Mỗi ngày có 20.000 trẻ em trên thế giới phải di dời do thiên tai

Ngày 6/10, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố báo cáo cho biết trong giai đoạn 2016 - 2021, các thảm họa khí hậu đã buộc 43,1 triệu trẻ em ở 44 quốc gia trên thế giới đã phải di dời, tương đương 20.000 trẻ em phải đi lánh nạn mỗi ngày. Với 9,7 triệu trẻ em phải di dời chỗ ở, Philippines trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Chú thích ảnh
Em nhỏ bị mất nhà cửa do cơn bão Daniel tại Soussa, Libya, ngày 15/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo “Trẻ em bị di dời trong bối cảnh biến đổi khí hậu” là báo cáo phân tích đầu tiên trên quy mô toàn cầu thống kê số lượng trẻ em phải di dời chỗ ở do lũ lụt, bão, hạn hán và cháy rừng trong giai đoạn nói trên. Tài liệu này cũng đưa ra các dự đoán trong 30 năm tới.

Nghiên cứu của UNICEF cho thấy, trong 6 năm kể trên, tổng cộng 43,1 triệu trẻ em ở 44 quốc gia trên thế giới đã phải di dời do các thiên tai. Philippines ghi nhận số trẻ em phải di dời do bão cao nhất và số trẻ em phải di dời do lũ lụt cao thứ ba. Trung bình mỗi năm quốc đảo này hứng chịu 20 cơn bão.

Đại diện UNICEF tại Philippines, bà Oyunsaikhan Dendevnorov, cho biết: “Trẻ em nằm trong số những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi phải di dời trong thời điểm xảy ra thảm họa. Các em bị ảnh hưởng cả sức khỏe thể chất và tinh thần, phải nghỉ học, dễ bị bóc lột và lạm dụng hơn”. Bà nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường bảo vệ những trẻ em dễ bị tổn thương và hỗ trợ những trẻ phải di dời do thảm họa liên quan khí hậu.

Ước tính, trong 30 năm tới, khoảng 2,5 triệu trẻ em ở Philippines có nguy cơ phải di dời do mưa bão gây ngập lụt nghiêm trọng. Nguy cơ này càng trở nên tồi tệ hơn do đường bờ biển của Philippines rất dễ bị ảnh hưởng nước biển dâng nếu xảy ra bão. Những khu vực đông dân như vùng đô thị Manila, tỉnh Cebu ở miền Trung và tỉnh Davao ở miền Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão lũ.

Theo báo cáo của UNICEF, Philippines đã chuẩn bị sẵn các phương án phòng ngừa và ứng phó với thiên tai, như lắp đặt hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, tổ chức tốt quy trình sơ tán và nơi trú ẩn tránh thiên tai. Tuy nhiên, số lượng lớn trẻ em có nguy cơ phải di dời trong một thảm họa đang đặt ra những câu hỏi về khả năng tiếp nhận của các cộng đồng sở tại, cũng như khả năng cung cấp nơi tạm trú và tiếp cận giáo dục.

Trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) dự kiến diễn ra ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào tháng tới, UNICEF kêu gọi các chính phủ, nhà tài trợ, đối tác phát triển và khu vực tư nhân tăng cường hành động để bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ phải di dời trong tương lai.

Phan An (TTXVN)
Các quốc gia lưu vực sông Mekong đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu
Các quốc gia lưu vực sông Mekong đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 5/10, tại thành phố Luang Prabang (Bắc Lào), Ủy hội sông Mekong quốc tế đã tổ chức Diễn đàn các bên liên quan khu vực MRC (RFS) lần thứ 13.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN