Mỹ tìm cách giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng hạt nhân của Nga

Bất chấp lệnh trừng phạt, Mỹ vẫn tiếp tục phụ thuộc chuỗi cung ứng hạt nhân của Nga.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: oilprice

Theo nhận định của mạng tin Oilprice.com mới đây, Mỹ có đủ urani để cung cấp năng lượng cho nước này trong 100 năm nhưng lại thiếu khả năng làm giàu nhiên liệu hạt nhân để "tự lực cánh sinh". Kết quả là quốc gia này đang phụ thuộc vào chuỗi cung ứng năng lượng hạt nhân của Nga để duy trì hoạt động. 

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các biện pháp trừng phạt năng lượng của phương Tây đối với Nga, mà còn làm tác động nghiêm trọng đến an ninh năng lượng của Mỹ.

Năng lượng hạt nhân chiếm gần 1/5 tổng sản lượng năng lượng quốc gia của Mỹ (18,2%). Trên thực tế, Mỹ là nước sản xuất năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới, chiếm tới 30% sản lượng toàn cầu. 

Nhưng trong khi Mỹ đứng đầu thế giới về sản xuất năng lượng hạt nhân, thì nước này vẫn chưa đứng đầu về khả năng làm giàu urani để sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Sự khác biệt đó thuộc về Nga. Gần 50% hoạt động làm giàu urani của thế giới được thực hiện bởi công ty năng lượng hạt nhân do nhà nước Nga Rosatom điều hành.

Theo Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Anh, các công ty ở Mỹ đã gửi gần 1 tỷ USD cho công ty năng lượng hạt nhân Rosatom do nhà nước Nga điều hành chỉ riêng trong năm 2022. Scott Melbye, Phó Chủ tịch điều hành của công ty Uranium Energy nói: “Chúng ta đang tài trợ cho cả hai bên trong cuộc xung đột Nga - Ukraine”. 

Trên thực tế, trong toàn bộ thời gian trừng phạt năng lượng sau cuộc xung đột ở Ukraine, lĩnh vực hạt nhân của Nga chưa bao giờ bị hạn chế xuất khẩu. Trong khi các lệnh trừng phạt từ Mỹ, EU và các đồng minh chính trị đã khiến Điện Kremlin tổn thất hàng chục tỷ USD doanh thu, thì sự phụ thuộc liên tục của phương Tây vào chuỗi cung ứng năng lượng hạt nhân của Nga lại là một điểm yếu nghiêm trọng. 

Và điểm yếu đó có thể không được khắc phục nhanh chóng vì các dịch vụ của Rosatom sẽ cực kỳ khó thay thế. Các nhà cung cấp khác cực kỳ hạn chế và có năng lực làm giàu urani nhỏ hơn nhiều. Hơn nữa, Nga có vị thế tốt để trở nên quan trọng hơn đối với lĩnh vực này vì công ty con Tenex của Rosatom là công ty duy nhất trên thế giới cung cấp Haleu thương mại - một loại urani được làm giàu ở mức độ cao có thể là nguồn nhiên liệu chính cho các lò phản ứng mô-đun nhỏ, một công nghệ mới mà nhiều người cho rằng sẽ sớm trở thành tiêu chuẩn công nghiệp mới. 

Nga không chỉ kiểm soát chuỗi cung ứng urani được làm giàu toàn cầu mà còn là nguồn tài trợ chính cho các cơ sở hạt nhân mới. Gần 1/5 nhà máy điện hạt nhân trên thế giới là ở Nga hoặc do Nga xây dựng. Ảnh hưởng của Rosatom vẫn đang gia tăng trên khắp thế giới, đặc biệt là khi Nga tiếp tục đẩy mạnh mở rộng hợp tác với các nền kinh tế mới nổi vốn không có đủ khả năng xây dựng lĩnh vực hạt nhân riêng – một mục tiêu theo đuổi vô cùng tốn kém. 

Do đó, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân Nga đã trở thành một ưu tiên chính trị ngày càng quan trọng ở Mỹ. Kathryn Huff, quan chức cấp cao về năng lượng hạt nhân trong chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden, nói với tờ Financial Times (Anh) rằng họ “rất quan ngại” khi Nga cung cấp 1/5 nhiên liệu hạt nhân. Vì vậy, chính quyền Mỹ đã kêu gọi Quốc hội Mỹ cấp 2,16 tỷ USD để khuyến khích các công ty trong nước tăng cường năng lực làm giàu và chuyển đổi urani. 

Bà Kathryn Huff nói: “Điều thực sự quan trọng là chúng tôi thoát phụ thuộc, đặc biệt là phụ thuộc Nga. Nếu không hành động, Nga sẽ tiếp tục giữ vững thị trường này. Điều đó thực sự quan trọng đối với an ninh quốc gia, khí hậu và sự độc lập về năng lượng của chúng tôi”. 

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo oilprice.com)
Mỹ bày tỏ quan điểm về phái đoàn Nga tại Hội nghị APEC
Mỹ bày tỏ quan điểm về phái đoàn Nga tại Hội nghị APEC

Ngày 12/11, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, phụ trách Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ông Matt Murray, cho biết nước này đã nhiều lần khẳng định mong muốn trở thành "chủ nhà tốt" của APEC, trong đó có sự tham gia của Nga. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN