Mỹ nhượng bộ lớn với Iran

5 năm sau khi hủy bỏ JCPOA, các bên giờ đây có cơ hội đạt được thỏa hiệp và mở đường cho doanh nghiệp châu Âu tái gia nhập thị trường Iran.

Chú thích ảnh
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (phải) trong một cuộc phỏng vấn. Ảnh: tehrantimes.com

Theo báo Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 13/9, Mỹ đã có sự nhượng bộ lớn với Iran trong thỏa thuận trao đổi để giải phóng công dân của mình bị Tehran giam giữ.

Cụ thể, Mỹ đã đồng ý trao đổi tù nhân với Iran và cũng đã ủy quyền cho các ngân hàng chuyển tài sản của Iran với số tiền trị giá 6 tỷ USD từ Hàn Quốc sang Qatar để Iran sử dụng vì mục đích nhân đạo.

Tehran đã làm chậm quá trình làm giàu uranium của mình trong khi Mỹ đang hạn chế sử dụng bất kỳ lời lẽ chống Iran nào tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). 5 năm sau khi hủy bỏ Kế hoạch hành động toàn diện chung về chương trình hạt nhân Iran (JCPOA), các bên giờ đây có cơ hội đạt được thỏa hiệp và mở đường cho doanh nghiệp châu Âu tái gia nhập thị trường Iran.

"Oman và Qatar, vốn ủng hộ việc giảm căng thẳng, đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán giữa Iran và Mỹ. Doha sẽ đảm bảo rằng số tiền này sẽ không được chi cho vũ khí. Iran cơ bản đồng ý với thỏa thuận này vì tình hình kinh tế khó khăn hình thành sau JCPOA đã thất bại vào năm 2018”, Vladimir Sazhin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu phương Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia trên nhấn mạnh, quyết định không làm giàu uranium quá 60% là một bước đi quan trọng của Tehran.

"Thậm chí không loại trừ khả năng làm giàu uranium như vậy sẽ bị dừng hoàn toàn. Và đến lượt Mỹ, tại phiên họp mới nhất của Hội đồng IAEA, Washington đã không đưa ra bất kỳ nghị quyết chống Iran nào. Nói chung, Trung Đông đã trở nên kém hấp dẫn hơn đối với Mỹ trong bối cảnh [mối quan tâm của Washington với] các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Nga, bất chấp thực tế là khoảng 50.000 lính Mỹ vẫn đóng quân trong khu vực”, chuyên gia Sazhin giải thích.

Ông Sazhin nói thêm rằng mặc dù việc khôi phục JCPOA không còn được đặt lên bàn đàm phán nữa nhưng các bên đã tiến gần hơn đáng kể đến sự thỏa hiệp trong các cuộc thảo luận. Do đó, điều này có thể mở đường cho sự hợp tác của Iran với các nước châu Âu quan tâm đến việc hợp tác với Tehran.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 12/9 thông báo rằng những người Mỹ bị giam giữ ở Iran sẽ sớm trở về nhà và Tehran sẽ quyết định cách chi 6 tỷ USD trong số tiền bị đóng băng trước đây và được trả lại theo thỏa thuận trao đổi tù nhân với Mỹ.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo với Quốc hội nước này rằng họ đã thực hiện hành động quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi tù nhân bằng cách phê duyệt quyền miễn trừ cho phép các ngân hàng nước ngoài chuyển 6 tỷ USD sang Qatar mà không sợ bị Mỹ trừng phạt.

Công Thuận/Báo Tin tức
Iran sẵn sàng giúp thúc đẩy quan hệ giữa EU và các quốc gia trong khu vực
Iran sẵn sàng giúp thúc đẩy quan hệ giữa EU và các quốc gia trong khu vực

Ngày 10/9, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian khẳng định Iran sẵn sàng giúp thiết lập mối quan hệ bền chặt giữa các quốc gia trong khu vực và Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN