Lý do Nga thay đổi mục tiêu tấn công tầm xa vào Ukraine

Các cuộc tấn công tầm xa quy mô lớn cho thấy Nga khả năng đã nhận ra tầm quan trọng ngày càng tăng của năng lực công nghiệp quốc phòng liên quan ở Ukraine khi Kiev chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài.

Chú thích ảnh
Bộ Quốc phòng Anh cho rằng Nga ít nhất đã tạm thời thay đổi cách tiếp cận với các cuộc tấn công tầm xa vào Ukraine và tập trung vào khả năng phòng thủ của Kiev. Ảnh: RT

Tờ European Pravda (Ukraine) dẫn đánh giá của Tình báo Quốc phòng Anh nêu rõ: Các nhà phân tích của Anh lưu ý rằng Nga đã tăng cường cường độ tấn công tầm xa nhằm vào Ukraine kể từ ngày 29/12/2023. Các lực lượng Nga đã triển khai một phần đáng kể trong kho dự trữ tên lửa đạn đạo và hành trình không đối đất mà nước này đã tích lũy được những tháng gần đây.

Tình báo Quốc phòng Anh đánh giá các cuộc tấn công mới đây rất có thể nhắm vào ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Điều này trái ngược với các cuộc tấn công lớn vào mùa đông năm ngoái, vốn tập trung vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Nhiều dự báo cho rằng Nga sẽ tiếp tục chiến dịch tấn công nhằm vào các cơ sở năng lượng như vào đầu tháng 12/2023. Tuy nhiên, các hoạt động mới của Nga cho thấy ít nhất có sự thay đổi tạm thời trong cách tiếp cận của Nga đối với các cuộc tấn công tầm xa.

Cơ quan tình báo quốc phòng Anh cho biết những người lên kế hoạch cho các hoạt động của Nga gần như chắc chắn nhận ra tầm quan trọng ngày càng tăng của năng lực công nghiệp quốc phòng liên quan ở Ukraine khi Kiev chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài.

Trong cuộc trò chuyện với Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo rằng các lực lượng Nga đã bắn ít nhất 500 tên lửa và máy bay không người lái tấn công về phía Ukraine trong 5 ngày qua.

Sau cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn của Nga hôm 2/1, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi các nước phương Tây sẽ phản ứng và có hành động quyết đoán. Ông Kuleba hối thúc các nước phương Tây đẩy nhanh việc chuyển giao các hệ thống phòng không và đạn dược cho Ukraine, đồng thời cung cấp cho Ukraine máy bay không người lái chiến đấu và tên lửa tầm xa.

Đánh giá trên diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biế nước này có kế hoạch tăng sản lượng cơ sở công nghiệp quốc phòng (DIB) gấp sáu lần vào năm 2024. Ông Shmyhal nhắc lại tuyên bố ngày 27/12/2023 của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng công suất sản xuất DIB của Ukraine tăng gấp ba lần vào năm 2023 so với năm 2022 và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bổ sung máy bay không người lái, đạn pháo, đạn dược và xe bọc thép cho lực lượng vũ trang Ukraine. 

Thủ tướng Shmyhal lưu ý Chính phủ Ukraine đã phân bổ hơn 760 tỷ hryvnia (khoảng 20 tỷ USD) để thanh toán cho quân nhân và hơn 265 tỷ hryvnia (khoảng 7 tỷ USD) để mua, sản xuất và sửa chữa vũ khí vào năm 2024. Ông Shmyhal cũng ủng hộ về kế hoạch được báo cáo của phương Tây nhằm sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine trong tương lai.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ trước đó đã đánh giá rằng các cuộc tấn công của Nga nhằm vào các cơ sở công nghiệp của Ukraine có thể nhằm mục đích ngăn chặn Kiev phát triển các năng lực chính nhằm duy trì hoạt động cho cuộc xung đột kéo dài.

Tờ Telegraph của Anh cũng dẫn lời các nhà phân tích nhận định Ukraine có thể phải hạn chế số lượng tên lửa phòng không của mình trước tình trạng cắt giảm viện trợ của phương Tây để bảo vệ các mục tiêu mà nước này cho là quan trọng nhất, điều này có thể sẽ làm lộ ra các điểm yếu ở những khu vực tiền tuyến quan trọng nếu Ukraine buộc phải rút các hệ thống phòng không để bảo vệ những cơ sở hạ tầng quan trọng.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Pravda/ISW)
Xung đột Nga - Ukraine bộc lộ điểm yếu của phương Tây về sản xuất vũ khí
Xung đột Nga - Ukraine bộc lộ điểm yếu của phương Tây về sản xuất vũ khí

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bộc lộ điểm yếu của phương Tây trong việc nhanh chóng sản xuất nhiều vũ khí vào đúng thời điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN