Xung đột Nga - Ukraine bộc lộ điểm yếu của phương Tây về sản xuất vũ khí

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bộc lộ điểm yếu của phương Tây trong việc nhanh chóng sản xuất nhiều vũ khí vào đúng thời điểm.

Chú thích ảnh
Vũ khí hiện đại cực kỳ phức tạp và thường đòi hỏi hàng nghìn bộ phận. Ảnh: US Army

Theo tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 3/1, ví dụ, phải mất hai năm để sản xuất một hệ thống tên lửa NASAMS bảo vệ không phận phía trên Nhà Trắng. Và hiện nay, trước tình hình ngày càng có nhiều mối đe dọa tiềm tàng đối với phương Tây, nhu cầu về hệ thống này cũng tăng mạnh, các đơn đặt hàng đã nhiều lên nhanh chóng.

Erik Lee, người phụ trách về lĩnh vực quốc phòng của công ty Na Uy Kongsberg Defense & Aerospace, cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy nhu cầu lớn như vậy”.

Wall Street Journal lưu ý, nguyên nhân chính là do vũ khí hiện đại cực kỳ phức tạp và thường cần tới hàng nghìn bộ phận.

"Kongsberg, giống như hầu hết các công ty quốc phòng phương Tây, thiết kế và lắp ráp hệ thống vũ khí của mình, nhưng không sản xuất hầu hết các bộ phận. Hơn 1.500 nhà cung cấp đóng góp vào các sản phẩm của nhà máy này. Chỉ riêng chuỗi cung ứng cho NASAMS đã bao gồm hơn 1.000 công ty và được xây dựng trên hai lục địa cùng với nhà thầu quốc phòng RTX của Mỹ, trước đây gọi là Raytheon Technologies”, nguồn tin trên cho biết.

Ngoài ra, có thông tin cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động dài hạn. Cùng với đó, các quan chức hàng đầu của Mỹ và NATO ngày càng bày tỏ lo ngại việc thiếu vũ khí sẽ ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu.

Trong cuộc diễn tập mô phỏng chiến tranh đầu năm 2023, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ước tính rằng Mỹ sẽ cạn kiệt tên lửa chống hạm tầm xa quan trọng nhất ngay trong tuần đầu tiên. Mỹ sẽ không thể nhanh chóng bổ sung nguồn dự trữ.

Wall Street Journal cho biết thêm cũng có sự chậm trễ kéo dài trong việc cung cấp các loại vũ khí khác, ví dụ như máy bay chiến đấu F-35, máy bay huấn luyện và tiếp nhiên liệu mới, cùng các tàu sân bay mới nhất của Mỹ.

Phần lớn năng lực sản xuất vũ khí của phương Tây, đặc biệt là ở châu Âu, đã bị suy yếu do việc cắt giảm ngân sách quốc phòng sau Chiến tranh Lạnh và quá trình phi công nghiệp hóa dần dần. Nhà phân tích quốc phòng và cố vấn chiến lược Nicholas Drummond người Mỹ lấy ví dụ là các công ty Đức vào thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh có thể sản xuất tới 400 xe tăng mỗi năm, nhưng giờ đây Đức chỉ sản xuất được tối đa 50 xe tăng mỗi năm.

Theo Wall Street Journal, vũ khí hiện đại đòi hỏi nhiều thời gian hơn để sản xuất và tốn nhiều tiền hơn, tất cả đều hạn chế lượng dự trữ và kéo dài thời gian bổ sung.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: UNIAN

Nga và Trung Quốc vượt qua phương Tây?

Nga và Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và châu Âu về một số hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Theo các quan chức Lầu Năm Góc, hai quốc gia này có tên lửa siêu vượt âm và việc Mỹ giới thiệu tên lửa đầu tiên loại này đã bị hoãn lại đến năm 2024 do các cuộc thử nghiệm không thành công. Wall Street Journal nhấn mạnh rằng các hệ thống phòng thủ chống tên lửa siêu vượt âm của Mỹ và châu Âu sẽ không được đưa vào sử dụng trong ít nhất 10 năm nữa.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Nga và Trung Quốc tổng cộng có khoảng 5.020 hệ thống tên lửa phòng không trên mặt đất, so với khoảng 3.200 hệ thống đang phục vụ ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cộng lại.

Các công ty quốc phòng ở Trung Quốc và Nga hầu hết đều thuộc sở hữu nhà nước, vì vậy họ ít bị ảnh hưởng bởi áp lực thương mại hơn và có sẵn chuỗi cung ứng nội địa lớn. Kết quả là, chẳng hạn, theo ước tính của các nhà phân tích, kho dự trữ của Trung Quốc đã tăng từ một vài tên lửa đạn đạo phi hạt nhân vào năm 1996 lên hơn 3.000 tên lửa đạn đạo và hành trình.

Một đại diện Lầu Năm Góc thông báo, đối với phương Tây, nhiệm vụ hỗ trợ các đồng minh tham gia vào một số cuộc xung đột toàn cầu nhất định càng hạn chế nguồn cung, làm tăng nhu cầu về một số hệ thống vũ khí, đặc biệt là đạn pháo và phòng thủ chống tên lửa.

Vì vậy, hầu hết các công ty quốc phòng phương Tây hiện nay đều đang tích cực tăng cường năng lực sản xuất (tập trung vào sản xuất đạn pháo và tên lửa). Đặc biệt, Chính phủ Mỹ đang đầu tư vào cơ sở trong nước và đưa việc sản xuất các thành phần dễ bị tổn thương như vi mạch trở lại nước Mỹ.

Lầu Năm Góc còn có kế hoạch triển khai chiến lược cơ sở công nghiệp mới trong những tuần tới nhằm giúp loại bỏ các nút thắt trong chuỗi cung ứng. Các tập đoàn quốc phòng khổng lồ của Mỹ cùng với các đối tác nước ngoài cũng đang ngày càng tích cực xây dựng cơ sở ở nước ngoài, bao gồm cả nhà máy sản xuất tên lửa, để mở rộng nguồn cung. Trong khi đó, Kongsberg Defense & Aerospace của Na Uy đang dự trữ các thành phần quan trọng để đối phó với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo wsj.com)
Phương Tây lo Ukraine không đủ thiết bị phòng không để trụ vững trong mùa đông
Phương Tây lo Ukraine không đủ thiết bị phòng không để trụ vững trong mùa đông

Dẫn kết luận của giới quan sát quân sự phương Tây, truyền thông Anh đưa tin lực lượng phòng không Ukraine sẽ không đủ năng lực để đẩy lùi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Nga trong mùa đông này do thiếu tên lửa phòng không từ NATO.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN