Mỹ thừa nhận khả năng viện trợ cho Ukraine giảm dần theo từng tuần

Khả năng của Nhà Trắng trong việc cung cấp cho Ukraine "mọi thứ nước này cần" đang bị thu hẹp mỗi tuần nếu Quốc hội Mỹ không thông qua gói viện trợ lớn mới cho Ukraine.

Chú thích ảnh
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng thông tấn Ukrinform (Ukraine) ngày 14/11 dẫn lời ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại cuộc họp giao ban ở Washington: "Điều đó đã ảnh hưởng đến khả năng của chúng tôi trong việc cung cấp cho Ukraine mọi thứ mà họ cần, và tác động này sẽ chỉ tăng lên theo thời gian".

Ông Sullivan cho rằng Quốc hội Mỹ nên thông qua càng sớm càng tốt đề nghị của Tổng thống Biden, trong đó bao gồm viện trợ cho Ukraine và Israel, vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia của Mỹ.

Ông Sullivan nhắc lại rằng Nhà Trắng đã gửi yêu cầu phân bổ kinh phí cho Israel, Ukraine, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như củng cố an ninh biên giới. Ông nói: "Chúng tôi đã trình bày chi tiết chính xác những gì chúng tôi cần, bao gồm cả Ukraine, và chúng tôi vẫn cần điều đó, và chúng tôi cần  sớm nhất có thể".

Ông Sullivan thông báo Chính phủ Mỹ đang tích cực làm việc với cả Hạ viện và Thượng viện, cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ, để đảm bảo số phiếu bầu cho nguồn tài trợ đó. 

Ông Sullivan cũng cảnh báo Quốc hội Mỹ không nên để tình trạng chính phủ đóng cửa đe dọa nước này tương tự như trường hợp sau ngày 17/10, rằng diễn biến như vậy có thể là một "đòn tàn khốc", đặc biệt là đối với quân đội Mỹ, lực lượng bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của nước này.

Ngoài ra, theo ông Sullivan, việc đóng cửa chính phủ có thể sẽ gửi tín hiệu tới cộng đồng quốc tế rằng “Mỹ không thể đoàn kết trên cơ sở lưỡng đảng”. Điều này đặc biệt quan trọng vào thời điểm thế giới đang trải qua nhiều biến động, bao gồm cả cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc chiến giữa Israel - Hamas.

Hiện Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách thuyết phục Quốc hội Mỹ ủng hộ viện trợ cho cả Ukraine và Israel, đồng thời phê duyệt gói tài trợ mới trị giá 106 tỷ USD, trong đó bao gồm hơn 61 tỷ USD cho Ukraine. 

Nhưng ông Mike Johnson, Chủ tịch mới của Hạ viện Mỹ, khẳng định rằng các gói viện trợ cho Ukraine và Israel sẽ được Quốc hội xem xét riêng, trong khi gói viện trợ của Ukraine sẽ được xem xét cùng với các khoản phân bổ cho an ninh biên giới với Mexico.

Công Thuận/Báo Tin tức
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời

Ngày 14/11, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu tạm thời nhằm ngăn chặn việc chính phủ liên bang đóng cửa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN