được gọi là "cái chết đơn độc" hoặc "cái chết không có người giám sát”.

Theo một nghiên cứu về đặc điểm của những cái chết cô đơn ở Hàn Quốc, trong số 128 trường hợp tử vong như vậy từ năm 2017 đến năm 2021, có 108 người là nam giới và 20 người là phụ nữ. Nghiên cứu này dựa trên dữ liệu khám nghiệm pháp y do Na Joo Young - giáo sư pháp y tại Đại học Quốc gia Busan thực hiện.

Các phát hiện này dựa trên 664 cuộc khám nghiệm pháp y do giáo sư thực hiện từ năm 2017 đến năm 2021, cùng khoảng thời gian mà Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc thực hiện nghiên cứu chính thức đầu tiên về những cái chết cô đơn.

Theo độ tuổi, những người ở độ tuổi 50 chiếm 40% tỉ lệ "tử vong trong cô đơn" với 51 trường hợp, những người ở độ tuổi 60 chiếm 30 trường hợp và những người ở độ tuổi 40 chiếm 28 trường hợp. Các cá nhân ở độ tuổi 20 - 30 chiếm tỷ lệ nhỏ nhất trong tổng số, với 8 trường hợp. 

Báo cáo cũng nói thêm rằng những thay đổi trong cấu trúc gia đình truyền thống, chẳng hạn như tỷ lệ ly hôn, ly thân hay sống xa cách cao hơn cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong trong cô đơn. Vì một nửa số người chết mà không được phát hiện đều đã ly hôn hoặc ly thân với vợ/chồng của họ.

Theo nghiên cứu, phải mất trung bình 26,6 ngày để tìm thấy thi thể trong những trường hợp chết cô đơn.

Những cái chết thường được chủ nhà báo cáo khi người thuê nhà chậm trả tiền thuê nhà hoặc không còn phản hồi dù họ cố gắng liên lạc của, hoặc nhận được báo cáo từ người quản lý tòa nhà hoặc hàng xóm. Trong những trường hợp này, trung bình phải mất 29,7 ngày để tìm ra thi thể.

Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy 63% thi thể có nồng độ cồn trong máu trung bình là 0,074% - gần gấp đôi mức cấu thành tội lái xe khi say rượu ở Hàn Quốc, tức là 0,03% theo luật hiện hành.

Hàn Quốc đã chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể về số người chết một mình trong 5 năm qua từ 2.412 người (năm 2017) lên đến 3.378 người (năm 2022). Năm 2018, con số này đứng ở mức 3.048 người. Đến 2019 giảm xuống còn 2.949 người nhưng đã tăng trở lại lên 3.279 người vào năm 2020 và 3.378 vào năm 2021.

Để giải quyết vấn đề người trung niên và người sống cô độc chết một mình mỗi năm, vào tháng 5/2023, chính phủ đã triển khai một kế hoạch nhằm khảo sát những người có nguy cơ chết một mình và các nhóm dễ bị tổn thương, cũng như cung cấp cho họ dịch vụ chăm sóc sức khỏe, việc làm và y tế cho, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng nhân khẩu học.

Đi kèm với những nỗ lực của chính phủ, nghiên cứu cũng nhắc lại sự cần thiết của việc tiếp cận xã hội một cách toàn diện, để giải quyết vấn đề về những cái chết cô đơn và chứng rối loạn do rượu, cũng như đề xuất đưa ra các khung thời gian cụ thể để xác định thuật ngữ "cái chết cô đơn".

Trần Trang/Báo Tin Tức (Theo Korea Herald)
Gia tăng 'cái chết cô độc' ở Hàn Quốc
Gia tăng 'cái chết cô độc' ở Hàn Quốc

Trong xã hội hiện đại, “cái chết cô độc” là điều đáng sợ nhất. Dù là thanh niên độc thân hay người già neo đơn, viễn cảnh bản thân qua đời mà không ai biết thực sự đáng buồn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN